Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

BỐI CẢNH RA ĐỜI VÀ NHỮNG BÀI HỌC CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ CỦA CHỈ THỊ THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN



                                                                     2// Th.S Nguyễn Hữu Nghị
                                                                  P.CN Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ
1.     Bối cảnh ra đời:
       Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón nhận chủ nghĩa Mác – Lê nin và kiên định tuyệt đối con đường này, cũng từ đây mục tiêu cách mạng định hình rõ nét trong tư tưởng của Người: phải đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến, thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa và con đường giải phóng duy nhất là cách mạng bạo lực. Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đã xác định rõ chủ trương làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản, trong mục d của Chánh cương  vắn tắt có nội dung: “tổ chức ra quân đội công nông”. Với tầm nhìn xa trông rộng, từ năm 1925 khi về Quảng Châu hoạt động, Người mở các lớp huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ cách mạng. Sau mỗi khóa học Người trực tiếp lựa chọn những học viên xuất sắc và tìm cách gửi vào học tiếp ở trường quân sự ở Trung quốc hay Liên Xô…để đào tạo cán bộ quân sự. Người căn dặn: “không được sao nhãng việc học chính trị. Chính  trị, quân sự phải đi đôi. Cách mạng sau này rất cần đến đội ngũ cán bộ quân sự, chính trị giỏi giang…”[1] điều đó thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bác dự báo về sự ra đời của đội quân cách mạng – Quân đội nhân dân Việt Nam. 
        Trong những năm từ 1930 đến 1943, dù hoạt động ở Liên Xô, Trung Quốc hay Thái Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng lên hàng đầu, Người viết bài, sưu tầm tư liệu gửi về nước, phổ biến những kinh nghiệm kháng chiến của nhân dân Trung Quốc, kinh nghiệm tổ chức các đội tự vệ, du kích, giữa du kích và quân đội chính quy. Người nêu quan điểm: khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một trong những vấn đề rất quan trọng của cách mạng…cần phải vận động quần chúng trước, khi quần chúng giác ngộ cao thì sẽ có vũ khí; người trước, súng sau; chính trị, quân sự đi đôi.
        Đầu năm 1944, tình hình cách mạng trong cả nước diễn ra sôi sục, ngày 7 tháng 5, dựa vào chủ trương của TW Đảng, Tổng bộ Việt Minh ra “Chỉ thị về việc sửa soạn khởi  nghĩa” nhằm đưa phong trào cách mạng nước ta lên một bước mới, Chỉ thị ghi rõ: “Ai xông ra đánh thù – toàn dân ta, nhưng phải có những đội quân cách mạng cơ bản, có tập tành thao lược”, “xông ra trước rồi dân chúng hưởng ứng theo”, đó là “những đội tiền phong cách mạng kéo các tầng lớp nhân dân đứng dậy tất cả”. Bởi vậy phải “hết sức phát triển và thống nhất các đội tự vệ sẵn có và tổ chức những đội tự vệ mới”. Trên cơ sở đó tổ chức ra những “bộ đội du kích chính thức”[2] 
        Tháng 10 năm 1944, đúng lúc nhân dân vùng Cao – Bắc – Lạng chuẩn bị phát động khởi nghĩa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước. Sau khi nghe đồng chí ủy viên TW Đảng và các cán bộ chủ chốt của chiến khu Cao – Bắc – Lạng báo cáo tình hình, Người chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa vì: “chủ trương phát động chiến tranh du kích ở Cao – Bắc – Lạng mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể của toàn quốc, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục…”[3] và Người chỉ rõ: cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới đẩy mạnh phong trào tiến lên…Trên cơ sở đó, Người chỉ thị: chọn những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. Dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập một đội quân giải phóng.
       Đầu tháng 12 năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập hai đồng chí Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh đến Pác Bó báo cáo tình hình cách mạng. Tại buổi làm việc, Người thay mặt Thường vụ TW Đảng chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách công tác quân sự của Đảng, đảm nhiệm việc thành lập đội vũ trang tập trung.
      Giữa tháng 12 năm 1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung bức thư chính là “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Mặc dù tên gọi của Quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ ngày đầu thành lập là “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, nhưng nhân dân Việt Bắc thường gọi một cách ngắn gọn là “Bộ đội tuyên truyền”. Tất cả lương thực, thực phẩm bà con đem ủng hộ bộ đội còn được gọi là “gạo tuyên truyền”, “muối tuyên truyền”, các kho chứa lương thực, thực phẩm, đạn dược đều được gọi là “Kho tuyên truyền”. Điều này xuất phát từ chính những kết quả đạt được rất to lớn, sâu sắc và toàn diện của bộ đội ta trong tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia chiến đấu và ủng hộ sức người, sức của để sớm đưa cách mạng đến thành công. Cách gọi yêu thương, trìu mến đó của nhân dân ta, cùng với những kết quả đạt được  trong 70 năm xây dựng, chiến đấu, và trưởng thành đã khẳng định quân đội ta, nhất là lực lượng làm công tác chính trị đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo “là đội quân tuyên truyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đánh giặc giỏi mà làm dân vận cũng hết sức hiệu quả, chính là quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Người: nó là đội quân tuyên truyền.
2.     Những bài học còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay:
       Thứ nhất: Quân đội phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ thù không thể nào tiêu diệt được. Tư tưởng của Người qua bản Chỉ thị đã kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc, ý thức đoàn kết nhân dân chiến đấu để giữ nước, gắn bó nước với nhà. Hơn nữa, với việc vận dụng sáng tạo nguyên lý Chủ nghĩa Mác -  Lê nin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, Người đã đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam đạt đến trình độ độc đáo cả về lý luận và thực tiễn. Người luôn luôn nhắc nhở: phải dựa vào dân, có dân là có tất cả. Bài học này đã được Đảng, Quân đội và nhân dân ta vận dụng triệt để trong 2 cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc ta ở thế kỷ XX với tư tưởng toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế.
       Trong bối cảnh thế giới diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, trước những nguy cơ tiềm ẩn khó lường, những mối quan hệ phức tạp, chồng chéo vừa hợp tác vừa đấu tranh trong đời sống chính trị quốc tế, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền, đòi hỏi chúng ta có một đội quân tinh nhuệ, hiện đại. Nhưng quân đội đó để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, phải dựa trên nền tảng nền quốc phòng toàn dân, phát huy nghệ thuật chiến tranh nhân dân nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Bài học này đã được vận dụng rất tốt trong quá trình kiên trì đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông những ngày tháng 5, tháng 6 vừa qua. Cách ứng xử mềm dẻo nhưng kiên quyết, nhất quán được dư luận quốc tế đánh giá cao.
     Thứ hai: Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo.
      Với bản chất tốt đẹp của quân đội cách mạng, được sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, hệ thống tổ chức đảng các cấp trong quân đội hiện nay là yếu tố tiên quyết đảm bảo cho mọi quân nhân vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng – đáp ứng yêu cầu mới ngày càng cao đối với chất lượng chính trị của quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Kiên quyết đấu tranh và đập tan các luận điệu phản động đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân và quân đội nhân dân.
     Trong lịch sử dân tộc thời cổ trung đại, dù chưa có tổ chức chính trị trong quân đội nhưng cha ông ta đã vận dụng, sáng tạo và phát huy cao độ nhân tố chính trị tinh thần khi tiến hành chiến tranh chống giặc ngoại xâm như những Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình than thời nhà Trần thế kỷ XIII đã thể hiện sâu sắc công tác chính trị, tinh thần đoàn kết nhân tâm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc của mọi tầng lớp nhân dân mà đội tiên phong là lực lượng quân đội. Kế thừa tư tưởng đó, Công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam luôn được đặc biệt coi trọng. Đặc biệt, Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513 của Đảng ủy quân sự TW đi vào cuộc sống, vai trò của đội ngũ Chính ủy, Chính trị viên được phát huy cao độ trong công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân tố chính trị, tinh thần là sự đảm bảo cho mọi thắng lợi của quân đội ta, dù chiến tranh công nghệ cao, vũ khí có hiện đại đến đâu thì nhân tố con người, nhân tố tinh thần mới là yếu tố quyết định. Hai cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX chính là minh chứng không thể thuyết phục hơn trước thế giới về điều đó.
      Thứ ba: Tư tưởng đã ra quân là phải đánh thắng:
      Ra quân là phải đánh thắng, đánh thắng ngay trận đầu tạo nhuệ khí và lòng tin trong nhân dân. Đây là sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật quân sự của tổ tiên trong đánh giặc cứu nước, từ chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, cuộc tiến công chiến lược bảo vệ tổ quốc dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt năm 1077, Quang Trung đại phá quân Xiêm 1785, quân Thanh 1789 cho đến chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, chiến dịch Biên giới 1950, tư tưởng “đánh chắc, tiến chắc, có chắc thắng thì mới quyết đánh” của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, rồi hải quân ta chiến thắng trận đầu giòn giã 5/8/1965 mở màn công cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, trận “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972…. 
      Phát huy tinh thần ấy, ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng hai trận giòn giã: Phay Khắt và Nà Ngần. Trên tờ báo Việt Nam độc lập, cơ quan tuyên truyền Việt Minh Cao – Bắc – Lạng số 201, ngày 5 tháng 1 năm 1945 có đăng 2 bản “Thông cáo” do đội tuyên truyền của “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” gửi đến:
      Bản “Thông cáo số 1”: “ngày 11 tháng 11 ta, tức ngày 25 tháng 12 Tây, một bộ đội lạ, ở đâu đến không rõ, bộ đội gì không rõ, kéo đến đồn Phay Khắt, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình. Sau đó, người cai Tây và tất cả 17 người lính dõng mang toàn bộ khí giới trong đồn và tuyên bố với dân làng là cùng cách mạng đi đánh Nhật, rồi cùng bộ đội lạ kéo đi đâu mất. Cũng ngày ấy tên Việt gian hoạt động ở tổng Kim Mã là Xã Bôi, biến đâu mất”[4].
      Bản “Thông cáo số 2”: “Sáng ngày 12 tháng 11 ta, tức ngày 26 Tây, lúc 7 giờ  14 phút, đội tuyên truyền của Việt Nam giải phóng quân kéo đến đồn Nà Ngần, xã Cẩm Lý, họ kéo cờ đỏ sao vàng năm cánh lên, xưng rõ là quân cách mạng, đến lấy súng đạn của Tây phát xít, tuyên bố quân cách mạng Việt Nam không bắn binh lính Việt Nam, kêu gọi anh em binh lính Việt Nam giơ tay lên đầu hàng…”; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thu hồi toàn bộ súng đạn trong đồn”; “ Đến 8 giờ, đội tuyên truyền rút khỏi đồn, vừa đi vừa hát bài giải phóng quân ca”[5]
      Nội dung hai bản thông cáo trên đã khẳng định sự kế thừa xuất sắc nghệ thuật chiến tranh: bí mật, bất ngờ, tích cực, chủ động, linh hoạt, mưu trí; quyết tâm đánh thắng trận đầu, đánh tiêu diệt gọn của quân đội ta ngay từ ngày đầu thành lập.
      Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được coi như cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng, Bản Chỉ thị hết sức ngắn gọn, súc tích, hàm chứa nhiều nội dung cơ bản, chủ yếu trong đường lối quân sự của Đảng, là ngọn đèn soi sáng cho mỗi bước đi, mỗi chặng đường, mỗi chiến thắng của lực lượng vũ trang nhân dân ta trong xây dựng và chiến đấu, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của đất nước trong thời  kỳ hội nhập và phát triển hiện nay.
·        Địa chỉ liên lạc: 2// Nguyễn Hữu Nghị, PCN Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ - Trường Sĩ quan Chính trị. ĐT: 0915.074275


[1] Mạc Văn Úc, Tầm nhìn của bác về quân đội công nông,Tạp chí Sự kiện và nhân chứng số 1/2004, trang 6)
[2] Hồng Nam, Chỉ thị đựng trong bao thuốc lá,Tạp chí Sự kiện và nhân chứng số 1/2004, trang 27)
[3] Ngọc Đức, Hai bản “thông cáo” của Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Tạp chí Sự kiện và nhân chứng số 79, tháng 11 năm 1999, trang 5.
[4] Ngọc Đức, Hai bản “thông cáo” của Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Tạp chí Sự kiện và nhân chứng số 79, tháng 11 năm 1999, trang 5.

[5] Ngọc Đức, Hai bản “thông cáo” của Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Tạp chí Sự kiện và nhân chứng số 79, tháng 11 năm 1999, trang 5.