Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM ĐẾN ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975: MỘT DÂN TỘC, MỘT Ý CHÍ, MỘT KHÁT VỌNG

                                            2//, Th.S Nguyễn Hữu Nghị
                                          PCN Khoa VHNN

        Trên thế giới có biết bao dân tộc nhưng chắc sẽ không có nhiều dân tộc như dân tộc Việt Nam, quá trình dựng nước, mở mang bờ cõi luôn gắn liền với quá trình chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất qua mấy ngàn năm lịch sử. Đất mẹ yêu thương đã bao lần chứng kiến sự phân ly, cát cứ: hàng ngàn năm Bắc thuộc biến nước ta thành các châu, quận của đế chế phương Bắc với âm mưu đồng hóa, đến thời phong kiến Trịnh - Nguyễn phân tranh đất nước cũng chia cắt ngót 200 năm Đàng ngoài và Đàng trong vì quyền lợi của các tập đoàn phong kiến cát cứ với giới tuyến sông Gianh. Thời cận hiện đại, hết thực dân Pháp xâm lược chia cắt đất nước ta thành ba kỳ với ba chế độ chính trị khác nhau, lại đến đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược, chia cắt đất nước để cả dân tộc ta lại đứng lên tiến hành cuộc trường chinh lịch sử qua 21 năm kháng chiến.
        Nhìn lại tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta thấy một đặc điểm nổi trội: xu thế thống nhất luôn thắng thế xu hướng phân tán và ý thức nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một không bao giờ thay đổi. Vậy sức mạnh nào, ý chí nào đã đưa dân tộc Việt Nam vượt qua bao sóng gió, thác ghềnh để cùng sánh vai tiến bước cùng nhân loại? Đó là ý chí bất khuất của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, không bao giờ cam chịu làm nô nệ, là khát vọng "không có gì quý hơn độc lập, tự do" để làm nên những huyền thoại.
       Hành trình từ Cách mạng Tháng tám đến Đại thắng Mùa xuân 1975 là một trong những minh chứng sinh động nhất cho khát vọng tự do, thống nhất của dân tộc Việt Nam về chủ quyền, độc lập, tự do, là quá trình đấu tranh giành và giữ chính quyền của cách mạng Việt Nam mà Cách mạng Tháng tám đã xác lập. Lê nin, vị lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản thế giới đã từng nói "giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều". Khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng tám được một Đảng còn noi trẻ mới 15 tuổi dẫn dắt thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời - nhà nước công nông đầu tiên xuất hiện ở Đông Nam Á thì một số nhà sử học tư sản phương Tây với góc nhìn thiển cận cho rằng đó là một cuộc cách mạng ăn may, chúng ta không có sức mạnh, không dựa vào quần chúng nhân dân, rằng chúng ta giành chính quyền khi phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, thực dân Pháp chưa kịp ngóc đầu dậy, quân đồng minh chưa kịp vào, chính quyền tay sai đang hoang mang, dao động…và cứ thế Việt Minh giành lấy chính quyền. Nếu không có sức mạnh, không có ý chí, không có đoàn kết toàn dân tộc chúng ta có thể giữ được nền độc lập ấy không? Hành trình 30 năm bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng tám 1945 - 1975 với biết bao sức người, sức của, biết bao xương máu của những liệt sĩ anh hùng, những bà mẹ việt nam anh hùng thể hiện cho ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam.
        Từ mùa thu Tháng tám lịch sử, sau gần một thế kỷ chìm đắm trong nô lệ dưới ách xâm lược của thực dân Pháp, khi thời cơ cách mạng chín muồi thì quyết tâm của Đảng, của toàn thể dân tộc ta: "dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập", với quyết tâm: "chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Khát vọng tự do của cả dân tộc đã trở thành hiện thực, tuy nhiên hành trình bảo vệ thành quả độc lập, tự do ấy đã sớm phải đối mặt với những thách thức to lớn khi thực dân Pháp chưa từ bỏ dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, hòng dùng sức mạnh quân sự khuất phục dân tộc ta.
       Là dân tộc yêu chuộng hòa bình, chúng ta đã tìm mọi cơ hội để đưa đất nước thoát khỏi cảnh chiến tranh chống xâm lược, thể hiện thiện chí xây dựng nền hòa bình, quan hệ hòa hiếu với chính kẻ đã xâm lược chúng ta - thực dân Pháp. Thiện chí ấy đã bị đáp lại bằng chính sách ngoại giao pháo hạm, chủ nghĩa sen đầm quốc tế. Từ xuất phát điểm thực trạng đất nước những năm 1945, 1946 với nạn đói, nạn dốt trầm trọng, thù trong giặc ngoài, tài chính trống rỗng, chính quyền, quân đội non trẻ, chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp với niềm tin vào ý chí và sức mạnh tinh thần tuyệt đối cùng lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Nay tuy châu chấu đá voi
Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra
         Chín năm kháng chiến chống Pháp với thế trận chiến tranh nhân dân, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh, dân tộc ta đi từ chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947 đến chiến thắng Biên giới 1950 và đặc biệt là chiến thắng Điện Phủ chấn động năm châu, rung động địa cầu đã chứng minh cho khát vọng tự do, sức mạnh đoàn kết và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam dù chúng ta phải đổ biết bao xương máu. Thành quả của Cách mạng Tháng tám, năng lực giành và giữ chính quyền của Đảng, nhân dân ta đã từng bước được khẳng định cho dù mới giải phóng được một nửa đất nước.
       Bài học thất bại cay đắng của thực dân Pháp đã không đủ để ngăn trở tham vọng bá chủ thế giới của đế quốc Mỹ, thành quả của Cách mạng Tháng tám lại đứng trước thử thách lớn lao khi Mỹ can thiệp và nhảy vào miền Nam Việt Nam: 5 đời tổng thống Mỹ, 4 chiến lược chiến tranh, tiêu tốn 676 tỉ USD, hơn 7 triệu tấn bom đạn đã trút xuống Việt Nam (bằng 3 lần số bom đạn Mỹ dùng trong chiến tranh thế giới thứ II, 12 lần Mỹ dùng trong chiến tranh Triều Tiên) cùng hơn nửa triệu quân viễn chinh Mỹ đã trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam với những vũ khí tối tân, hiện đại nhất thế giới nhưng đế quốc Mỹ đã đánh giá sai lầm về sức mạnh, tinh thần đoàn kết và ý chí độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc ta đã phải đương đầu với một cuộc chiến tranh dài ngày nhất, ác liệt nhất, dã man nhất trong lịch sử dân tộc. Đây cũng chính là thời khắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát huy cao độ, Việt Nam là đỉnh cao đại diện cho lương tri hòa bình của cách mạng thế giới chống lại thế lực đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đó đã lay động, thức tỉnh lương tri toàn thể nhân loại tiến bộ để rồi biết bao thanh niên thế giới mang một ước mơ cháy bỏng "sau một giấc ngủ tỉnh dậy trở thành người Việt Nam", và rằng "ở Việt Nam, ra ngõ là gặp anh hùng".
       Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khát vọng độc lập, tự do là động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc cả dân tộc đứng lên chiến đấu  với ý chí sắt đá và quyết tâm không gì lay chuyển được "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do"[1]
       Cuộc trường chinh hùng tráng của dân tộc đã kết thúc ở Mùa xuân toàn thắng, lịch sử dân tộc Việt Nam 1945 - 1975 đã khẳng định hoàn toàn chúng ta đủ khả năng, đủ sức mạnh giành và giữ chính quyền. Như lời khẳng định của cố Tổng bí thư Trường Chinh: Đó là thắng lợi to lớn, toàn diện và triệt để của 30 năm chiến tranh giải phóng, một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của dân tộc ta. Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là sự kế tục và phát triển cao độ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng tám và của cuộc kháng chiến chống Pháp, là thắng lợi triệt để của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh quyết liệt để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước ta. .
       30 năm hành trình qua 2 cuộc kháng chiến và kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 chính là biểu hiện sinh động sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân từ Nam chí Bắc, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến rừng núi, bao gồm mọi giai cấp cách mạng, mọi tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng. Với sức mạnh đoàn kết ấy, dân tộc ta đã bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng tám năm 1945, dân tộc ta đã đập tan mọi lực lượng của kẻ thù, quét sạch cả bọn cướp nước và bọn bán nước, giải phóng hoàn toàn Tổ quốc thân yêu.
       30 năm đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng tám chính là sự tiếp nối chủ nghĩa yêu nước được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước oanh liệt. 40 năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân 1975, từ thành quả độc lập, tự do, non sông gấm vóc thống nhất mà biết bao xương máu cha anh đã đổ xuống, dân tộc ta bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập sâu rộng, toàn diện với khu vực và thế giới. Đặc biệt, qua 30 năm Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, bộ mặt kinh tế, xã hội đất nước thay đổi toàn diện với những thành quả to lớn. Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, niềm tin tưởng, hy vọng của nhân dân tiếp tục được củng cố, tăng cường cho dù thời gian qua các thế lực thù địch bằng thủ đoạn "diễn biến hòa bình" ra sức chống phá cách mạng nước ta cũng như hành động khiêu khích, vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ nước ta của Trung Quốc hồi tháng 5 năm 2014 khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển nước ta gây ra những thách thức về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, chủ quyền quốc gia, nhưng với truyền thống lịch sử cha ông và tinh thần của mùa Xuân đại thắng, nhân dân Việt Nam vẫn vững tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp đổi mới, với những thành tựu to lớn và vững chắc hơn. Đảng sẽ đem đến cho dân tộc những "mùa đại thắng" trong sự nghiệp xây dựng đất nước tương lai.




[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 108

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét