Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – TÀI SẢN TINH THẦN VÔ GIÁ, MÃI MÃI SOI SÁNG CON ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI



                                                    Trung tá, Th.S  Nguyễn Hữu Nghị
                                                     PCN khoa Văn hoá - Ngoại ngữ, Trường SQCT
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một bản Di chúc vô cùng quý báu. Di chúc được công bố ngay sau khi Bác qua đời và trở thành một nguồn cổ vũ động viên lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Di chúc của Người là tài sản vô giá, là sự đúc kết những giá trị tư tưởng lớn lao, là ánh sáng diệu kỳ khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, mãi mãi soi sáng và định hướng đúng đắn con đường cách mạng Việt Nam phải đi và phải đến tới vinh quang và thắng lợi của dân tộc ta, Đảng ta.
          Trong suốt cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, cống hiến vĩ đại cho dân tộc ta cho cả loài người như vậy mà ở Bác “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[1]. Chẳng những thế Người còn căn dặn chúng ta chớ nên “điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”[2]. Bác còn để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân, toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu nhi và nhi đồng trong nước và quốc tế. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông quá, ôm cả non sông trọn kiếp người”. Cao cả biết bao tấm lòng vì dân, vì nước của Bác, đúng đắn biết bao quan điểm và phương pháp công tác quần chúng của Bác, và cũng thật là vĩ đại biết bao, niềm tin của Bác đối với chúng ta. Có niềm tin ấy, có quan điểm và phương pháp ấy, có tấm lòng ấy, Bác và Đảng ta đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin một cách sáng tạo vào Việt Nam, đã đưa cách mạng nước ta đi đến những thắng lợi rực rỡ như ngày nay. Tấm lòng nhân ái yêu thương con người ở Bác thật là trong sáng vĩ đại bao la như biển rộng sông dài. Bác căn dặn chúng ta: Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài. Đồng bào ta có thể hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn với niềm tin tưởng vào sức mạnh của đoàn kết dân tộc, tin vào tương lai của dân tộc: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”[3].
          Nói về Đảng, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác còn chỉ rõ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.  
           Đối với đoàn viên và thanh niên, Bác ân cần chỉ bảo: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo thành những con người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Thể hiện sự quan tâm, săn sóc của Người đối với tương lai vận mệnh của nước nhà, và sự tin tưởng của Người đối với thế hệ trẻ những người sẽ kế tục sự nghiệp của thế hệ cha anh làm rạng danh non sông đất nước, Tổ quốc ta.   
        Bác còn dành những tình cảm trìu mến đối với mọi tầng lớp đồng bào: “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân[4]. Bác cũng nói lên điều mong ước cuối cùng: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, và giàu mạnh góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
          Thực hiện Di chúc của Bác Hồ, đinh ninh 5 lời thề của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng ta đọc trước anh linh của Người. Bốn mươi nhăm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân Việt Nam anh hùng đã đồng tâm hợp lực, đoàn kết một lòng, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, thử thách, phấn đấu không mệt mỏi quyết tâm biến thành hiện thực những lời chỉ bảo, ân cần, căn dặn của Bác Hồ kính yêu, nhờ đó đã giành được những thắng lợi vang dội làm rạng rỡ non sông đất nước, Tổ quốc ta. Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước, đưa nước ta tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, đổi mới và hội nhập, phát triển cùng thế giới, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.              
          Lịch sử càng dần lùi xa chúng ta, giá trị hiện hữu Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng như mới đó thôi. 39 năm sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đặc biệt là 28 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua 8 kỳ Đại hội Đảng, kể từ Đại hội IV đến Đại hội XI, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn với những mục tiêu kinh tế xã hội được xác định cho từng giai đoạn cụ thể trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đưa đất nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực hiện di huấn của Người, Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đồng thời ra sức xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc để: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[5].
        Thực hiện Di chúc của Người với lời căn dặn và ước nguyện: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[6], 45 năm qua, toàn Đảng, toàn dân tộc đã đưa nước ta phát triển lên một tầm cao mới. Các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước ngày càng được củng cố, mở rộng và tăng cường tạo đà phát triển cho đất nước trong các chặng đường tiến lên. Chúng ta đã từng bước xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không ngừng được củng cố và phát huy trong đời sống xã hội; Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân ngày càng phát huy hiệu quả; xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân mà nền tảng là liên minh công nhân, nông dân, tri thức; xây dựng nền quốc phòng toàn dân với lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để bảo vệ Tổ quốc; xây dựng một nền ngoại giao độc lập, tự chủ, mở rộng, đa phương hoá, đa dạng hoá với tinh thần sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển, không ngừng mở rộng các quan hệ đối ngoại, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
          Con đường đi đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là con đường đầy gian gian nan thử thách, sự nghiệp đổi mới để xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng gặp không ít những gian truân, đòi hỏi chúng ta phải có ý chí quyết tâm lớn và trí tuệ cao. Những thành tựu mà chúng ta đã giành được là đáng ghi nhận và rất quan trọng, song cũng còn không ít những yếu kém và khuyết điểm cả trên hai lĩnh vực đó là phát triển kinh tế, và xây dựng Đảng. Chúng ta còn chưa làm được hoặc làm chưa đầy đủ những điều Bác Hồ căn dặn. Thông qua Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh” những năm qua, một lần nữa Đảng ta, nhân dân ta quyết tâm nhìn nhận những yếu kém và khuyết điểm để ra sức khắc phục, sửa chữa mình, phải phấn đấu hết sức mình, giữ gìn và nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng tiến lên thực hiện lý tưởng cao đẹp của Bác Hồ. phấn đấu thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.
Cuộc đời và hoạt động của Bác là cuộc đời của một con người mà giữa tư tưởng và tấm gương đạo đức luôn có sự gắn bó nhuần nhụy. Đó là nét đặc sắc quý hiếm tạo nên bề rộng, chiều sâu và tầm cao của một trong những nhân cách vĩ đại của một thời đại, mãi mãi là nguồn ánh sáng, sức mạnh vô tận để dẫn dắt chúng ta đi tiếp con đường tới độc lập tự do và ấm no hạnh phúc. Năm 2014, kỷ niệm lần thứ 124 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2014) và 45 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta lại càng tự hào về thân thế, sự nghiệp và nhân cách vĩ đại của Người. Trong sự dìu dắt của Đảng, dưới ánh sáng tư tưởng của Bác, mỗi chúng ta hãy giữ cho lòng mình trong sáng, bồi đắp cho đạo đức cách mạng ngày càng thêm vững bền để tiếp tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi theo con đường của Người đến đích cuối cùng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam: đó vừa là ước nguyện của Người, vừa là ý Đảng, vừa là lòng dân, là điều thiêng liêng, ý nghĩa nhất  dâng lên Người nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ.


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXBCTQG, Hà Nội, 1996, trang 512
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXBCTQG, Hà Nội, 1996, trang 512

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXBCTQG, Hà Nội, 1996, trang 509
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXBCTQG, Hà Nội, 1996, trang 511

[5] Văn kiện HN lần thứ 9 BCHTW khóa XI, Hà Nội, 2014, trang 47
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NXBCTQG, Hà Nội, 1996, trang 512

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

VỀ PHONG TRÀO LY KHAI Ở MIỀN NAM THÁI LAN THỜI GIAN GẦN ĐÂY VÀ NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA CHO VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC TRONG KHU VỰC



                                                                         Tác giả:  Nguyễn Hữu Nghị 
       Vấn đề bất ổn vở miền Nam Thái Lan đã tồn tại nhiều năm trong lịch sử, tuy nhiên từ năm 2001 đến nay, nó bùng phát mạnh mẽ và trở thành điểm nóng xung đột sắc tộc, tôn giáo gây mất an ninh nghiêm trọng ở miền Nam Thái Lan. Hàng ngàn người dân vô tội đã bỏ mạng, hạ tầng cơ sở bị tàn phá, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng…Những gì đã và đang diễn ra ở miền Nam Thái Lan có thể là bài học bổ ích cho Việt Nam cũng như nhiều quốc gia ở khu vực và trên thế giới trong việc giải quyết những bất đồng về dân tộc, tôn giáo, văn hóa...
      1.  Tình trạng bất ổn ở miền Nam Thái Lan
       Cuộc khủng hoảng ở miền Nam Thái Lan diễn ra suốt từ năm 2001 đến nay bởi những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và những vấn đề do lịch sử để lại. Đây là vùng đất gồm các tỉnh Pattani, Yala, Narathiwat, Satun và một phần tỉnh Songkhla với dân cư tuyệt đại đa số là người Hồi giáo (khoảng 6 triệu người). Mảnh đất này vốn là địa hạt của bang Pattani, một trong những tiểu vương quốc Mã Lai cũ được sáp nhập vào Thái Lan năm 1902 sau những cuộc chiến tranh kéo dài giữa người Thái Lan và người Ma lai xi a. Cũng vì vậy, vùng đất này luôn tồn tại mâu thuẫn, xung đột giữa người Thái và người gốc Mã lai bởi những khác biệt lớn  về ngôn ngữ, tôn giáo và văn hoá. Đây là vấn đề không dễ giải quyết bởi dưới góc độ chính trị và kinh tế, cộng đồng người Hồi giáo miền Nam hướng về Băng Cốc nhưng về văn hoá, họ vẫn là một phần của thế giới Hồi giáo. Vùng đất này lại là vùng đất nghèo nàn và chậm phát triển nhất của Thái Lan. Cộng đồng người Hồi giáo gốc Mã lai ở khu vực này lại sống dưới một chính quyền của thiểu số người Thái theo Phật giáo (những người Hồi giáo gốc Mã lai ở miền Nam Thái Lan được tham gia chính quyền nhưng rất hạn chế).  Miền Nam Thái Lan cũng là khu vực có tỉ lệ thất nghiệp, mù chữ cao, người Hồi giáo ở đây cho rằng Chính phủ đã không công bằng với họ như đối với những người theo đạo Phật. Những điều đó đã được tích tụ, dồn nén qua nhiều thập kỷ và bùng phát thành bạo động bởi sự kích động của các nhóm Hồi giáo  ly khai cực đoan ở miền Nam Thái Lan những năm gần đây.           
       Nhận thức về sự phức tạp, nguy hiểm từ các vụ bạo động, khủng bố ở miền Nam Thái Lan, Chính phủ Thái Lan đã nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp nhằm bình ổn tình hình nơi đây. Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp đàn áp quyết liệt của Chính phủ, cuộc khủng hoảng ở khu vực miền Nam Thái Lan dường như chỉ mới bắt đầu. Các nhóm Hồi giáo cực đoan ngày càng mở rộng quy mô hoạt động và nhận được sự hậu thuẫn tích cực từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan trong khu vực cũng như trên thế giới. Những vụ tấn công của lực lượng ly khai Hồi giáo có mục tiêu rất đa dạng: các đơn vị quân đội, cảnh sát, nhân viên an ninh, dân thường, nhà sư, giáo viên…Ban đầu, vì sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch (nguồn thu tài chính lớn của Thái Lan), trong suốt những năm 2002, 2003, chính phủ Thái Lan đã bưng bít thông tin về cuộc khủng hoảng và cho rằng đó chỉ là cuộc chiến của những băng đảng tội phạm tranh giành lãnh địa được sự tiếp tay của các quan chức tham nhũng.
        Nhiều nhóm ly khai hoạt động ở khu vực miền Nam Thái Lan đặc biệt là các tỉnh Pattani, Yala và Narathiwat đều có xu hướng phát triển thành các tổ chức tội phạm. Hiện có hai nhóm hoạt động vũ trang mạnh nhất là tổ chức PULO mới, được thành lập năm 1995 tách ra từ tổ chức PULO cũ được thành lập từ năm 1968 (PULO: Tổ chức giải phóng thống nhất Pattani) và phong trào Mujahideen Hồi giáo Pattani: (GMIP - Gerakan Mujahideen Islam Pattani), tổ chức này cũng được thành lập năm 1995 và có ít nhất 30 tay súng nòng cốt. lực lượng an ninh Thái Lan coi nhóm này chỉ là một băng cướp chuyên bắt cóc, tống tiền và sẵn sàng làm việc cho ai trả tiền cao hơn, phủ nhận khía cạnh chính trị của tổ chức này. Trên thực tế, GMIP không chỉ là một băng cướp đơn thuần, các thủ lĩnh của nó chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Afghanistan. GMIP có móc nối và hợp tác hoạt động với KMM của Malaysia và Abu Sayyaf của Phi Lip Pin. Cuối những năm 90 của thế kỷ XX, GMIP ngày càng dính líu nhiều vào các hoạt động tội phạm như bắt cóc, tống tiền, khó còn có thể gọi là lực lượng thánh chiến Jihad, nó có nhiều điểm tương đồng với nhóm khủng bố Abu Sayyaf ở Philippines. Cả GMIP và Abu Sayyaf đều là những tổ chức mới xuất hiện sau chiến tranh lạnh, các thủ lĩnh đều còn rất trẻ và đã từng chiến đấu ở Afghanistan, cùng tiêm nhiễm đầu óc cực đoan hung hăng qua những trường Hồi giáo, tư tưởng thành lập các nhà nước Hồi giáo ly khai ở khu vực. Cảnh sát Thailand đã thu được cuốn sách nhỏ 65 trang mà các thanh niên Hồi giáo ở miền Nam Thailand đã truyền tay nhau đọc với tư tưởng cực đoan, kích động các chiến binh tử vì đạo: “ Hãy hiến dâng thân thể của bạn cho đến giọt máu cuối cùng…máu sẽ chảy xuống từ thân thể các chiến binh và nhuộm đỏ mảnh đất này, phản chiếu ánh hào quang đỏ rực phía bên kia đường chân trời, vào lúc bình minh và lúc chạng vạng tối, phương Đông và phương Tây kêu gọi các chiến binh hãy tuyên bố cuộc thánh chiến Hồi giáo” (1).  Còn những thành viên của tổ chức Hồi giáo thì thề thốt “ Huy động mọi lực lượng  và phương tiện” để “Chiến đấu giải phóng mảnh đất Pattani thoát khỏi những kẻ thực dân Thái” (2).
        Cũng như Abu Sayyaf, GMIP không hoàn toàn từ bỏ tư tưởng Hồi giáo và những lợi ích bắt nguồn từ đó. Cuối năm 2001, GMIP rải truyền đơn ở các huyện thuộc tỉnh Yala kêu gọi thánh chiến và ủng hộ Osama Bin Ladel vì sự nghiệp ly khai.
        Diễn biến ở miền Nam Thái Lan cho thấy các phần tử ly khai ở khu vực này đang mở rộng địa bàn hoạt động từ 3 tỉnh Pattani, Narathiwat, Yala sang hai tỉnh cùng ở khu vực miền Nam là Songkhla và Satun. Cho dù Bộ Ngoại giao và chính phủ Thái Lan luôn khẳng định đây không phải là vấn đề có tính chất quốc tế mà là vấn đề nội bộ của Thái Lan, song trên thực tế, vấn đề bạo lực ở miền Nam Thái Lan đã thực sự gây lo ngại về sự bất ổn của khu vực. Từ tháng 12 năm 2001 đến nay đã có hơn 2000 người thiệt mạng do các vụ xung đột ở miền Nam Thái Lan gây ra.
        Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo ly khai ở miền Nam Thái Lan có sự móc nối, và nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm khủng bố, Hồi giáo cực đoan nước ngoài, nhất là từ Malaysia, Indonesia, Philippines thông qua các tổ chức KMM, GAM, Abu Sayyaf và Jemaah Islamiyah. Chính trùm khủng bố Hambali người Indonesia, một nhân vật từng được CIA gọi là Osama Bin Ladel của Đông Nam Á, người chỉ huy tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah đã bị bắt tại Thái Lan ngày 11 tháng 8 năm 2003.  Dư luận cho rằng hắn đang xây dựng một hệ thống mạng lưới khủng bố ở Thái Lan. Một số nhà phân tích quốc tế đã lo ngại rằng “Do là một bộ phận hợp thành xuyên quốc gia, một cuộc xung đột du kích căn bản ở địa phương có thể dễ dàng chuyển thành các hoạt động khủng bố cổ điển như đã từng xảy ra ở Mindanao” (4).   
       2. Những kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam và các nước trong khu vực qua các giải pháp Chính phủ Thái Lan:         
        Thứ nhất: Trước tình trạng  an ninh bất ổn và ngày càng trở nên khó kiểm soát, Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực đưa ra hàng loạt các giải pháp cứng rắn có, mềm dẻo có, nhằm bình ổn tình hình khu vực miền Nam. Tuy nhiên, dường như Chính phủ Thái Lan chưa tìm ra được một giải pháp triệt để, toàn diện và lâu dài có thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề.
          Để ứng phó với tình hình bất ổn ở khu vực miền Nam, Chính phủ Thái Lan đã cho thi hành chính sách “Nắm đấm sắt”“găng tay nhung”, thực thi những hành động quân sự cứng rắn, kết hợp với tăng cường viện trợ kinh tế- xã hội, Chính phủ Thái Lan tăng ngân sách cải thiện việc làm, giáo dục và chất lượng cuộc sống. Nhiều tỉ bạt đã được đổ vào miền Nam Thái Lan dưới những hình thức và dự án, tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương. Các chuyên gia dân sự, quân sự đến từng thôn bản mở các lớp khuyến nông, đào tạo nghề, hệ thống y tế được cải thiện, nhiều người dân (nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn) được khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí.  Nhà nước tài trợ cho các đoàn đại diện tôn giáo, phụ nữ, thanh niên các tỉnh miền Nam về thủ đô thăm quan, tiếp kiến những vị lãnh đạo cấp cao đất nước, dự các buổi nói chuyện về chính sách hoà giải dân tộc. Năm 2005, chính Phủ đã lập một quỹ trị giá 1,8 tỉ bạt (tương đương 45 triệu USD) trợ giúp gia đình các nạn nhân bị giết hại và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bạo loạn ở miền Nam Thái Lan (5).
          Đầu năm 2005, chính phủ Thái Lan cho thành lập uỷ ban hoà giải quốc gia (NRC) với thành phần đông đảo các chính khách, học giả, nhà sư, lãnh tụ tôn giáo… nhằm tư vấn giúp Chính phủ giải quyết tình hình bạo loạn, bất ổn ở khu vực miền Nam bằng biện pháp chính trị, đối thoại hoà bình. Uỷ ban hoà giải quốc gia đã tiến hành đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân Hồi giáo miền Nam, trên cơ sở đó kiến nghị với Chính phủ nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cho khu vực này. NRC còn chỉ ra những bất cập trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, qua đó Chính phủ đã lắng nghe ý kiến từ cộng đồng người Hồi giáo và cam kết theo đuổi giải pháp hoà bình, thực hiện chiến dịch tuyên truyền giành lại tình cảm của dân chúng Hồi giáo khu vực Miền Nam. Hy vọng kiến tạo sự đồng thuận trong việc giải quyết tình hình tại khu vực miền Nam. Dù vậy, hố ngăn cách giữa Băng Cốc và cộng đồng Hồi giáo miền Nam Thái Lan vẫn còn rất rộng. Những thanh niên miền Nam nghèo túng, thất học, không có việc làm, nói được tiếng Thái rất ít luôn dễ bị kích động và có cảm tình với phong trào bạo động ở miền Nam.
      Song song với giải pháp mềm dẻo là những chính sách cứng rắn của Chính phủ: quân đội và cảnh sát khu vực miền Nam luôn ở trong trạng thái sắn sàng chiến đấu cao, thiết quân lệnh được thực thi, tình trạng khẩn cấp được ban bố, các trạm kiểm soát dựng lên ngày càng nhiều, hệ thống Camera giám sát được tăng cường. Sư đoàn bộ binh số 15 và sư đoàn “Phát triển” với quân số gần 20.000 người được triển khai lâu dài ở khu vực miền Nam sẵn sàng trấn áp các phần tử bạo loạn, tổ chức tuần tra, bảo vệ các tuyến đường, những cơ sở, công trình hạ tầng quan trọng.
       Với chính sách “Nắm đấm sắt”, hàng loạt các vụ càn quét, vây ráp, bắt giữ của quân đội và cảnh sát ở khu vực miền Nam Thái Lan đã diễn ra, nhiều thủ lĩnh cũng như tín đồ Hồi giáo bị bắt, bị truy sát…hành động này đi ngược với những cam kết của Chính phủ giải quyết tình hình miền Nam Thái Lan bằng con đường hoà bình thương lượng, dẫn tới những nghi ngờ trong dân chúng và nguy cơ thu hẹp những thành quả dân chủ hiện nay ở miền Nam Thái Lan. Chính sách “Nắm đấm sắt” sẽ rất có thể lại thổi bùng lên ngọn lửa hận thù mới của cộng đồng Hồi giáo nơi đây.
        Thứ hai: Thái Lan chưa tìm được sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ In đô nê xi a, Ma lai xi a, Oxtrâylia, Hoa Kỳ và cộng đồng Hồi giáo thế giới thông qua Tổ chức Hội nghị các nước Hồi giáo I.O.C.
        Trong những chương trình nghị sự gần đây giữa Chính phủ  Thái Lan và Ma lai xi a, hai bên đã chia xẻ mối quan tâm những vấn đề của cộng đồng Hồi giáo gây tổn hại lợi ích của cả hai nước và thảo luận những biện pháp giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại. Chính phủ hai nước nhất trí tăng cường trao đổi thông tin tình báo, chống buôn lậu vũ khí, vấn đề thâm nhập bất hợp pháp qua đường biên giới…Thái Lan đề nghị Ma lai xi a giám sát chặt chẽ công dân mang hai quốc tịch, xiết chặt kiểm soát những điểm xuất nhập cảnh giữa hai nước. Phía Ma lai xi a tuyên bố tiếp tục hợp tác với Thái Lan đảm bảo không ủng hộ các phong trào Hồi giáo ly khai, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan, không cho phép sử dụng lãnh thổ của Ma lai xi a làm căn cứ huấn luyện, đào tạo của các nhóm ly khai. Tuy nhiên, cho đến nay phía Ma lai xi a vẫn chưa phát hiện được chỗ ẩn náu và bắt giữ bất kỳ một nhân vật nào trong bản danh sách mà Thái Lan đang cần bắt giữ nhất.
       Thái Lan cũng đã chấp thuận phái đoàn Tổ chức Hội nghị Hồi giáo thế giới I.O.C vào thị sát tình hình miền Nam. I.O.C đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Thái Lan trong việc giải quyết tình hình khu vực miền Nam, I.O.C khẳng định phản đối các hoạt động bạo lực ở  nơi đây. Với Ốtxtrâylia và Hoa Kỳ, Thái Lan tăng cường hợp tác trao đổi thông tin tình báo, đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố. Ốtxtrâylia đã giúp Thái Lan huấn luyện lực lượng chống khủng bố, cấp học bổng cho sinh viên miền Nam Thái Lan sang  Ốtxtrâylia du học…
        Có thể nói trước những diễn biến phức tạp của tình hình miền Nam Thái Lan thời gian gần đây, Chính phủ Thái Lan mặc dù đã rất nỗ lực đưa ra hàng loạt các giải pháp để giải quyết nhưng dường như kết quả lại hết sức hạn chế. Nhà chức trách Thái Lan rất cần có những điều chỉnh mới, tích cực và đồng bộ: đầu tư cơ sở hạ tầng phải đi đôi với chống tham nhũng, lãng phí. Phát triển kinh tế – xã hội phải đi đôi với bảo đảm quyền dân chủ, công bằng. Tôn trọng, bảo vệ và khích lệ truyền thống văn hoá cư dân địa phương, đối xử bình đẳng giữa tín đồ Phật giáo và Hồi giáo, tạo điều kiện cho trí thức Hồi giáo tham gia bộ máy công quyền từ trung ương tới địa phương với một tỉ lệ hợp lý. Sự có mặt của lực lượng quân đội và cảnh sát là cần thiết nhưng vấn đề miền Nam Thái Lan chỉ có thể giải quyết tận gốc rễ thông qua hoà bình thương lượng. Con đường đi tới bình yên cho mảnh đất miền Nam Thái Lan vẫn đầy chông gai, thử thách phía trước, một bài toán không dễ giải cho Chính phủ đương nhiệm của Thái Lan. Trước tình trạng bạo loạn, ly khai và khủng bố gia tăng liên tục và ngày càng nghiêm trọng từ năm 2001 đến nay ở miền Nam Thailand, khu vực có đa số người Hồi giáo sinh sống, chính phủ Thailand đã áp dụng hàng loạt các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, những biện pháp đó thiên về đàn áp bằng lực lượng quân đội và cảnh sát, điều đó đã dẫn tới những hệ quả xấu, làm cho tình hình bạo động ở tình hình miền Nam Thailand không lắng dịu đi mà còn bùng phát dữ dội hơn.
        Thứ ba: Vấn đề chống khủng bố      
          Thực ra Thailand đã có ý thức chống khủng bố khá sớm do lo ngại sự thâm nhập và hoạt động của các tổ chức khủng bố trong khu vực vào miền Nam Thailand như Jemaah Islamiyah, Abu Sayyaf, KMM, Al Qaeda. Đầu năm 2001, trung tâm chống khủng bố Thailand (TIC) được thành lập và nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía Mỹ. Những thông tin trung tâm cung cấp đã giúp lực lượng an ninh Thailand bắt giữ nhiều thành viên khủng bố từ nước ngoài xâm nhập. Ngày 10 tháng 6 năm 2003, ba thành viên Jemaah Islamiyah đã bị bắt với tội danh âm mưu đánh bom các Đại sứ quán Mỹ, Australia, Anh, Ixaraen và Singapore ở Băng Cốc, những phần tử này còn có kế hoạch tấn công các mục tiêu nằm trong khu vực khách du lịch nước ngoài hay lui tới ở Băng Cốc, Pattaya và Phuket. Ngày 11 tháng 8 năm 2003, cảnh sát Thailand phối hợp với tình báo Mỹ đã bắt giữ Hambali, thủ lĩnh tổ chức Jemaah Islamiyah có quan hệ chặt chẽ với Al Qaeda. Hambali có thời gian dài hoạt động tại Băng Cốc, tiến hành tổ chức, phối hợp và tài trợ cho các cuộc tiến công khủng bố trên toàn khu vực.
         Thứ tư: Cải thiện hạ tầng cơ sở, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, cải thiện đời sống người dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo là gốc rế giải quyết mọi xung đột, bất ổn
         Những vụ bạo động khốc liệt diễn ra thường xuyên gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chính phủ, đưa miền Nam Thailan trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Giờ đây, chính phủ đã thừa nhận rộng rãi về nhu cầu phải chú ý đến tình trạng bất mãn của người Hồi giáo miền Nam mà từ đây cả những khuynh hướng Hồi giáo cấp tiến lẫn chủ nghĩa ly khai đều đang thu hút sức mạnh. Tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, lạm dụng ma tuý, tội phạm và tham nhũng của quan chức địa phương cao hơn các vùng khác trên đất nước. Cộng đồng thiểu số Hồi giáo lo lắng về sự xói mòn các giá trị văn hoá và tôn giáo, suy sụp lòng tin với chính quyền…mà những chính sách của chính quyền trung ương cần phải có rất nhiền thời gian mới phát huy hiệu quả, lòng tự trọng của người Hồi giáo bị tổn thương và họ sẽ lại bắt đầu “một cơn giận dữ mới”. Một nhà phân tích nước ngoài đã nhận xét rất đúng “người ta không thể lấp đầy 20 năm trong vài tháng”.
         Tình hình phức tạp, bất ổn ở miền Nam Thái Lan cũng như các giải pháp mà Chính phủ Thái lan đã thực hiện là những bài học hết sức thiết thực cho Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á, bởi lịch sử cũng như hiện tại của khu vực này mang đặc điểm đa dân tộc, đa văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng. Những thế kỷ bị chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược, đô hộ chúng đã lợi dụng, khoét sâu gây mâu thuẫn, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, sắc tộc để lại hậu quả nặng nề không dễ khắc phục một sớm một chiều. Từ bài học của Thái Lan cho thấy các quốc gia khi đối mặt với vấn đề tương tự cần có một giải pháp toàn diện, thiết thực và bền vững thông qua các chính sách kinh tế, văn hóa, tôn giáo…đảm bảo lợi ích chính đáng và bình đẳng giữa các khu vực, các dân tộc trong một quốc gia – khi đó, mọi vấn đề bất ổn sẽ tự được giải quyết.
          * Chú thích:
         (1), (2). TTXVN, “Tình hình miền Nam tiếp tục căng thẳng”, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 17/11/2004, trang10 - 13. 
        (3).Báo Nhân dân ngày 6/6/2007, trang 4.
        (4). Anthony Davis: “Thái Lan đối mặt với cuộc bạo động của phe ly khai tại khu vực đạo Hồi miền Nam” (Nguyễn Quang Trung Dịch), Bộ Quốc Phòng – Trung tâm thông tin khoa học môi trường, Hà Nội, 2004, trang12.
        (5) Hà Thanh Cung- Vũ Như Hùng, “Thách thức đối với chính Phủ Thái lan”, Báo Nhân Dân, ngày 12/7/2005.