Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

THIÊNG LIÊNG NGÀY ĐỘC LẬP

NHN
         Cứ đến ngày Quốc khánh  2/9 của đất nước, mỗi người dân chúng ta trên khắp mọi miền tổ quốc không khỏi cảm giác bồi hồi, xúc động – một cảm giác linh thiêng khó diễn đạt bằng lời, nhiều nơi nhân dân còn gọi ngày Quốc khánh là Ngày Độc lập,
và một số dân tộc vùng cao Tây Bắc còn tổ chức ăn Tết Độc lập vào dịp này – ý nghĩa biết bao, thiêng liêng và dâng trào cảm xúc bởi đất nước Việt Nam đã phải đi qua bao cuộc can qua, đổ biết bao xương máu để đến ngày độc lập!
         Đêm trước của cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, bao nhiêu xu hướng vận động, tranh đấu cứu nước, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa nổ ra, sóng này lặn, sóng khác mọc, sóng nối sóng, người tiếp người… Những Bãi Sậy, Ba Đình, Thái Nguyên, Yên Thế… Những Yên Bái, Nghệ Tĩnh, Nam Kỳ…các thế hệ người Việt Nam vẫn kiên cường bất khuất nối tiếp nhau đứng lên làm cách mạng.
        Để có Ngày Tết Độc lập náo nức trong không khí thanh bình của ngày thu, biết bao tháng năm cả dân tộc phải chịu cảnh mưa bom bão đạn, áp bức lầm than… Ý chí không chịu làm nô lệ, không chịu mất nước thôi thúc cả dân tộc “tự mang sức ta mà giải phóng cho ta”, phá xiềng nô lệ, đánh đuổi giặc gần giặc xa, “gậy tầm vông đập tan quân bạo tàn”, vì thế Độc lập mang giá trị thiêng liêng và linh thiêng. Độc lập không chỉ là danh xưng,  Độc lập đi liền với tự do, con người ấm no hạnh phúc. Độc lập là nền để con người tự do xây nên ngôi nhà ấm no hạnh phúc, đó là Mùa xuân đầu tiên của  lịch sử dân tộc Việt Nam thời cận đại như lời bài hát đầu tiên của cố nhạc sỹ Văn Cao:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về 
Mùa bình thường mùa vui nay đã về 
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên 
……………………………………………………….
ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. 
ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. 
Từ đây người biết quê người 
Từ đây người biết thương người 
Từ đây người biết yêu người . 
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về 
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về”
       72 năm đã đi qua kể từ khoảng khắc lịch sử ấy trên quảng trường Ba Đình Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, giờ đây non sông thống nhất, đất nước hòa bình, mỗi người dân Việt Nam hãy luôn ý thức trách nhiệm với tiền nhân, với hàng ngàn, triệu người hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Lý tưởng, khát vọng về một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, con người tự do, ấm no, hạnh phúc, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” đã và đang trở thành hiện thực trên non sông, gấm vóc này – Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước - tự hào xiết bao VIỆT NAM ĐỘC LẬP!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét