NHN
Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc và tôn giáo. Mặc dù
nguồn gốc, đặc điểm và thời điểm hình thành, phát triển của mỗi tôn giáo có sự
khác nhau, nhưng nhìn chung, các tôn giáo luôn có tinh thần bao dung, đoàn kết,
gắn bó trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử
dựng nước, giữ nước, cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân
tộc, hòa chung niềm vui và nỗi đau của dân tộc trong những thời khắc lịch sử,
góp phần phát triển và làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam. Tôn trọng và phát huy
những giá trị nhân văn của tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội
thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Đây là cơ sở để các tôn giáo ở nước
ta hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Thế nhưng, trong những năm gần đây, các
thế lực phản động và thù địch đang lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá công
cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta.
Mục tiêu xuyên
suốt của các thế lực phản động và thù địch là xóa bỏ chế độ xã hội ở nước ta.
Để thực hiện mục tiêu đó, âm mưu của chúng là chia rẽ sự đoàn kết lương giáo,
chia rẽ các tôn giáo với nhau, tách các tôn giáo ra khỏi khối đại đoàn kết toàn
dân, tách các tôn giáo ra khỏi phong trào, sự nghiệp cách mạng chung của cả dân
tộc. Các thế lực thù địch đã và đang sử dụng các thủ đoạn như xuyên tạc sự thật
về tình hình tôn giáo Việt Nam, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà
Nước ta, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo. Hành động chống phá của chúng tập
trung vào một số hoạt động chủ yếu như tìm cách ủng hộ các tổ chức phản động;
dung túng, giúp đỡ lực lượng phản động trong tôn giáo người Việt lưu vong ở
nước ngoài; hỗ trợ, kích động và chỉ đạo các đối tượng cực đoan, phản động tôn
giáo ở trong nước; tài trợ về tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hoạt
động chống phá Việt Nam.
Biểu hiện cụ
thể của hoạt động này mà các đối tượng thường sử dụng là lợi dụng sinh hoạt tín
ngưỡng, tôn giáo để khống chế, kích động quần chúng, tuyên truyền chống chế độ.
Lợi dụng thần quyền và hệ thống tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức mang danh nghĩa
tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động, khống chế quần chúng, phá rối trật tự
an ninh, gây bạo loạn. Lợi dụng các cơ sở tôn giáo ở vùng dân tộc làm nơi cất
giấu vũ khí, phương tiện, nơi tụ họp, chỉ đạo hoạt động chống phá. Lôi kéo một
số chức sắc, cốt cán trong các tổ chức tôn giáo là người dân tộc thiểu số, móc
nối, cấu kết giữa những phần tử phản động trong nước với bọn phản động bên
ngoài để hoạt động phá hoại an ninh quốc gia. Lợi dụng những sơ hở thiếu sót
của chính quyền địa phương trong giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến
tín ngưỡng, tôn giáo... để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước trên
lĩnh vực dân chủ và nhân quyền.
Trong những
năm gần đây, ở những địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các
đối tượng phản động và thù địch đang ráo riết tiến hành các hoạt động tuyên
truyền, lôi kéo một số tín đồ, lập ra một số hình thức tôn giáo riêng như
"Tin lành Đề-ga", "Tin lành riêng của người Mông",
"Phật giáo riêng của người Khmer"... Ở vùng đồng bằng, sau sự cố ô
nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, nhiều người dân Nghệ An và các tỉnh
lân cận đã tham gia các cuộc biểu tình đòi Formosa và Chính phủ bồi thường
thiệt hại. Một số chức sắc tôn giáo, những kẻ tự xưng là “nhà đấu tranh dân
chủ” đã kích động giáo dân tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối, đập phá
phương tiện, cản trở hoạt động giao thông, tấn công người thi hành công vụ, gây
mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Khi lực lượng chức năng thực
thi chức trách theo quyền hạn thì chúng vu cáo “đàn áp, bắt giữ và đánh đập”
người tham gia biểu tình; phát tán những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội
như “Thư ngỏ”, “Bản lên tiếng”, “Kháng thư”... với nội dung vu cáo chính quyền
bao che cho Formosa “đàn áp” những người đi đòi quyền lợi, kêu gọi người dân
khởi kiện Formosa lên Tòa án Hình sự quốc tế...
Ngoài ra,
chúng còn phối hợp với một số tổ chức tôn giáo phản động ở nước ngoài như “Phật
giáo Việt Nam thống nhất” phát tán tài liệu trên mạng In-tơ-nét với nội dung
xuyên tạc, vu khống chính quyền Việt Nam khủng bố, đàn áp, bắt giam, ngăn cản
hoạt động tôn giáo của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Số cầm đầu tổ chức người
Thượng lưu vong ở Mỹ tổ chức biểu tình phản đối chính quyền Việt Nam vi phạm
nhân quyền đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; tiếp tục chỉ đạo một số
phần tử xấu trong nước thu thập tình hình có liên quan đến dân chủ, nhân quyền
và tìm cách lien hệ với một số tổ chức, cá nhân người nước ngoài để yêu cầu họ
giúp đỡ giải quyết vấn đề “Tin lành Đề-ga”...
Trước thực
trạng phức tạp về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua, chúng ta
cần có cách nhìn toàn diện và có giải pháp khoa học. Phải xác định kiên quyết
đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực phản động và thù
địch lợi dụng tôn giáo để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” là một nội
dung trọng tâm của công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh chính
trị và trật tự, an toàn xã hội nhằm giữ vững ổn định về chính trị, tạo điều
kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để thực hiện thắng lợi
nhiệm vụ này cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể
quần chúng, các chức sắc tôn giáo cũng như già làng, trưởng bản trong việc
tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân nêu cao cảnh giác, tăng sức đề kháng
trước mọi âm mưu mua chuộc, dụ dỗ và kích động của các thế lực phản động và thù
địch.
Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao
hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, khắc phục tình trạng yếu
kém trong buông lỏng quản lý ở một số địa phương nhất là tuyến cơ sở xã,
phường. Chú trọng công tác xây dựng lực lượng chính trị, cơ sở cốt cán trong
tôn giáo; làm tốt công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tín
đồ tôn giáo nhằm phát huy tác dụng làm “hạt nhân” trong phong trào cách mạng
của quần chúng ở địa phương. Đẩy mạnh công tác phát động phong trào quần chúng
bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện tốt chính sách đoàn kết lương - giáo; tập
trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội,
xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật
chất, tinh thần của nhân dân, làm cho cộng đồng ổn định, buôn làng phát triển,
gia đình ấm no hạnh phúc. Ngoài ra cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm
công tác tôn giáo, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo chuyên sâu ở
tỉnh, huyện, xã nhằm đáp ứng tốt yêu cầu quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn
giáo trong tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét