Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

TRUNG QUỐC CẦN TÔN TRỌNG CHỦ QUYỀN CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (ASEAN) MỘT CÁCH THỰC CHẤT!

                                                                      NHN
          Nhà giàn DK1 xác định chủ quyền Việt Nam trên bãi Tư Chính
      Những ngày qua, hoạt động của nhóm tàu Hải Dương 8 đang đe dọa hủy hoại các nỗ lực chung trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Nó cũng đi ngược các phát ngôn về việc “duy trì Biển Đông hòa bình và ổn định mà Trung Quốc luôn “quảng cáo” lâu nay.

       Phải trên cơ sở tôn trọng chủ quyền
      Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc dự kiến diễn ra ngày 31-7 tại Bangkok, Thái Lan các bên dự định xác nhận đạt được một phần kết quả trong tiến trình soạn thảo COC. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hành vi xâm phạm quyền chủ quyền Việt Nam, có khả năng hội nghị sẽ bị ảnh hưởng. Các hoạt động của Trung Quốc đang làm tổn hại tới lòng tin của ASEAN và khiến thời gian kết thúc đàm phán COC sẽ còn kéo dài.
      Về mục đích của Trung Quốc, hoạt động ở bãi Tư Chính lần này là một phần chiến lược mà Bắc Kinh đã theo đuổi nhiều năm. Đó là áp đặt chủ quyền phi pháp theo kiểu “tằm ăn dâu”. Biển Đông sẽ trở thành một một phần lãnh hải mở rộng của Trung Quốc nếu Bắc Kinh thực hiện theo cách này.
     Nếu Trung Quốc đơn phương khăng khăng đòi chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế cho mình, mối quan hệ kinh tế sâu sắc của họ với các nước láng giềng ASEAN sẽ bị tổn hại. Một khu vực láng giềng chìm trong căng thẳng sẽ không ngừng làm suy yếu tiềm năng phát triển của Trung Quốc. Tiêu tốn năng lượng vào những tranh chấp không cần thiết sẽ kìm hãm trình độ phát triển công nghệ của nước này.  Điều này là không đáng có xét về dài hạn bởi Trung Quốc sẽ khó có thể thực hiện chiến lược “Trỗi dậy hòa bình” khi mà nước này đang cố “trỗi dậy” trong sự bất bình của người khác.
     Có một số dấu hiệu cho thấy các nước trong khu vực đã hết kiên nhẫn trước sự kiêu ngạo và hung hăng của Trung Quốc. Nếu xu hướng này tiếp tục, Trung Quốc sẽ để mất Việt Nam và các nước trong khu vực với tư cách là một láng giềng thân thiện và hữu ích. Lịch sử cũng cho thấy Việt Nam sẽ đứng lên và dùng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
      Hơn nữa, Việt Nam sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 2020. Việc Trung Quốc gây mất ổn định ở Biển Đông sẽ buộc Việt Nam phải vận động để thống nhất ASEAN và đưa các vấn đề liên quan ra thảo luận trên các diễn đàn đa phương.
     Hành vi của Trung Quốc vô hình trung sẽ mở đường cho sự can thiệp mạnh mẽ của các cường quốc như Mỹ, Anh hoặc Nhật Bản và các tổ chức đa phương trong khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM+).
      Ngoài ra, việc xây dựng lòng tin giữa các nước có tranh chấp trên Biển Đông là điều rất quan trọng và xây dựng lòng tin không chỉ trong vấn đề Biển Đông mà trong nhiều vấn đề khác trong khu vực. Cách tiếp cận hai mặt hiện nay của Trung Quốc là vừa xây dựng lòng tin, vừa làm xói mòn lòng tin, trong đó một mặt tuyên bố mong muốn tạo dựng môi trường ổn định nhưng mặt khác lại tiến hành các hành động đơn phương gây mất ổn định trong khu vực.
     Trung Quốc không nên coi sự kiên nhẫn và kiềm chế của các quốc gia trong khu vực là dấu hiệu của sự yếu đuối và thỏa hiệp mà là những cử chỉ thiện chí để thúc đẩy hướng suy nghĩ mang tính xây dựng.
     Trung Quốc là một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới sẽ hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của nước này. Trung Quốc có thể đề xuất về hòa hợp kinh tế và thịnh vượng chung và điều này đã được nhiều quốc gia ủng hộ bởi họ tin vào sức bật phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng để làm được điều đó, Bắc Kinh phải từ bỏ cách tiếp cận hiện nay đối với những vấn đề như ở Biển Đông, bởi mọi sự hợp tác đều phải dựa trên trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia dân tộc.
     Về quy chế của bãi Tư Chính
     Qua chế định về vùng đặc quyền kinh tế của luật pháp quốc tế, trong đó, cơ sở pháp lý quan trọng nhất là Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên. Vùng nước xung quanh bãi Tư Chính là nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, một vành đai ngoài khơi 200 hải lý được phân định cho các quốc gia ven biển theo UNCLOS.
    Theo luật pháp quốc tế, Việt Nam được hưởng quyền duy nhất để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ vùng biển này và đáy biển nằm trong EEZ của Việt Nam. Việt Nam đã tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của mình vào ngày 12-5-1977 và cũng đã cụ thể hóa trong Luật Biển Việt Nam năm 2012. Như vậy, có thể thấy Việt Nam đã hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý để có thể xác lập quyền chủ quyền và quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế của mình.
     Soi chiếu tất cả các quy định trên của luật biển quốc tế về vùng đặc quyền kinh tế, có thể nói rằng hoạt động thăm dò địa chất của tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm gần như tất cả các điều khoản trong Công ước Luật Biển quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Hoạt động này nếu nhằm mục đích thăm dò trữ lượng dầu khí ở đáy vùng đặc quyền kinh tế, cũng là vùng thềm lục địa của Việt Nam, đã xâm phạm vào quyền chủ quyền của Việt Nam tại đây.
     Bên cạnh đó, nếu hoạt động thăm dò địa chất nhằm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học thì dù dưới mục đích hòa bình hay không, cũng đã xâm hại đến quyền tài phán của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ngoài ra, nó còn làm ảnh hưởng đến hòa bình trong khu vực biển này; ảnh hưởng đến các hoạt động khác như tự do đi lại và khai thác kinh tế của Việt Nam cùng các quốc gia khác (dưới sự cho phép của Việt Nam) tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét