Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

NHỮNG DẤU ẤN ĐẶC BIỆT CỦA CỐ TỔNG BÍ THƯ ĐỖ MƯỜI

        
                                                                NHN

     Trong tiến trình đổi mới, hội nhập của đất nước, cố Tổng bí thư Đỗ Mười là một nhà lãnh đạo có nhiều dấu ấn trong lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, ông là người sáng tạo ra câu slogan đối ngoại mang đậm bản sắc dân tộc – đó là: "Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước"
. Đồng thời, ông cũng là người mở ra thời kỳ mới cho đối ngoại Việt Nam mà dấu ấn chính là việc làm cho người Việt Nam tự hào trên trường quốc tế khi Mỹ buộc phải xóa bỏ cấm vận Việt Nam chính là từ đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.
       Sống liêm khiết, thẳng thắn, gần gũi với mọi người
      Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và coi "văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận", nên nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình. Đối với văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, trí thức, cố Tổng bí thư luôn có sự gần gũi, chân tình, trao đổi, nhằm tháo gỡ những khó khăn, thắc mắc, thậm chí đối thoại thẳng thắn, chỉ ra những quanh co, uẩn khúc để rồi làm cho giới văn nghệ sĩ thêm tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và dành tài năng, tâm lực cho những sáng tạo văn học, nghệ thuật phục vụ đường lối văn hóa, văn nghệ vì mục tiêu chung phát triển đất nước ngày một thịnh vượng.
      Đối với giới văn nghệ sĩ, nhất là các nhà văn thì dấu ấn của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười rất sâu đậm. Tại Đại hội IV họp từ ngày 26.10 đến ngày 1.11.1989 ở Hội trường Ba Đình các nhà văn đã bàn nhiều chuyện rất nghiêm túc như không nên có một phương pháp sáng tác duy nhất; vấn đề tự do sáng tạo; đưa ra những sáng kiến đổi mới văn chương theo tinh thần Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về Văn hóa văn nghệ.
       Gần dân, gần anh em cấp dưới, luôn giản dị, chân thành
      Sinh thời, cố Tổng bí thư Đỗ Mười rất quý trọng gia đình nhà văn Vũ Tú Nam không chỉ ở công việc mà còn còn là tình đồng chí, tình anh em. Phu nhân của nhà văn Vũ Tú Nam là nhà báo Thanh Hương, nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ từng là cấp dưới thân cận của cố Tổng bí thư Đỗ Mười khi ở an toàn khu Việt Bắc - Thái Nguyên.
       Theo bà Thanh Hương: “Ngày xưa khi ở an toàn khu Việt Bắc - Thái Nguyên, ông Đỗ Mười phụ trách Hội phụ nữ, chỉ đạo trực tiếp chúng tôi. Ông Đỗ Mười là người rất gần dân, gần anh em cấp dưới, giản dị, chân thành. Đôi khi, ngoài công việc, ông coi chúng tôi như em út trong nhà. Khi từ an toàn khu về Hà Nội và đến lúc ông nhậm chức Tổng bí thư, ông vẫn giữ liên lạc và đến nhà thăm vợ chồng tôi. Chính ngôi nhà tập thể ở đường Vạn Phúc, Ba Đình mà gia đình tôi đang sinh sống, là ông Đỗ Mười ký tiêu chuẩn phân cho nhà tôi là nhà văn Vũ Tú Nam".
        Cũng theo nhà báo Thanh Hương, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười là người có đầu óc linh hoạt, có trí nhớ tuyệt vời mà hiếm có người nào nhớ và phát ngôn giỏi như ông. Có những điều rất lâu rồi nhưng ông vẫn nhớ tới từng chi tiết. Ông là người luôn nhạy bén với thời cuộc và chỉ đạo sát sao. Nhà báo Thanh Hương nhớ lại: "Tôi nhớ, Đại hội 4 Hội nhà văn rất khó khăn, rồi tiếp đến Đại hội Hội nhà báo. Cả 2 Đại hội tôi đều dự vì lúc đó tôi là Thư ký Hội Nhà báo. Năm đó, ông Đỗ Mười đã có bài nói chuyện rất dài với văn nghệ sĩ, trong đó nhấn mạnh đến vai trò và sức sáng tạo của các nhà văn, đồng thời ông cũng rất quan tâm đến kinh phí cho hoạt động sáng tạo văn học thời kỳ đổi mới. Với tôi tính công dân của ông Đỗ Mười thể hiện rất rõ và được mọi tầng lớp nhân dân kính trọng.
       Đến năm 1994, lúc ấy ông Đỗ Mười là Trưởng ban nhân sự của Đại hội lần thứ 8, ông đã cho thư ký gọi tôi đến. Ông nói: Tôi muốn tại Đại hội lần này trẻ hóa Ban lãnh đạo Hội Nhà văn, ông đề nghị tôi giới thiệu một số nhân sự dưới 35 tuổi, nhưng lúc ấy tôi cũng rất dè dặt và nói việc này anh nên hỏi văn phòng để biết cụ thể hơn. Song ông cười và nói, tôi coi cô như em út trong nhà nên hỏi thêm ý kiến cô, chứ hỏi văn phòng thì tôi gọi cô đến làm gì? Tuy nhiên, trong câu chuyện ông có nhắc tới nhà thơ Trần Đăng Khoa”.
       Ông là người thông tuệ, sống thật và nói thật
        Lật dở những trang tư liệu cũ, trong thông tư của Ban thư ký phát đi, cố Tổng bí thư Đỗ Mười viết: “Ban bí thư đồng ý để các Hội văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức đại hội toàn quốc trong năm 1988. Trên cơ sở tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Đại hội các Hội văn học nghệ thuật cần quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới – đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ, giải phóng năng lực sáng tạo của giới văn học nghệ thuật, nhằm tích cực tham gia vào việc giải phóng sức sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội do Đại hội VI của Đảng đề ra. Đại hội các hội kỳ này phải đánh dấu một chặng đường mới trong sự phát triển văn học nghệ thuật và trong tổ chức hoạt động của các Hội sáng tạo ở nước ta”.
        Có thể thấy: những nội dung chính của Thông tư là những quan điểm cốt lõi của Nghị quyết 05: “Đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức cán bộ, giải phóng năng lực sáng tạo của giới văn học nghệ thuật”.
       Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhớ lại: “Tại Đại hội 4 Hội Nhà văn Việt Nam, ông Đỗ Mười đã nói chuyện với văn nghệ sĩ tới 4 tiếng đồng hồ. Quả thực thuyết phục nhà văn không dễ, nhưng khi ông nói chuyện, tôi và rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã ngồi nghe ông nói rất chăm chú. Ông Đỗ Mười là người thông tuệ, ông sống thật, nói thật nên mọi người tin ông. Trong buổi nói chuyện ấy, ông "nói vo" và nói rất hay. Anh em nhà văn, nhà thơ vỗ tay rầm rầm.
       Ông cũng rất thẳng thắn khi nói về vấn đề tự do sáng tạo nghệ thuật và với ông thì dù muốn, dù không tự do vẫn phải nằm trong khuôn khổ của luật pháp. Và cũng trong buổi nói chuyện ấy, ông "định nghĩa" Tư tưởng Hồ Chí Minh theo cách của mình. Ông khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là Việt Nam hóa tất cả những tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại và biến nó thành hiện thực ở Việt Nam”. Tôi cũng đã từng học ở Trường Nguyễn Ái Quốc, nhưng tôi cho rằng, cho đến nay, không có ai định nghĩa về Tư tưởng Hồ Chí Minh hay hơn và đúng hơn nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười”.
       Ai rồi cũng đến lúc phải rời xa cõi tạm, song sự ra đi của nguyên Tổng bí Thư Đỗ Mười đã để lại một khoảng trống đối với nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, bởi vai trò, trách nhiệm của ông trên nhiều cương vị... Ở cương vị nào ông cũng để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét