Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

101 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA – NHỮNG GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN

                                                                NHN
    Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917 đã có lịch sử hơn một thé kỷ. Đây là Cuộc cách mạng to lớn, vĩ đại nhất, có tầm vóc lịch sử và hiệu ứng xã hội rộng lớn, sâu sắc nhất trong đời sống thế giới nhân loại của thế kỷ XX. Điều đó là không thể phủ nhận dù năm tháng qua đi.
      Tuy nhiên, các thế lực phản động vẫn tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, cố tình hạ thấp tầm vóc của Cách mạng Tháng Mười và bôi nhọ chủ nghĩa xã hội. Chúng ra sức khai thác sự kiện chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã để tuyên truyền rằng: chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã lỗi thời, chủ nghĩa xã hội đã chấm dứt, chỉ có chủ nghĩa tư bản là văn minh và bền vững,… hòng làm nhiễm độc bầu không khí tinh thần của xã hội. Chúng xuyên tạc trắng trợn và thâm độc rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là một cuộc đảo chính; những người cộng sản do V. I. Lê-nin lãnh đạo chỉ là quân phiến loạn, rằng đây là một cuộc cách mạng đẻ non. Họ quy chụp nguyên nhân biến cố ở Liên Xô và Đông Âu làm tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa là từ Cách mạng Tháng Mười. Đó là sự xuyên tạc lịch sử và chân lý, tỏ rõ một thái độ vô đạo lý, cần phải vạch trần và phê phán. Vậy sự thật là ở đâu? Lịch sử đã cho thấy:
     Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, một thời đại mới đã bắt đầu - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực, với chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản đã ở vào vị thế đảng cầm quyền. Trước Cách mạng Tháng Mười, nước Nga với chế độ chuyên chế Nga Hoàng được ví như tù ngục lớn nhất của các dân tộc phương Đông. Cách mạng đã lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, của lực lượng chuyên chế phong kiến Nga Hoàng, xóa bỏ tình cảnh nô lệ của quần chúng công - nông, đem lại cho họ quyền tự do, dân chủ và địa vị làm chủ xã hội. Sắc lệnh về hòa bình và Sắc lệnh về ruộng đất được chính quyền Xô viết ban bố ngay trong Cách mạng Tháng Mười đã minh chứng cho điều đó.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một Nhà nước kiểu mới đã ra đời, xác lập quyền lực của nhân dân, nhân dân trở thành người chủ, nắm lấy quyền lực nhà nước và tự quyết định vận mệnh của mình. Cùng với Nhà nước kiểu mới đó, nền dân chủ cho số đông, dân chủ xã hội chủ nghĩa được xây dựng và thực hiện. Đó là những dấu hiệu căn bản đặc trưng cho chính thể mới trong một chế độ xã hội kiểu mới, khác về nguyên tắc, bản chất so với chính thể tư sản và chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa đã bị phủ định bởi Cách mạng Tháng Mười vĩ đại – làm rung chuyển cả thế giới.
       Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới hiện đại. Nhân loại được thức tỉnh bởi sự kiện này và từ đây, lịch sử đã sang trang mới, với sự khẳng định sức mạnh sáng tạo vĩ đại của quần chúng nhân dân, trong tư cách là chủ thể làm nên lịch sử. Các thế hệ những người cách mạng, các dân tộc mang khát vọng tự do, công bằng và bình đẳng ở khắp nơi đã nhận được từ di sản Cách mạng Tháng Mười những xung lực mới để hành động, nhằm cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới, thúc đẩy sự phát triển vì độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và chủ nghĩa xã hội. Những giá trị, lý tưởng và mục tiêu đó được sinh thành từ Cách mạng Tháng Mười, được gìn giữ và phát huy trong thực tiễn phong trào cách mạng của thế kỷ XX, hiện nay và mãi về sau. Đó là những giá trị bền vững xuyên suốt thời gian, nguồn sáng vô tận soi sáng con đường cách mạng của các dân tộc trên thế giới. Rõ ràng, giá trị, sức sống và ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Mười là một thực tế lịch sử không gì có thể phủ nhận. Nó đã ở trong lương tâm và ký ức nhân loại, đang tiếp tục định hướng cho sự phát triển của thế giới đương đại trong cuộc hành trình tới độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã trở thành giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân loại.
Tính chất vạch thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga còn ở chỗ, chủ nghĩa xã hội sinh thành trong cuộc Cách mạng này dù là đơn nhất nhưng đã mang ý nghĩa phủ định về nguyên tắc đối với chủ nghĩa tư bản. Từ đây, sự lựa chọn con đường phát triển không chỉ duy nhất là tư bản chủ nghĩa mà còn là xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, quá độ lên chủ nghĩa xã hội; lô-gíc lịch sử - tự nhiên của phát triển xã hội đã có sự hiện diện của con đường không qua chủ nghĩa tư bản. Đó là tính chất và nội dung của thời đại mới, do Cách mạng Tháng Mười khai sinh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam, Cách mạng Trung Quốc (1949) và Cách mạng Cu Ba (1959) là những cuộc cách mạng điển hình nhất trong thế kỷ XX, được dẫn dắt và soi sáng bởi Cách mạng Tháng Mười là những minh chứng thực tế, rõ ràng, không thể phủ nhận sự thực của lịch sử, không một thế lực phản động nào có thể xuyên tạc được.
     Giá trị của Cách mạng Tháng Mười nhắc nhở chúng ta phải một lòng trung thành với lý tưởng và mục tiêu của cuộc Cách mạng vĩ đại ấy. Đã 101 năm lịch sử đi qua từ đó, với biết bao sự kiện mà nhân loại đã chứng kiến, có thành công và cả thất bại, có vinh quang chói sáng và cả những bi kịch đắng cay. Nhưng những giá trị của Cách mạng Tháng Mười sẽ không bao giờ bị tiêu diệt. Đó là lời khẳng định xuất phát từ xu thế vận động của lịch sử là không ngừng tiến lên, không ngừng phát triển; từ sức sống bền bỉ của các cuộc cách mạng chân chính, đích thực.
Những bài học từ Cách mạng Tháng Mười và lịch sử hơn một thế kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự sâu sắc và vẫn mãi còn hữu ích cho hậu thế trong việc nhận thức đầy đủ những chân giá trị của Cách mạng Tháng Mười, từ sự thật những gì đã xảy ra, từ chân lý của khoa học và cách mạng. Những giá trị ấy càng thức tỉnh và đòi hỏi các thế hệ phải ghi nhớ bài học đạo lý về lòng biết ơn và sự trung thành với cách mạng, nghĩa vụ và trách nhiệm trong xây dựng và phát triển xã hội mới tốt đẹp mà Cách mạng Tháng Mười đã mở đường, chỉ hướng.
       Những sai lầm có tính nguyên tắc trong quá trình cải tổ ở Liên Xô và Đông Âu dẫn đến kết cục đổ vỡ, như một tấn bi kịch nát lòng trong lịch sử chủ nghĩa xã hội hiện thực cuối thế kỷ XX lại cho thấy ý nghĩa cảnh báo sâu xa của V. I. Lê-nin: mất phương hướng chính trị trong những thời điểm bước ngoặt, đối với một Đảng cầm quyền (Đảng Cộng sản Liên Xô) giống như một hành động tự sát. Giờ đây, khi chủ nghĩa xã hội đang cải cách và đổi mới để vượt qua những khó khăn, thử thách thì việc những người cách mạng tự ý thức sâu sắc những bài học đã qua - “những bài học được chiết xuất từ những vị thuốc đắng của lịch sử” để không rơi vào vết xe đổ, tự hủy hoại lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thực tiễn phát triển của cách mạng Việt Nam, di sản vĩ đại và cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những kinh nghiệm được tổng kết qua chặng đường hơn 30 năm đổi mới đã minh chứng cho lòng trung thành và niềm tin của chúng ta với Cách mạng Tháng Mười, với chủ nghĩa Mác – Lê-nin để vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ và Đảng ta, dân tộc ta đã chọn. Đó là con đường được soi sáng bởi Cách mạng Tháng Mười, dẫn dắt chúng ta đến một nền độc lập, tự do thực sự mà lợi ích dân tộc, độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, một chủ nghĩa xã hội thấm nhuần sâu sắc bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn, thống nhất hữu cơ giữa tính dân tộc, tính nhân dân, tính giai cấp với tinh thần thời đại và chủ nghĩa quốc tế chân chính. Đó là điều không thể phủ nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét