NHN
Việt Nam và Lào có một
mối quan hệ đặc biệt trong suốt tiến trình lịch sử cổ - trung đại cũng như hiện
tại. Hai nước cùng nằm trên bán đảo Đông Dương và có rất nhiều điểm tương đồng
về lịch sử cũng như văn hóa, đặc điểm tâm lý, lối sống. Quan hệ Việt Nam – Lào
là mối quan hệ nhân hòa, nảy sinh từ đời sống thích ứng với tự nhiên và dựng
xây xã hội của biết bao thế hệ cộng đồng dân cư hai nước có nhiều lợi ích tương
đồng, cao hơn hết là vận mệnh hai dân tộc gắn bó với nhau rất khăng khít và được
phát triển thành quan hệ đặc biệt chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế, mối
quan hệ đó được cấu thành từ những nhân tố sau:
Thứ nhất: Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào được hình thành
không phải do ý muốn chủ quan của bất kỳ
bên nào mà bắt nguồn từ vị trí địa – chiến lược của hai nước.
Việt Nam và Lào nằm ở trung tâm bán đảo Trung
- Ấn, thuộc vùng Đông Nam Á lục địa. Trong phạm vi bán đảo Đông Dương, Việt Nam
nằm ở phía đông Trường Sơn, Lào nằm ở sườn tây dãy Trường Sơn, lọt sâu vào đất
liền của bán đảo; đều là các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mêkông.
Việt Nam và Lào có vị trí địa – chiến lược
quan trọng ở vùng Đông Nam Á do nằm kề con đường giao thương hàng hải hàng đầu
thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, một
tiêu điểm của sự tranh giành lợi ích giữa các nước lớn và các trung tâm quyền lực
quốc tế.
Với vị trí chiến lược ấy hiểm yếu ấy, Việt
Nam vừa là cửa ngõ, vừa là lá chắn phía Đông, thông thương ra biển Đông của
Lào; Lào lại là cửa ngõ, là lá chắn phía Tây, nối liền lục địa của Việt Nam. Bởi
vậy, sự liên kết Việt Nam – Lào tạo nên thế trận phòng thủ quốc phòng – an ninh
vững chắc cho cả hai quốc gia.
Thứ hai: Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam
– Lào được hình thành từ sự tương đồng văn hóa, bản chất nhân văn, nương tựa lẫn
nhau của hai dân tộc có cùng lợi ích cơ bản về độc lập, tự do và khát vọng hòa
bình.
Việt Nam và Lào đều là những quốc gia đa
dân tộc, có lịch sử phát triển lâu đời trên bán đảo Đông Dương. Quá trình cộng
cư, hoặc sinh sống xen cài của những cư dân Việt Nam và cư dân Lào trên địa bàn
biên giới của hai nước đã phản ánh sinh động, liên tục mối quan hệ cội nguồn và
quan hệ tiếp xúc từ xa xưa của nhân dân hai nước. Huyền thoại khởi nguyên về quả
bầu mẹ đã trở thành biểu tượng cao đẹp về nguồn gốc chung và tình đoàn kết keo
sơn giữa các dân tộc hai bên dãy Trường Sơn. Từ xa xưa, những dân tộc phía Tây
các tỉnh miền Trung đã có quan hệ sâu sắc với người Lào. Người Lào cũng vượt
núi sang tận Đông Trường Sơn để trao đổi, buôn bán. Nền văn hóa nghệ thuật truyền
thống của Việt Nam và Lào dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm lẫn nhau, chia sẻ tâm hồn
chung về các giá trị cộng đồng, coi trọng luật tục, tôn kính người già, đề cao những phẩm chất yêu thương và hướng thiện.
Có thể thấy rằng, chính những nét tương đồng về văn hóa, sự đồng điệu
về tâm hồn giữa con người của hai dân tộc là “sức hút tự nhiên” kéo gần, thắt
chặt hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.
Thứ ba: Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào có truyền thống bang giao hòa
hiếu, cưu mang đùm bọc lẫn nhau từ lâu đời, cuối thế kỷ XIX cùng trong bối cảnh
bị thực dân Pháp xâm lược và cai trị.
Theo các thư tịch nổi tiếng của Việt Nam
như: “Việt điện u linh”, “Lịch triều hiến chương loại chí” thì năm 550 dưới thời
Vạn Xuân của nhà tiền Lý, khi bị quân Lương ở phương Bắc đàn áp, Lý Thiên Bảo
đã chạy sang đất Lào lập căn cứ chống giặc ngoại xâm, mở ra mối quan hệ đầu
tiên Việt Nam – Lào. Còn theo hai bộ chính sử khác là “Đại Việt sử ký toàn
thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” thì sự kiện quan hệ ngoại giao,
thông hiếu đầu tiên giữa hai nước là năm 1067.
Trong thời kỳ phong kiến độc lập, đặc điểm
nổi bật về quan hệ giữa nhân dân hai nước và mối bang giao giữa các triều đại
là thân thiện, hữu hảo. Giữa hai dân tộc không có sự áp bức và nô dịch nhau.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm
lược và đặt ách đô hộ lên Việt Nam (1858), Campuchia (1863) và Lào (1893). Việc
thực dân Pháp sáp nhập cưỡng bức ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia thành một thực
thể “Đông Dương thuộc Pháp”, Đông Dương biến đổi thành một đơn vị hoàn toàn mới,
có những mối ràng buộc chặt chẽ về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn
hóa,…Vì thế, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam,
Lào, Campuchia có tác động, ảnh hưởng mật thiết lẫn nhau.
Phong trào yêu nước chống Pháp của nhân
dân Việt Nam và nhân dân Lào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đã có sự liên minh,
tương tác với nhau chống kẻ thù chung như cuộc khởi nghĩa Hạ Lào do Ông Kẹo và Ông
Cômmađăm lãnh đạo (1901- 1937) phối hợp với nghĩa quân dân tộc Xơđăng ở Tây
Nguyên (Việt Nam); phong trào chống Pháp của người Mông ở Tây Bắc Việt Nam do
Chạu Phạpắtchây lãnh đạo (1918 - 1922) lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh biên giới
hai nước thuộc Thượng Lào và Tây Bắc Việt Nam.
Tuy các phong trào trên đều bị chính quyền
thực dân đàn áp, dập tắt, song mối quan hệ giữa nhân dân hai nước trong những
năm đầu chống sự xâm lược và ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp cho thấy nhận
thức của hai dân tộc về xây dựng khối đoàn kết đấu tranh trở nên một nhu cầu tất
yếu khách quan.
Thứ tư: Chung một con đường
giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cùng với Hoàng thân
Xuphanuvông, Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản, nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Trong quá trình tìm đường cứu nước của
mình, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến tình hình Lào. Người không chỉ lên án chế
độ thực dân Pháp nói chung mà còn tố cáo cụ thể sự tàn bạo của thực dân Pháp ở
Lào. Trên thực tế, từ nửa sau những năm 20 thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực
tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc
vào Đông Dương. Năm 1928, đích thân Người bí mật tổ chức khảo sát thực địa tại
Lào càng cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách
mạng Lào. Cũng trong năm này, chi bộ Thanh niên cộng sản đầu tiên được thành lập
tại Viêng Chăn, đồng thời đường dây liên lạc giữa nhiều thị trấn ở Lào với Việt
Nam được tổ chức.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào –
Việt Nam tiếp tục được khẳng định trong các giai đoạn lịch sử đấu tranh giải
phóng dân tộc: 1930 – 1945, 1945 – 1954, 1954 - 1975. Từ sau năm 1975 đến nay, quan
hệ Việt – Lào tiếp tục có những bước phát triển mới, trở thành mối quan hệ đặc
biệt, hợp tác toàn diện. Mỗi bước phát triển của cách mạng Lào tạo hậu thuẫn
cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi và ngược lại, thắng lợi của cách mạng Việt
Nam tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển. Tục ngữ Lào có câu “Bạn ăn tìm dễ, bạn chết tìm khó”, cái nghĩa
tình thiêng liêng ấy đã được minh chứng bằng xương máu của người dân Việt đổ
trên đất bạn Lào. Hàng nghìn chuyên gia, hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam đã
chiến đấu ở Lào vì nền độc lập, tự do của người anh em láng giềng. Người Việt
Nam giúp nước Lào tức là tự giúp mình. Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào xây
dựng trên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận dụng đúng đắn chủ
nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”(1).
“Vận mệnh hai nước chúng ta gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân Lào sẽ làm hết
sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em”(2) .
Nhìn lại chặng đường 55 năm thiết lập
mối quan hệ ngoại giao đặc biệt Việt Nam - Lào (5/9/1962-5/9/2017), 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt – Lào (18/7/1977
– 18/7/2017) chúng ta nhận thấy mối
quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào không giống bất cứ mối quan hệ nào trong lịch sử
thế giới đương đại, nó xuất phát từ sự tương đồng về vị trí địa lí, điều kiện tự
nhiên, tương đồng, sớm giao thoa về văn hóa, bản chất nhân văn, quy luật sinh tồn
của hai dân tộc, được xây đắp, nuôi dưỡng bằng công sức, của cải, xương máu của
nhiều thế hệ cách mạng người Việt Nam và Lào. Trải qua rất nhiều gian nan, thử
thách khắc nghiệt, quan hệ đó vẫn vẹn nguyên, không hề bị rạn nứt và phá vỡ cho
dù các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn chống phá, chia rẽ. Tính chất đặc
biệt của quan hệ Việt nam – Lào, Lào – Việt Nam được tạo dựng trên nền tảng,
quan điểm, nguyên tắc, phương pháp và cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của
hai dân tộc. Đó là một tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền,
chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa
bình và tiến bộ xã hội. Mối quan hệ đó sẽ được Chính phủ, nhân dân hai nước tiếp
tục vun đắp trong quá trình đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện và tiến
lên xã hội hiện đại ngày nay.
(1) Lời phát biểu của Đồng chí Kayxỏn Phômvihản phát biểu trong cuộc hội đàm
giữa Đảng Nhân dân Lào và Đảng lao động Việt Nam tháng 12- 1968.
(2) Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Lao động Việt Nam: Lịch sử quan hệ
đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007- Biên niên sự kiện, NXB
Chính trị quốc gia, H.2011, tập 1, tr
482.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét