Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

TƯ TƯỞNG CỦA LÊ NIN VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN, HOÀN THIỆN LÝ LUẬN VỀ THỜI KỲ QUÁ ĐỘ TỪ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ THỰC TIỄN Ở VIỆT NAM



                                                             Ths Nguyễn Hữu Nghị
                                                            
         V.I. Lê nin là vị lãnh tụ thiên tài kiệt xuất của phong trào cách mạng vô sản thế giới, Lê nin đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho lý tưởng cao cả: tiêu diệt chế độ bóc lột bất công, chuyên chế và trở thành nhà hoạt động chính trị có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Người đã biến tư tưởng của Mác, Ăng ghen về chủ nghĩa xã hội (CNXH) trở thành hiện thực trên một đất nước chiếm 1/6 diện tích hành tinh. Từ nước Nga Xô Viết, ngọn cờ CNXH đã tung bay trên khắp năm châu, từ Âu sang Á, Phi, Mỹ La tinh…nhờ tư tưởng của Người mà biết bao dân tộc lầm than, nô lệ đã dũng cảm đứng lên tranh đấu cho tự do, độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Lê nin và các dân tộc thuộc địa đã từng viết: “từ những người nông dân Việt Nam  đến những người dân săn bắn trong các rừng Đa Hô Mây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ, và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lê nin. Chỉ như thế cũng đủ làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình đối với nước đó và lãnh tụ của nước đó” (1). Lê nin đã đi xa, nhưng những tư tưởng lý luận cách mạng của Người vẫn sống mãi và còn nguyên giá trị đối với thời đại ngày nay. Người đã vận dụng và phát triển tài tình lý luận cách mạng và khoa học của Mác, Ăng ghen và để lại cho chúng ta một học thuyết hoàn chỉnh về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH. Học thuyết này không chỉ có giá trị to lớn đối với nước Nga Xô Viết trong lịch sử mà còn có giá trị phổ biến cho tất cả các nước tiến hành quá độ lên CNXH trong đó có Việt Nam.
       Học thuyết của V.I. Lê nin về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH là một học thuyết hoàn chỉnh, khoa học, có nội dung hết sức phong phú về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Theo Mác và Lê nin thì thời kỳ quá độ là “thời kỳ của những cơn đau đẻ kéo dài”; và xã hội XHCN - giai đoạn đầu của CNCS  - là xã hội thoát thai từ xã hội TBCN sau những cơn đau ấy. Nói về tính chất và độ dài của thời kỳ quá độ, Lê nin cho rằng đó là thời kỳ đau khổ nhất, nhất thiết sẽ kéo dài rất lâu…nước nào càng lạc hậu thì cách mạng XHCN ở nước đó càng khó khăn trong việc chuyển từ những quan hệ cũ TBCN sang những quan hệ XHCN. Tính phức tạp, lâu dài của thời kỳ quá độ đòi hỏi đảng cộng sản phải biết phân chia thời kỳ quá độ thành những bước quá độ nhỏ hơn. Lê nin đã chỉ rõ rằng trong chính sách của chúng ta, phải chia ra là nhiều bước quá độ nhỏ, những khó khăn của chính sách và tất cả sự khéo léo của chính sách là ở chỗ biết tính đến những nhiệm vụ đặc biệt của từng bước quá độ.
       Những năm đầu sau Cách mạng tháng 10 /1917, nước Nga Xô Viết non trẻ gặp biết bao khó khăn, thử thách. Cũng từ bối cảnh ấy, Lê nin đã cống hiến xuất sắc vào việc vạch ra cho đất nước một đường lối chiến lược xây dựng CNXH. Có hai quan điểm, hai đường lối trong cải tạo XHCN đã được đem ra thử nghiệm ở thời kỳ này. Đó là “Chính sách cộng sản thời chiến”“Chính sách kinh tế mới”. Trong khi suy nghĩ về những bài học của “Chính sách cộng sản thời chiến”, một chính sách buộc phải đem ra thi hành trong thời kỳ nội chiến vào những năm 1918 - 1921, Lê nin đã đi đến kết luận là việc đẩy mạnh một cách giả tạo các cải tạo XHCN, khước từ không tận dụng quan hệ hàng hoá tiền tệ, nhà nước hoá tất cả mọi hình thái hoạt động xã hội - chỉ mang trên mình những dấu hiệu hình thức của tính XHCN, dẫn đến xã hội hoá giả tạo sản xuất, phát sinh ra lề thói quan liêu và tầng lớp quan liêu. Kìm hãm xã hội phát triển, làm cho người dân bất bình, mất lòng tin vào đảng, tổng khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị là kết quả không tránh khỏi của đường lối trên. Người đã dũng cảm thừa nhận “…chúng ta đã thất bại trong cái ý định dùng phương pháp “xung phong”, nghĩa là dùng con đường ngắn nhất, nhanh nhất, trực tiếp nhất để thực hiện việc sản xuất và phân phối theo nguyên tắc XHCN” (2).  Lê nin cho thấy sự hiện diện cần thiết của nhiều hình thức sở hữu, kích thích lợi ích của người sản xuất bình thường ở nông thôn cũng như thành thị, tận dụng mọi hình thức quan hệ hàng hoá - tiền tệ đa dạng là phù hợp hơn cả với giai đoạn quá độ từ CNTB lên CNXH. Giai cấp vô sản có được trong tay quyền lực nhà nước, đảm bảo ưu tiên cho các hình thức quan hệ sản xuất XHCN mới (song không đước xoá bỏ một cách tuỳ tiện, cưỡng bức tất cả các hình thức khác), nhà nước có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người lao động về mặt xã hội - phát triển, như vậy tất yếu sẽ mang xu hướng XHCN được thể hiện rõ ràng.
      Về giai cấp và đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ, Lê nin cho rằng dưới nền chuyên chính vô sản, các giai cấp vẫn tồn tại, nhưng bộ mặt của mỗi giai cấp đều thay đổi, quan hệ qua lại giữa các giai cấp cũng biến đổi và đấu tranh giai cấp chưa chấm dứt mà chỉ diễn biến dưới những hình thức mới và bằng những phương pháp mới. Người nêu ra năm nhiệm vụ mới và tương ứng với chúng là năm hình thức đấu tranh giai cấp mới của giai cấp vô sản trong thời kỳ quá độ là: trấn áp sự kháng cự của bọn bóc lột; nội chiến; “trung lập hóa giai cấp tiểu tư sản”, “sử dụng giai cấp tư sản”; bồi dưỡng tinh thần kỷ luật mới. Cuộc đấu tranh giai cấp này diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cơ sở của nó là cuộc đấu tranh giữa hai phương thức sản xuất XHCN và TBCN, cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản trên mặt trận kinh tế.
       Về vấn đề liên minh công nông, Lê nin sớm nhận thấy khi bước vào thời kỳ quá độ, liên minh này cần tiếp tục tăng cường, giữ gìn trên cơ sở kinh tế, Vì vậy mà trong nội chiến cách mạng, để giữ lấy quyền sử dụng ruộng đất, nông dân sẵn sàng chấp nhận cả chính sách cộng sản thời chiến. Nhưng sau nội chiến, việc chuyển từ chính sách trưng thu lương thực thừa sang chính sách thuế lương thực và chuyển từ chính sách cộng sản thời chiến sang chính sách kinh tế mới nói chung về thực chất chính trị là nhằm củng cố liên minh công nông, tạo điều kiện cho nông nghiệp và công nghiệp phát triển, thực hiện giao lưu hàng hoá giữa thành thị và nông thôn, bảo đảm đời sống của công nhân và nông dân.
       Về vấn đề công nghiệp hoá XHCN, Lê nin luôn luôn nhấn mạnh vai trò then chốt của công nghiệp nặng với ngành cơ khí chế tạo máy làm “trung tâm thần kinh của toàn bộ nền công nghiệp”, Lê nin nhấn mạnh rằng cơ sở vật chất duy nhất của CNXH chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí, là điều kiện quyết định để tạo ra năng xuất lao động cao, là chuyển lao động thủ công thành lao đọng cơ khí hoá, là trang bị kỹ thuật mới không những cho công nghiệp mà còn cho tất cả các ngành khác của nền kinh tế quốc dân. Bởi vì “không có những công xưởng lớn như những  xưởng mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra, không có một nền đại công nghiệp tổ chức cao, thì không thể nói đến CNXH nói chung, mà lại càng không thể nói đến CNXH với một nước nông nghiệp được” (3). Cũng theo quan điểm của Người, công nghiệp hoá còn là một quá trình phát triển xã hội sâu sắc và toàn diện, quá trình phát triển giai cấp công nhân và cải tạo những người nông dân theo CNXH, quá trình xoá bỏ dần dần sự cách biệt giữa công nhân và nông dân, giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa thành thị và nông thôn. Con đường để tích luỹ vốn cho công nghiệp hoá XHCN là tích luỹ từ trong nội bộ nền kinh tế quốc dân, đồng thời tranh thủ vốn của nước ngoài thông qua sự hợp tác quốc tế.
         Về cách mạng văn hoá tư tưởng, Lê nin cho rằng nền văn hoá vô sản phải mang theo một chất lượng mới của một nền văn hoá tiên tiến, phù hợp với sứ mệnh lịch sử vĩ đại của giai cấp công nhân trong giai đoạn cách mạng mới. Song nền văn hoá ấy cũng là một sự kế tục, một sự chọn lọc và tiếp thu những giá trị cao đẹp của các nền văn hoá của nhân loại trong lịch sử.
      Theo Lê nin, việc nâng cao trình độ văn hoá chung của quần chúng sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ trên đó sẽ nảy nở những lực lượng mạnh mẽ vô cùng tận cho sự phát triển nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật. Thực tế như chúng ta đã thấy từ nước Nga Xô Viết: cách mạng XHCN đã được thực hiện ở một nước có trình độ phát triển trung bình của CNTB, sự tập chung công nghiệp cao, có đa số dân cư là nông dân, có những tàn dư sâu xa của chế độ phong kiến và thậm chí của những hình thái xã hội trước để lại. Tuy nhiên, nước Nga đã cống hiến cho thế giới những thành tựu hết sức vĩ đại trong lĩnh vực khoa học và văn hoá.
        Từ  hệ thống lý luận khoa học của Lê nin về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH, chúng ta có thể khái quát lại thành bốn đặc điểm chung như sau:
         Thứ nhất: thời kỳ quá độ là thời kỳ xét trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đều do nhiều thành phần không thuần nhất cấu tạo nên. Đó là thời kỳ có sự đan xen, thâm nhập vào nhau giữa CNTB và CNXH.
         Thứ hai: đó là thời kỳ sự phát triển của cái cũ, của những trật tự cũ đôi khi lấn át những mầm mống của cái mới, của trật tự mới.
         Thứ ba: đó là thời kỳ xét về mọi phương diện, đều có sự phát triển của tính tự phát tiểu tư sản, là thời kỳ chứa đựng mâu thuẫn không thể dung hoà được giữa tính kỷ luật nghiêm ngặt của giai cấp vô sản và tính vô chính phủ của các tầng lớp tiểu tư sản. Lê nin cho rằng, tính tự phát tiểu tư sản là kẻ thù giấu mặt hết sức nguy hiểm và còn nguy hiểm hơn bọn phản cách mạng công khai. Mâu thuẫn giữa tính tự phát tiểu tư sản và tính kỷ luật nghiêm ngặt của giai cấp vô sản là một trong những đặc điểm nổi bật của “giai đoạn đặc biệt”, - giai đoạn quá độ.
         Thứ tư: đó là thời kỳ lâu dài, có rất nhiều khó khăn, phức tạp, phải trải qua nhiều lần thử nghiệm để rút ra những kinh nghiệm, những hướng đi đúng đắn. Trong quá trình thử nghiệm chúng ta sẽ gặp vô vàn thử thách và không ít sai lầm, khuyết điểm.
       Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đang vững bước trên con đường đổi mới, CNH - HĐH với những thành tựu rực rỡ. Có được những thành tựu ấy chính là nhờ ở công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng cộng sản Việt Nam ngay từ những thập kỷ đầu thế kỷ XX đã sáng suốt lựa chọn và trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lê nin, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc trước kia, cũng như quá trình xây dựng CNXH, đi lên xã hội hiện đại ngày nay.
         Đảng ta khẳng định chúng ta hoàn toàn có khả năng quá độ lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN. Kinh nghiệm xây dựng CNXH mấy thập kỷ qua ở Việt Nam chứng tỏ rằng những nguyên lý của Lê nin về cách mạng XHCN có giá trị đối với tất cả các nước không kể ở trình độ phát triển nào.  Để quá độ đi lên CNXH trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải: phát triền nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh CNH - HĐH; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện đại đoàn kết dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế (4). Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về văn kiện Đại hội X của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày ngày 18/4/2006, đã nêu một trong những bài học lớn rút ra từ kinh nghiệm 28 năm đổi mới, xây dựng CNXH: "Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh" (5),  đó là biểu hiện sinh động nhất sự kế thừa và phát huy sáng tạo tư tưởng vĩ đại của V.I. Lê nin vào điều kiện thực tiễn nước ta.
        Diễn tiến lịch sử dân tộc Việt Nam cận hiện đại cho thấy, mỗi khi đất nước đứng trước những khó khăn, thử thách lớn, Đảng ta luôn vững vàng, sáng suốt chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh sóng gió với điều kiện tiên quyết: trung thành tuyệt đối với mục tiêu lý tưởng chủ nghĩa Mác- Lê nin. Từ đó làm nên một Cách mạng tháng tám nặm 1945 với những giá trị to lớn, một chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động năm châu 1954, một Đại thắng mùa xuân mang ý nghĩa hoàn cầu năm 1975…đặc biệt là công cuộc đổi mới, CNH-HĐH đất nước đang bước sang năm thứ 21 với những thành tựu to lớn và toàn diện, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt kinh tế xã hội đất nước, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về CNXH cho bạn bè khắp năm châu. Qua thực tiễn qua 28 năm  đất nước đổi mới cho thấy chúng ta xây dựng CNXH không có nghĩa là triệt để phủ định cái cũ, mà phải vừa biết kết hợp giữa xây dựng cái  mới, vừa biết tận dụng và cải tạo cái cũ để thúc đẩy xây dựng nền kinh tế mới nhanh hơn, hiệu quả hơn. Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lê nin về thời kỳ quá độ lên CNXH, trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã đồng thời phát huy sức mạnh nhiều thành phần kinh tế, đa dạng hoá các hình thức sở hữu để xây dựng những năng lực sản xuất mới với trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một đường lối ngoại giao năng động, đa phương…nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng CNXH. Quá độ lên CNXH, chúng ta cần khắc phục sai lầm trước đây cho rằng cứ có quan hệ sản xuất XHCN là có CNXH, có sở hữu XHCN thì lực lượng sản xuất sẽ tự động phát triển, năng xuất lao động sẽ tăng nhanh mà không căn cứ vào trình độ hiện có của lực lượng sản xuất.    
       Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, thế kỷ XX và thập kỷ đầu thế kỷ XXI đã chứng minh thuyết phục rằng chủ nghĩa Mác - Lê nin nói chung và chủ nghĩa Lê nin nói riêng vẫn đầy sức sống. Nắm vững ngọn cờ của chủ nghĩa Lê nin, đập tan những luận điệu phản động của các thế lực thù địch, những người cộng sản chân chính sẽ đưa sự nghiệp của CNXH và CNCS phát triển lên những bước mới và đi tới đích cuối cùng.  
         Ngày 22/4/2014, nhân dân Nga và những người cộng sản trên toàn cầu kỷ niệm 144 năm ngày sinh V.I. Lê nin, nhà tư tưởng thiên tài, vị lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Tuy Lê nin đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người sẽ còn sống mãi như lời chủ tịch Hồ Chí Minh “khi Người còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội” (5).    
 
* Chú thích:
        (1) V.I. Lê nin qua những hồi ký, đánh giá, nhận định, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1990, trang 105.
        (2) V.I. Lê nin toàn tập (bản tiếng việt), NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 44, trang 254.
        (3) V.I. Lê nin toàn tập (bản tiếng việt), NXB Tiến Bộ Mátxcơva 1978,tập 43, trang 367.
        (4) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXBCTQG, Hà Nội, 2006, trang 18.
        (5)ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXBCTQG, Hà Nội, 2006, trang 19.
        (6)V.I. Lê nin qua những hồi ký, đánh giá, nhận định, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1990, trang 106.
        * Tài liệu tham khảo:
         1. Đỗ Tư, Tư tưởng chính trị của Lê nin từ cách mạng Nga đến cách mạng Việt Nam, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, 2004.
         2. Lê Xuân Lựu, Chủ nghĩa Mác - Lê nin tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp của chúng ta, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.
         3. Lê nin và thời đại của chúng ta, NXB Sự thật, Hà Nội, 1981.
         4. Viện Mác - Lê nin, Tư tưởng của Lê nin về thời kỳ quá độ, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, 1987.
         5. Nguyễn Trọng Chuẩn, Phạm Văn Đức, Hồ Sĩ Quý cb, Những quan điểm cơ bản của C.Mác- Ph. Ăngghen-V.I. Lê nin về CNXH và thời kỳ quá độ.  NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.