Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Quan diểm của Việt Nam về vấn đề chống khủng bố hiện nay



                                                                          2// Th.S Nguyễn Hữu Nghị      
                                                                                CTV.P Tiểu đoàn 1
          Hoạt động khủng bố trên thế giới xuất hiện từ rất sớm, là mối đe dọa hòa bình và an ninh toàn thể nhân loại. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, xu thế hòa hoãn thay thế cho đối đầu cùng với quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ đã kéo các quốc gia, dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau trong xu thế hội nhập cùng phát triển. Tuy nhiên, cũng từ sau Chiến tranh lạnh nhân loại đã và đang phải đương đầu với sự bùng phát ngày càng gia tăng của các hoạt động khủng bố. Khủng bố và chống khủng bố trở thành vấn đề thời sự được cập nhật thường xuyên và trở thành vấn đề được đề cập đến ngày càng nhiều trong các cuộc hội thảo, các chương trình nghị sự, các diễn đàn an ninh khu vực và hợp tác quốc tế.
         Là một thành viên tích cực có uy tín và vị thế ngày càng tăng ở khu vực và trên trường quốc tế, Việt Nam đã quan tâm sâu sắc và bày tỏ thái độ, quan điểm của mình về vấn đề đấu tranh chống khủng bố. Từ nền tảng truyền thống đối ngoại hoà hiếu, tinh thần yêu chuộng hoà bình, đường lối đối ngoại nhân đạo được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kịch liệt lên án, phản đối mọi hình thức hoạt động khủng bố. Việt Nam lên án khủng bố quốc tế ủng hộ sự hợp tác giữa các quốc gia trong đó có Mỹ nhằm loại trừ khủng bố quốc tế: “Việt Nam cho rằng, chủ nghĩa khủng bố là một trong những mối đe doạ trắng trợn nhất đối với hoà bình, an ninh và ổn định trên thế giới hiện nay”[1]  . Việt Nam cam kết tích cực tham gia đóng góp sức mình vào cuộc đấu tranh với các hoạt động khủng bố. Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ của mình được cam kết trong các công ước, văn bản quốc tế mà Việt Nam ký kết trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Việt Nam đã ra nhập một số công ước quốc tế trong lĩnh vực chống khủng bố như Công ước Kyôtô 1963, Công ước Lahay 1970, Công ước Montreal 1971, Nghị định thư 1998 bổ xung công ước Montreal và đang nghiên cứu việc gia nhập một số công ước quốc tế khác về chống chủ nghĩa khủng bố.
       Đã từng phải đối mặt với những hoạt động mang tính chất khủng bố như vụ cướp máy bay năm 1979, vụ tên không tặc Lý Tống xâm phạm bầu trời Việt Nam rải truyền đơn năm 2000, các phần tử kích động gây rối ở Tây Nguyên từ ngày mùng 10 đến ngày 13 tháng 4 năm 2004…đặc biệt trong âm mưu Diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch  chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, kẻ thù cũng sử dụng hành động khủng bố hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân…Nhận thức sự nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố,  Việt Nam luôn có một thái độ rõ ràng, dứt khoát đó là phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động khủng bố, mọi hành động phá hoại trật tự an ninh quốc gia, mọi âm mưu hành động xâm phạm chủ quyền, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia dân tộc.
       Vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội luôn được Đảng và nhà nước Việt Nam quan tâm đặc biệt. Trong Văn kiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI ghi rõ: “giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác”[2] .  Bộ luật hình sự nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định rõ những hình phạt nghiêm khắc cho loại tội phạm đặc biệt, tội khủng bố:
    “Điều 84: tội khủng bố.
   1. Người nào nhằm khủng bố chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
   2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ người khác thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
   3. Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
   4. khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho hoạt động quốc tế của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo điều này”[3].
        Trong điều 3 Luật chống khủng bố của nước CHXHCNVN ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2013 khẳng định:
        1. Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:
a) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;
b) Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
c) Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;
d) Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
đ) Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
e) Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
       Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam công khai bày tỏ quan điểm rõ ràng của mình đối với các hoạt động khủng bố. tích cực, chủ động tham gia bàn thảo về cách thức, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các lực lượng khủng bố, hợp tác đa phương chống khủng bố. Ngày 18/9/2002, tại khoá họp lần thứ 37 Đại hội đồng LHQ, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã bày tỏ quan điểm, thái độ của Việt Nam về vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ “…chúng ta lên án chủ nghĩa khủng bố chống lại dân thường dưới mọi hình thức và sẽ hành động theo đúng Hiến chương LHQ vì đó là cách để cuộc chiến chống khủng bố có thể duy trì được lâu dài…”[4] .
        Việt Nam không tán thành các hoạt động khủng bố đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. Song cũng cần phải nhìn nhận vấn đề trên cơ sở khách quan và chủ quan dẫn đến hậu quả của nó. Chủ nghĩa khủng bố và khủng bố quốc tế đều có liên quan đến thực trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong quan hệ quốc tế. Những lợi ích và bất lợi do toàn cầu hoá tạo ra không được chia xẻ một cách công bằng giữa các quốc gia, nhất là các nước phía Bắc phát triển với các nước chậm phát triển ở phía Nam. Sự phát triển không đồng đều về kinh tế, xã hội dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng, gây ra những phản ứng tiêu cực trong một bộ phận xã hội. Họ cảm thấy bị bế tắc trong việc tìm ra giải pháp tháo gỡ, cho nên đã tìm đến những biện pháp cực đoan, thái quá về chính trị…đấu tranh, loại trừ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Việt Nam cho rằng cần phải có sự hợp tác trên cơ sở bình đẳng, chú trọng phát triển kinh tế. Muốn chống khủng bố hiệu quả thì phải phát triển cân đối, phải đảm bảo sự bình đẳng trong hưởng thụ những thành tựu chung của văn minh nhân loại ở cả quy mô khu vực và thế giới. Cộng đồng thế giới nói chung, trước hết là các nước công nghiệp phát triển, cần phải giúp đỡ các nước nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo đói, bệnh tật và chậm phát triển. Ở đâu công bằng xã hội được thực thi kém nhất, thì ở nơi đó khủng bố xảy ra dữ dội nhất. Khủng bố là tín hiệu phản hồi của một thực trạng tồi tệ do các chính sách xã hội sai lầm cùng các quan hệ quốc tế bất bình đẳng tạo ra.
         Để đấu tranh có hiệu quả với hoạt động khủng bố, cần phải giải quyết ổn thoả, toàn diện về các vấn đề kinh tế – xã hội, dân tộc, tôn giáo, pháp luật. Các chính phủ cần tập chung sức để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thực hiện công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội.
        Việt Nam cũng khẳng định quan điểm phản đối việc lợi dụng vấn đề chống khủng bố để can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia. Đấu tranh chống khủng bố phải được tiến hành phù hợp với Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền quốc gia cũng như nguyện vọng hoà bình, ổn định và cùng phát triển của toàn thể nhân loại. Việt Nam phản đối việc lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố để đe doạ tấn công, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, lên án việc sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ khí huỷ diệt, vũ khí giết người hàng loạt, trước hết là vũ khí hạt nhân nhằm mục tiêu khủng bố hoặc dưới danh nghĩa chống khủng bố.
        Nhìn chung, đối với chủ nghĩa khủng bố, Việt Nam luôn khẳng định đó là một mối đe doạ trắng trợn đối với hoà bình, an ninh và ổn định quốc tế hiện nay. Việt Nam có quan điểm nhất quán đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố, nhằm đảm bảo hoà bình và ổn định cho quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Cuộc đấu tranh chống khủng bố cần phải được tiến hành  phù hợp với các ko
 nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, với điều kiện cụ thể của khu vực và phạm vi toàn thế giới. Quan điểm nhất quán của Việt Nam: hoạt động khủng bố là phi nhân đạo, bị cả thế giới lên án cực lực. Hành động khủng bố nhất thiết phải loại trừ ra khỏi xã hội văn minh, như lời Nguyên Chủ tịch Phidel Castro đã nói “Dù nguồn gốc sâu xa của chủ nghĩa khủng bố như thế nào, dù các yếu tố
kinh tế và chính trị có ảnh hưởng đến nó như thế nào, và dù ai đó phải chịu trách nhiệm đã mang nó đến với thế giới này, thì cũng không một ai có thể phủ nhận rằng chủ nghĩa khủng bố ngày nay là một hiện tượng nguy hiểm không thể bào chữa được về mặt đạo lý và phải bị loại trừ”[5].


      * Địa chỉ liên lạc: 2// Nguyễn Hữu Nghị CTV.P Tiểu đoàn 1, Trường Sĩ quan Chính trị.
     * ĐTDĐ: 0915.074275




[1] Về Chủ nghĩa khủng bố, NXBCTQG, Hà Nội, 2003, trang 45
[2] Toàn văn thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 32 tại Singapore từ 2 – 4 tháng 7 năm 1999, HVCTQGHCM,  Tài liệu tham khảo, Hà Nội 1999, trang 221.

[3][3]  Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXBCTQG, Hà Nội 2002, trang 61
[4] Toàn văn thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 32 tại Singapore từ 2 – 4 tháng 7 năm 1999, HVCTQGHCM,  Tài liệu tham khảo, Hà Nội 1999, trang 95.

[5] Về chủ nghĩa khủng bố, NXBCTQG 2003, trang 45

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét