Tác giả: Nguyễn Hữu Nghị
Vấn đề bất ổn vở miền Nam Thái Lan đã
tồn tại nhiều năm trong lịch sử, tuy nhiên từ năm 2001 đến nay, nó bùng phát
mạnh mẽ và trở thành điểm nóng xung đột sắc tộc, tôn giáo gây mất an ninh
nghiêm trọng ở miền Nam Thái Lan. Hàng ngàn người dân vô tội đã bỏ mạng, hạ
tầng cơ sở bị tàn phá, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng…Những gì đã và đang diễn
ra ở miền Nam Thái Lan có thể là bài học bổ ích cho Việt Nam cũng như nhiều
quốc gia ở khu vực và trên thế giới trong việc giải quyết những bất đồng về dân
tộc, tôn giáo, văn hóa...
1.
Tình trạng bất ổn ở miền Nam Thái Lan
Cuộc khủng hoảng ở miền Nam Thái Lan
diễn ra suốt từ năm 2001 đến nay bởi những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và những
vấn đề do lịch sử để lại. Đây là vùng đất gồm các tỉnh Pattani, Yala,
Narathiwat, Satun và một phần tỉnh Songkhla với dân cư tuyệt đại đa số là người
Hồi giáo (khoảng 6 triệu người). Mảnh đất này vốn là địa hạt của bang Pattani,
một trong những tiểu vương quốc Mã Lai cũ được sáp nhập vào Thái Lan năm 1902
sau những cuộc chiến tranh kéo dài giữa người Thái Lan và người Ma lai xi a.
Cũng vì vậy, vùng đất này luôn tồn tại mâu thuẫn, xung đột giữa người Thái và
người gốc Mã lai bởi những khác biệt lớn
về ngôn ngữ, tôn giáo và văn hoá. Đây là vấn đề không dễ giải quyết bởi
dưới góc độ chính trị và kinh tế, cộng đồng người Hồi giáo miền Nam hướng về
Băng Cốc nhưng về văn hoá, họ vẫn là một phần của thế giới Hồi giáo. Vùng đất
này lại là vùng đất nghèo nàn và chậm phát triển nhất của Thái Lan. Cộng đồng
người Hồi giáo gốc Mã lai ở khu vực này lại sống dưới một chính quyền của thiểu
số người Thái theo Phật giáo (những người Hồi giáo gốc Mã lai ở miền Nam Thái
Lan được tham gia chính quyền nhưng rất hạn chế). Miền Nam Thái Lan cũng là khu vực có tỉ lệ
thất nghiệp, mù chữ cao, người Hồi giáo ở đây cho rằng Chính phủ đã không công
bằng với họ như đối với những người theo đạo Phật. Những điều đó đã được tích
tụ, dồn nén qua nhiều thập kỷ và bùng phát thành bạo động bởi sự kích động của
các nhóm Hồi giáo ly khai cực đoan ở
miền Nam Thái Lan những năm gần đây.
Nhận thức về sự phức tạp, nguy hiểm từ
các vụ bạo động, khủng bố ở miền Nam Thái Lan, Chính phủ Thái Lan đã nhanh
chóng đưa ra nhiều biện pháp nhằm bình ổn tình hình nơi đây. Tuy nhiên, bất
chấp những biện pháp đàn áp quyết liệt của Chính phủ, cuộc khủng hoảng ở khu
vực miền Nam Thái Lan dường như chỉ mới bắt đầu. Các nhóm Hồi giáo cực đoan ngày
càng mở rộng quy mô hoạt động và nhận được sự hậu thuẫn tích cực từ các tổ chức
Hồi giáo cực đoan trong khu vực cũng như trên thế giới. Những vụ tấn công của
lực lượng ly khai Hồi giáo có mục tiêu rất đa dạng: các đơn vị quân đội, cảnh
sát, nhân viên an ninh, dân thường, nhà sư, giáo viên…Ban đầu, vì sợ ảnh hưởng
đến sự phát triển của ngành du lịch (nguồn thu tài chính lớn của Thái Lan),
trong suốt những năm 2002, 2003, chính phủ Thái Lan đã bưng bít thông tin về
cuộc khủng hoảng và cho rằng đó chỉ là cuộc chiến của những băng đảng tội phạm
tranh giành lãnh địa được sự tiếp tay của các quan chức tham nhũng.
Nhiều nhóm ly khai hoạt động ở khu vực
miền Nam Thái Lan đặc biệt là các tỉnh Pattani, Yala và Narathiwat đều có xu
hướng phát triển thành các tổ chức tội phạm. Hiện có hai nhóm hoạt động vũ
trang mạnh nhất là tổ chức PULO mới, được thành lập năm 1995 tách ra từ tổ chức
PULO cũ được thành lập từ năm 1968 (PULO: Tổ chức giải phóng thống nhất
Pattani) và phong trào Mujahideen Hồi giáo Pattani: (GMIP - Gerakan Mujahideen
Islam Pattani), tổ chức này cũng được thành lập năm 1995 và có ít nhất 30 tay
súng nòng cốt. lực lượng an ninh Thái Lan coi nhóm này chỉ là một băng cướp
chuyên bắt cóc, tống tiền và sẵn sàng làm việc cho ai trả tiền cao hơn, phủ
nhận khía cạnh chính trị của tổ chức này. Trên thực tế, GMIP không chỉ là một
băng cướp đơn thuần, các thủ lĩnh của nó chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh
Afghanistan. GMIP có móc nối và hợp tác hoạt động với KMM của Malaysia và Abu
Sayyaf của Phi Lip Pin. Cuối những năm 90 của thế kỷ XX, GMIP ngày càng dính
líu nhiều vào các hoạt động tội phạm như bắt cóc, tống tiền, khó còn có thể gọi
là lực lượng thánh chiến Jihad, nó có nhiều điểm tương đồng với nhóm khủng bố
Abu Sayyaf ở Philippines. Cả GMIP và Abu Sayyaf đều là những tổ chức mới xuất
hiện sau chiến tranh lạnh, các thủ lĩnh đều còn rất trẻ và đã từng chiến đấu ở
Afghanistan, cùng tiêm nhiễm đầu óc cực đoan hung hăng qua những trường Hồi
giáo, tư tưởng thành lập các nhà nước Hồi giáo ly khai ở khu vực. Cảnh sát Thailand
đã thu được cuốn sách nhỏ 65 trang mà các thanh niên Hồi giáo ở miền Nam
Thailand đã truyền tay nhau đọc với tư tưởng cực đoan, kích động các chiến binh
tử vì đạo: “ Hãy hiến dâng thân thể của bạn cho đến giọt máu cuối cùng…máu
sẽ chảy xuống từ thân thể các chiến binh và nhuộm đỏ mảnh đất này, phản chiếu
ánh hào quang đỏ rực phía bên kia đường chân trời, vào lúc bình minh và lúc
chạng vạng tối, phương Đông và phương Tây kêu gọi các chiến binh hãy tuyên bố
cuộc thánh chiến Hồi giáo” (1). Còn
những thành viên của tổ chức Hồi giáo thì thề thốt “ Huy động mọi lực
lượng và phương tiện” để “Chiến
đấu giải phóng mảnh đất Pattani thoát khỏi những kẻ thực dân Thái” (2).
Cũng như
Abu Sayyaf, GMIP không hoàn toàn từ bỏ tư tưởng Hồi giáo và những lợi ích bắt
nguồn từ đó. Cuối năm 2001, GMIP rải truyền đơn ở các huyện thuộc tỉnh Yala kêu
gọi thánh chiến và ủng hộ Osama Bin Ladel vì sự nghiệp ly khai.
Diễn biến ở miền Nam Thái Lan cho thấy
các phần tử ly khai ở khu vực này đang mở rộng địa bàn hoạt động từ 3 tỉnh
Pattani, Narathiwat, Yala sang hai tỉnh cùng ở khu vực miền Nam là Songkhla và
Satun. Cho dù Bộ Ngoại giao và chính phủ Thái Lan luôn khẳng định đây không
phải là vấn đề có tính chất quốc tế mà là vấn đề nội bộ của Thái Lan, song trên
thực tế, vấn đề bạo lực ở miền Nam Thái Lan đã thực sự gây lo ngại về sự bất ổn
của khu vực. Từ tháng 12 năm 2001 đến nay đã có hơn 2000 người thiệt mạng do
các vụ xung đột ở miền Nam Thái Lan gây ra.
Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy
cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo ly khai ở miền Nam Thái Lan có sự móc nối,
và nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm khủng bố, Hồi giáo cực đoan nước ngoài, nhất
là từ Malaysia, Indonesia, Philippines thông qua các tổ chức KMM, GAM, Abu
Sayyaf và Jemaah Islamiyah. Chính trùm khủng bố Hambali người Indonesia, một
nhân vật từng được CIA gọi là Osama Bin Ladel của Đông Nam Á, người chỉ huy tổ
chức khủng bố Jemaah Islamiyah đã bị bắt tại Thái Lan ngày 11 tháng 8 năm
2003. Dư
luận cho rằng hắn đang xây dựng một hệ thống mạng lưới khủng bố ở Thái Lan. Một
số nhà phân tích quốc tế đã lo ngại rằng “Do là một bộ phận hợp thành xuyên
quốc gia, một cuộc xung đột du kích căn bản ở địa phương có thể dễ dàng chuyển
thành các hoạt động khủng bố cổ điển như đã từng xảy ra ở Mindanao” (4).
2.
Những kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam và các nước trong khu vực qua các giải
pháp Chính phủ Thái Lan:
Thứ
nhất: Trước tình trạng an ninh bất
ổn và ngày càng trở nên khó kiểm soát, Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực đưa ra hàng
loạt các giải pháp cứng rắn có, mềm dẻo có, nhằm bình ổn tình hình khu vực miền
Nam. Tuy nhiên, dường như Chính phủ Thái Lan chưa tìm ra được một giải pháp
triệt để, toàn diện và lâu dài có thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề.
Để ứng phó với tình hình bất ổn ở khu
vực miền Nam, Chính phủ Thái Lan đã cho thi hành chính sách “Nắm đấm sắt”
và “găng tay nhung”, thực thi những hành động quân sự cứng rắn,
kết hợp với tăng cường viện trợ kinh tế- xã hội, Chính phủ Thái Lan tăng ngân
sách cải thiện việc làm, giáo dục và chất lượng cuộc sống. Nhiều tỉ bạt đã được
đổ vào miền Nam Thái Lan dưới những hình thức và dự án, tạo ra hàng ngàn việc
làm cho lao động địa phương. Các chuyên gia dân sự, quân sự đến từng thôn bản
mở các lớp khuyến nông, đào tạo nghề, hệ thống y tế được cải thiện, nhiều người
dân (nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn) được khám chữa bệnh, cấp thuốc
miễn phí. Nhà nước tài trợ cho các đoàn
đại diện tôn giáo, phụ nữ, thanh niên các tỉnh miền Nam về thủ đô thăm quan,
tiếp kiến những vị lãnh đạo cấp cao đất nước, dự các buổi nói chuyện về chính
sách hoà giải dân tộc. Năm 2005, chính Phủ đã lập một quỹ trị giá 1,8 tỉ bạt
(tương đương 45 triệu USD) trợ giúp gia đình các nạn nhân bị giết hại và doanh
nghiệp bị ảnh hưởng bởi bạo loạn ở miền Nam Thái Lan (5).
Đầu năm 2005, chính phủ Thái Lan cho
thành lập uỷ ban hoà giải quốc gia (NRC) với thành phần đông đảo các chính
khách, học giả, nhà sư, lãnh tụ tôn giáo… nhằm tư vấn giúp Chính phủ giải quyết
tình hình bạo loạn, bất ổn ở khu vực miền Nam bằng biện pháp chính trị, đối
thoại hoà bình. Uỷ ban hoà giải quốc gia đã tiến hành đi sâu tìm hiểu tâm tư,
nguyện vọng của người dân Hồi giáo miền Nam, trên cơ sở đó kiến nghị với Chính
phủ nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cho khu vực này. NRC còn chỉ ra
những bất cập trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, qua đó Chính phủ đã lắng
nghe ý kiến từ cộng đồng người Hồi giáo và cam kết theo đuổi giải pháp hoà
bình, thực hiện chiến dịch tuyên truyền giành lại tình cảm của dân chúng Hồi
giáo khu vực Miền Nam. Hy vọng kiến tạo sự đồng thuận trong việc giải quyết
tình hình tại khu vực miền Nam. Dù vậy, hố ngăn cách giữa Băng Cốc và cộng đồng
Hồi giáo miền Nam Thái Lan vẫn còn rất rộng. Những thanh niên miền Nam nghèo
túng, thất học, không có việc làm, nói được tiếng Thái rất ít luôn dễ bị kích
động và có cảm tình với phong trào bạo động ở miền Nam.
Song song với giải pháp mềm dẻo là những
chính sách cứng rắn của Chính phủ: quân đội và cảnh sát khu vực miền Nam luôn ở
trong trạng thái sắn sàng chiến đấu cao, thiết quân lệnh được thực thi, tình
trạng khẩn cấp được ban bố, các trạm kiểm soát dựng lên ngày càng nhiều, hệ
thống Camera giám sát được tăng cường. Sư đoàn bộ binh số 15 và sư đoàn “Phát
triển” với quân số gần 20.000 người được triển khai lâu dài ở khu vực
miền Nam sẵn sàng trấn áp các phần tử bạo loạn, tổ chức tuần tra, bảo vệ các
tuyến đường, những cơ sở, công trình hạ tầng quan trọng.
Với chính sách “Nắm đấm sắt”,
hàng loạt các vụ càn quét, vây ráp, bắt giữ của quân đội và cảnh sát ở khu vực
miền Nam Thái Lan đã diễn ra, nhiều thủ lĩnh cũng như tín đồ Hồi giáo bị bắt,
bị truy sát…hành động này đi ngược với những cam kết của Chính phủ giải quyết
tình hình miền Nam Thái Lan bằng con đường hoà bình thương lượng, dẫn tới những
nghi ngờ trong dân chúng và nguy cơ thu hẹp những thành quả dân chủ hiện nay ở
miền Nam Thái Lan. Chính sách “Nắm đấm sắt” sẽ rất có thể lại
thổi bùng lên ngọn lửa hận thù mới của cộng đồng Hồi giáo nơi đây.
Thứ hai: Thái Lan chưa tìm được sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế, đặc
biệt là từ In đô nê xi a, Ma lai xi a, Oxtrâylia, Hoa Kỳ và cộng đồng Hồi giáo
thế giới thông qua Tổ chức Hội nghị các nước Hồi giáo I.O.C.
Trong những chương trình nghị sự gần
đây giữa Chính phủ Thái Lan và Ma lai xi
a, hai bên đã chia xẻ mối quan tâm những vấn đề của cộng đồng Hồi giáo gây tổn
hại lợi ích của cả hai nước và thảo luận những biện pháp giải quyết các vấn đề
do lịch sử để lại. Chính phủ hai nước nhất trí tăng cường trao đổi thông tin
tình báo, chống buôn lậu vũ khí, vấn đề thâm nhập bất hợp pháp qua đường biên
giới…Thái Lan đề nghị Ma lai xi a giám sát chặt chẽ công dân mang hai quốc
tịch, xiết chặt kiểm soát những điểm xuất nhập cảnh giữa hai nước. Phía Ma lai
xi a tuyên bố tiếp tục hợp tác với Thái Lan đảm bảo không ủng hộ các phong trào
Hồi giáo ly khai, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan, không cho phép sử
dụng lãnh thổ của Ma lai xi a làm căn cứ huấn luyện, đào tạo của các nhóm ly
khai. Tuy nhiên, cho đến nay phía Ma lai xi a vẫn chưa phát hiện được chỗ ẩn
náu và bắt giữ bất kỳ một nhân vật nào trong bản danh sách mà Thái Lan đang cần
bắt giữ nhất.
Thái Lan cũng đã chấp thuận phái đoàn Tổ
chức Hội nghị Hồi giáo thế giới I.O.C vào thị sát tình hình miền Nam. I.O.C
đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Thái Lan trong việc giải quyết tình
hình khu vực miền Nam, I.O.C khẳng định phản đối các hoạt động bạo lực ở nơi đây. Với Ốtxtrâylia và Hoa Kỳ, Thái Lan
tăng cường hợp tác trao đổi thông tin tình báo, đẩy mạnh hợp tác chống khủng
bố. Ốtxtrâylia đã giúp Thái Lan huấn luyện lực lượng chống khủng bố, cấp học
bổng cho sinh viên miền Nam Thái Lan sang
Ốtxtrâylia du học…
Có thể nói trước những diễn biến phức
tạp của tình hình miền Nam Thái Lan thời gian gần đây, Chính phủ Thái Lan mặc
dù đã rất nỗ lực đưa ra hàng loạt các giải pháp để giải quyết nhưng dường như
kết quả lại hết sức hạn chế. Nhà chức trách Thái Lan rất cần có những điều
chỉnh mới, tích cực và đồng bộ: đầu tư cơ sở hạ tầng phải đi đôi với chống tham
nhũng, lãng phí. Phát triển kinh tế – xã hội phải đi đôi với bảo đảm quyền dân
chủ, công bằng. Tôn trọng, bảo vệ và khích lệ truyền thống văn hoá cư dân địa
phương, đối xử bình đẳng giữa tín đồ Phật giáo và Hồi giáo, tạo điều kiện cho
trí thức Hồi giáo tham gia bộ máy công quyền từ trung ương tới địa phương với
một tỉ lệ hợp lý. Sự có mặt của lực lượng quân đội và cảnh sát là cần thiết
nhưng vấn đề miền Nam Thái Lan chỉ có thể giải quyết tận gốc rễ thông qua hoà
bình thương lượng. Con đường đi tới bình yên cho mảnh đất miền Nam Thái Lan vẫn
đầy chông gai, thử thách phía trước, một bài toán không dễ giải cho Chính phủ
đương nhiệm của Thái Lan. Trước
tình trạng bạo loạn, ly khai và khủng bố gia tăng liên tục và ngày càng nghiêm
trọng từ năm 2001 đến nay ở miền Nam Thailand, khu vực có đa số người Hồi giáo
sinh sống, chính phủ Thailand đã áp dụng hàng loạt các biện pháp để ngăn chặn,
kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, những biện pháp đó thiên về đàn áp bằng lực
lượng quân đội và cảnh sát, điều đó đã dẫn tới những hệ quả xấu, làm cho tình
hình bạo động ở tình hình miền Nam Thailand không lắng dịu đi mà còn bùng phát
dữ dội hơn.
Thứ
ba: Vấn đề chống khủng bố
Thực ra Thailand đã có ý thức
chống khủng bố khá sớm do lo ngại sự thâm nhập và hoạt động của các tổ chức
khủng bố trong khu vực vào miền Nam Thailand như Jemaah Islamiyah, Abu Sayyaf,
KMM, Al Qaeda. Đầu năm 2001, trung tâm chống khủng bố Thailand (TIC) được thành
lập và nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ phía Mỹ. Những thông tin trung tâm cung
cấp đã giúp lực lượng an ninh Thailand bắt giữ nhiều thành viên khủng bố từ
nước ngoài xâm nhập. Ngày 10 tháng 6 năm 2003, ba thành viên Jemaah Islamiyah
đã bị bắt với tội danh âm mưu đánh bom các Đại sứ quán Mỹ, Australia, Anh,
Ixaraen và Singapore ở Băng Cốc, những phần tử này còn có kế hoạch tấn công các
mục tiêu nằm trong khu vực khách du lịch nước ngoài hay lui tới ở Băng Cốc,
Pattaya và Phuket. Ngày 11 tháng 8 năm 2003, cảnh sát Thailand phối hợp với
tình báo Mỹ đã bắt giữ Hambali, thủ lĩnh tổ chức Jemaah Islamiyah có quan hệ
chặt chẽ với Al Qaeda. Hambali có thời gian dài hoạt động tại Băng Cốc, tiến
hành tổ chức, phối hợp và tài trợ cho các cuộc tiến công khủng bố trên toàn khu
vực.
Thứ
tư: Cải thiện hạ tầng cơ sở, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục,
cải thiện đời sống người dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo
là gốc rế giải quyết mọi xung đột, bất ổn
Những vụ bạo động khốc liệt diễn ra thường
xuyên gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chính phủ, đưa miền Nam Thailan trở thành
vấn đề ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Giờ đây, chính phủ đã thừa nhận rộng rãi
về nhu cầu phải chú ý đến tình trạng bất mãn của người Hồi giáo miền Nam mà từ
đây cả những khuynh hướng Hồi giáo cấp tiến lẫn chủ nghĩa ly khai đều đang thu
hút sức mạnh. Tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, lạm dụng ma tuý, tội phạm và
tham nhũng của quan chức địa phương cao hơn các vùng khác trên đất nước. Cộng
đồng thiểu số Hồi giáo lo lắng về sự xói mòn các giá trị văn hoá và tôn giáo,
suy sụp lòng tin với chính quyền…mà những chính sách của chính quyền trung ương
cần phải có rất nhiền thời gian mới phát huy hiệu quả, lòng tự trọng của người
Hồi giáo bị tổn thương và họ sẽ lại bắt đầu “một cơn giận dữ mới”. Một nhà phân
tích nước ngoài đã nhận xét rất đúng “người ta không thể lấp đầy 20 năm
trong vài tháng”.
Tình hình phức tạp, bất ổn ở miền Nam
Thái Lan cũng như các giải pháp mà Chính phủ Thái lan đã thực hiện là những bài
học hết sức thiết thực cho Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á, bởi lịch
sử cũng như hiện tại của khu vực này mang đặc điểm đa dân tộc, đa văn hóa, tôn
giáo, tín ngưỡng. Những thế kỷ bị chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược, đô hộ
chúng đã lợi dụng, khoét sâu gây mâu thuẫn, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, sắc tộc
để lại hậu quả nặng nề không dễ khắc phục một sớm một chiều. Từ bài học của
Thái Lan cho thấy các quốc gia khi đối mặt với vấn đề tương tự cần có một giải pháp
toàn diện, thiết thực và bền vững thông qua các chính sách kinh tế, văn hóa,
tôn giáo…đảm bảo lợi ích chính đáng và bình đẳng giữa các khu vực, các dân tộc
trong một quốc gia – khi đó, mọi vấn đề bất ổn sẽ tự được giải quyết.
* Chú thích:
(1), (2). TTXVN, “Tình hình miền
Nam tiếp tục căng thẳng”, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 17/11/2004,
trang10 - 13.
(3).Báo Nhân dân ngày
6/6/2007, trang 4.
(4). Anthony Davis: “Thái Lan đối
mặt với cuộc bạo động của phe ly khai tại khu vực đạo Hồi miền Nam”
(Nguyễn Quang Trung Dịch), Bộ Quốc Phòng – Trung tâm thông tin khoa học môi
trường, Hà Nội, 2004, trang12.
(5) Hà Thanh Cung- Vũ Như Hùng, “Thách
thức đối với chính Phủ Thái lan”, Báo Nhân Dân, ngày 12/7/2005.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét