Việt Nam lên án hành vi ngang ngược của Trung Quốc khi xâm phạm
chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông
Ngày 3-9-2019, tàu cần cẩu Lam Kình của
Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần mỏ Cá Voi Xanh (lô 118) cách đảo Lý Sơn
gần 50 km, cách bờ biển Quảng Nam gần 90 km. Thậm chí, theo các nguồn tin báo
chí quốc tế, Trung Quốc đã cho dàn khoan HD-982 tới Biển Đông, dường như với ý
đồ có thể tiến vào vùng biển Việt Nam bất cứ lúc nào.
Sự ngang ngược càng lên cao với việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung
Quốc Cảnh Sảng hôm 18-9 nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa,
quyền chủ quyền và tái phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần
đảo Trường Sa. Trong lần phát ngôn này, Cảnh Sảng thậm chí cho rằng Việt Nam vi
phạm các văn bản quốc tế song phương và đa phương đã ký kết với Trung Quốc.
Việt Nam đã tiếp tục có phản ứng kiên quyết và đầy thiện chí. Bộ trưởng
Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hôm 28-9 đưa vấn đề căng thẳng ở Bãi
Tư Chính ra Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA). Trong bài phát biểu dài khoảng
15 phút trước UNGA, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói: “Việt Nam đã
nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông
bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng
biển của Việt Nam đã được xác định bởi UNCLOS. Các nước liên quan nên kiềm chế,
tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng
thẳng trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật quốc
tế, bao gồm UNCLOS”
Đến ngày 3-10, trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát
ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của phía
Trung Quốc về cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc" ở khu vực này .
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng tuyên bố chủ quyền của
Việt Nam đối với khu vực Bãi Tư Chính và hoàn toàn không có tranh chấp với
chính quyền Trung Quốc tại khu vực này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc tiếp
tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, bà Lê
Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Theo cơ quan chức năng Việt Nam, nhóm tàu này tiếp tục
mở rộng tầm hoạt động trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng
quyền chủ quyền Việt Nam, được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật
Biển UNCLOS 1982”.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần qua nhiều
kênh khác nhau và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút nhóm tàu cũng như đề nghị
Bắc Kinh không được lặp lại hành vi xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của
Việt Nam.
Dư luận quốc tế cũng thể hiện sự phản đối ngày càng mạnh mẽ. Ngày 26-9,
trang web State.gov của Bộ Ngoại giao Mỹ đăng thông báo về những hoạt động của
đại diện Mỹ tại phiên họp thứ 74 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó nhấn
mạnh phản ứng của Washington với các hành động mang tính cưỡng ép áp đặt chủ
quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nội dung thông báo cho biết trong kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lần
này, Tổng thống, Ngoại trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao và các quan chức Mỹ đã gặp
gỡ các đối tác để trình bày tầm nhìn của Mỹ trong việc giải quyết các thách
thức trên toàn cầu, bao gồm cả thách thức tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình
Dương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc chống
lại các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ đã tổ
chức cuộc họp với nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Cách tiếp cận ở các cấp của Chính phủ Mỹ đối với an ninh và thịnh vượng
của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được thể hiện đầy đủ trong các
cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi để thảo luận về vai
trò quan trọng của ASEAN trong việc đảm bảo một khu vực tự do và cởi mở, tuân
thủ pháp trị và tự do hàng hải - và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Locsin để
thảo luận về liên minh Mỹ - Philippines và những diễn biến tại Biển Đông.
Tại cuộc gặp, hai bên cũng đã chia sẻ quan điểm rõ ràng về nỗ lực của
Bắc Kinh cưỡng ép các bên có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, không cho họ thực
hiện các quyền chủ quyền của mình ở vùng biển này, kể cả việc phát triển các
nguồn tài nguyên ngoài khơi.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 27-9 cũng đã công bố Sách Trắng quốc phòng
thường niên, trong đó thể hiện "quan ngại sâu sắc" về các hoạt động
đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông do Trung Quốc tiến hành. Tài liệu
trên nhận định Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng chi phí quốc phòng một cách
không minh bạch nhằm xây dựng quân đội lớn mạnh hàng đầu thế giới vào giữa thế
kỷ 21. Trung Quốc đang tích cực tăng cường sức mạnh quân sự cả về số lượng lẫn
chất lượng, trong đó tập trung tăng cường năng lực tác chiến hạt nhân, tên lửa
và tác chiến trên không, trên biển.
Việc tăng cường này sẽ dẫn tới việc nâng cao năng lực chống tiếp
cận/ngăn cản khu vực (A2/AD) và năng lực tác chiến viễn dương của quân đội
Trung Quốc. Đáng chú ý, Nhật Bản nhận định các hoạt động đơn phương thay đổi
hiện trạng trên Biển Đông do Trung Quốc tiến hành là "đáng quan ngại sâu
sắc".
Dù xem xét dưới góc độ nào của luật pháp quốc tế, Bãi Tư Chính cũng hoàn
toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, việc
nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hoạt động tại khu vực này
đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc đã vi phạm 5 nguyên tắc do chính nước này cùng các nước ASEAN
công nhận, gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không xâm phạm
lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có
lợi; chung sống hòa bình.
Là
nước lớn, Trung Quốc muốn thế giới tôn trọng mình thì trước hết Trung Quốc cũng
cần tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia dù lớn
hay nhỏ, chứ không phải thể hiện kiểu bắt nạt như những gì đang diễn ra ở Biển
Đông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét