Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Chủ tịch Hồ Chí Minh và con thuyền Cách mạng Việt Nam năm 1946

                       NHN
Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng (1911-1969), Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã có hơn một lửa thời gian sống và làm việc ở nước ngoài. Người đã đặt chân đến khoảng 30 nước ở hầu hết các châu lục, với những tư cách khác nhau, vào nhiều thời điểm và hoàn cảnh khác nhau.

Những hoạt động ngoại giao quốc tế của Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Nó gắn liền với mục tiêu cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại bị áp bức. Qua đó, Người đã gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, tìm bạn đồng minh ở các nước, ngay cả ở nước đang xâm lược mình. Điều này các bậc tiền bối yêu nước chưa nghĩ đến, chưa làm được. Nhân kỷ niệm 116 năm ngày sinh nhật Bác, chúng ta cùng điểm lại những sự kiện chính trong cuộc đấu tranh ngoại giao tại nước Pháp năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó chúng ta càng trân trọng và tự hào hơn về nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong bối cảnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam năm 1946 đầy khó khăn, thử thách.
Đầu năm 1946, tình hình cách mạng Việt Nam vẫn hết sức khó khăn, Pháp và Tưởng đã bắt tay nhau ký hiệp ước Trùng Khánh 28/02/1946, hợp thức hoá việc đưa quân Pháp ra miền Bắc Việt Nam, đặt Việt Nam trước “việc đã rồi”. Nhận rõ âm mưu của Pháp và Tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định ký Hiệp định sơ bộ 06/03/1946 với thực dân Pháp. Nội dung bản Hiệp định khẳng định Việt Nam không trở lại chế độ thuộc địa của Pháp. Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng…. Trước khi ký kết Hiệp định, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải có đại diện Mỹ, Anh, Tưởng chứng kiến lễ ký Hiệp định, điều này nhằm mục đích nâng cao uy tín của nhà nước ta lúc bấy giờ.
Với bản chất hiếu chiến xâm lược, ỷ vào sức mạnh quân sự, giới cầm quyền Pháp không có ý định thực thi nghiêm chỉnh những điều khoản đã ký kết trong Hiệp định sơ bộ 06/03/1946. Mặc dù vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì đấu tranh đòi mở cuộc đàm phán chính thức tại Pari nhằm duy trì cục diện hoà hoãn và nâng cao vị trí quốc tế của Việt Nam.
Trước sức ép của dư luận Pháp và phản ứng mạnh mẽ của nhân dân ta, ngày 24 tháng 03 năm 1946, đô đốc Đác giăng li ơ đã tổ chức cuộc hội kiến với Chủ Tịch Hồ Chí Minh tại vịnh Hạ Long. Tại đây Người đã tranh luận với Đác giăng li ơ nhiều vấn đề. Đác giăng li ơ đề nghị họp trù bị ở Đà Lạt, nhưng Người kiên quyết đòi họp chính thức ngay tại Pari. Mặc dù Đác giăng li ơ rất ngoan cố, nhưng trước những lời lẽ hết sức thuyết phục không thể bác bỏ được của Người lại được Lơ c léc và Xanh tơ ni ủng hộ, Đác giăng li ơ buộc phải đồng ý đàm phán chính thức tại Pháp vào hạ tuần tháng 05 năm 1946.
Có thể nói đây là một cơ hội mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng đạt được để mở ra mặt trận ngoại giao quan trọng tiến công vào dư luận nước Pháp. Vì vậy, Người đồng ý cử một phái đoàn Quốc hội Việt Nam sang thăm Pháp, do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Ngày 16/04/1946, khi phái đoàn lên đường, Người đã dặn dò “Phải làm tốt ba việc là: Đoàn kết, cẩn thận, làm cho người Pháp hiểu ta, để gây tình hữu nghị giữa hai dân tộc”. Thành công trong chuyến đi của phái đoàn Quốc hội là đã cố gắng làm sáng tỏ tình hình thực tế ở Việt Nam, đồng thời chuẩn bị cho cuộc đi thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ ta sang đàm phán chính thức.
Như vậy, từ đầu cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng và thành công trong việc mở rộng cuộc đấu tranh ngoại giao với những kết quả bước đầu đáng trân trọng. Cuộc đấu tranh ngoại giao sẽ còn tiếp tục gay go, phức tạp ở phía trước.
Ngày 31/05/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ ta rời Hà Nội đi thăm và đàm phán ở Pháp. Người đi Pháp với tư cách là THƯỢNG KHÁCH của Chính phủ Pháp, đồng thời để chỉ đạo cuộc đấu tranh ngoại giao của Chính phủ ta. Chuyến đi thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban đầu gặp “trục trặc”. Nội các Phê Lich Goanh vừa đổ, ở Pari hiện chưa có Chính phủ để đón Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Vì vậy, trên đường bay Người được bố trí tạm thời lưu lại Bi a rít trong khi chờ đợi một cuộc đón tiếp chính thức tại Pa ri.
Trong thời gian ở Bi a rít, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhiều đoàn từ Pa ri và những vùng lân cận tới thăm hỏi và chúc mừng, như Rơ nê lécni tơ, phóng viên báo Luy ma ni tê (nhân đạo). Phái đoàn Đảng Cộng sản do Sac lơ ti ông, uỷ viên trung ương, Bộ trưởng hàng không dẫn đầu. Các đoàn thể chính trị , xã hội, văn hoá Pháp, đại biểu Việt kiều…. Qua gần 10 ngày tiếp xúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những đã làm cho người Pháp quan tâm, hiểu rõ được lập trường của Việt Nam mà còn truyền đến nhân dân Pháp một tình cảm, một ấn tượng sâu sắc về lòng chân thành và hữu nghị của Việt nam đối với họ.
Trưa ngày 22/06/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời Bi a rít đi Pa ri theo lời mời của Chính phủ mới, do Bi đôn làm thủ tướng. Lễ đón Chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở Pa ri rất trọng thể. Bộ trưởng nước Pháp hải ngoại M. Mu tê đến tận chân cấu thang máy bay ôm hôn Chủ tịch. Hai lá cờ Việt-Pháp rất lớn được từ từ kéo lên cao trong tiếng nhạc quốc ca của hai nước.
Trong thời gian ở Pa ri, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc rộng rãi và hữu nghị với nhân dân Pháp và nước ngoài, các hãng thông tấn, các thương gia Pháp…Người cũng tiếp xúc chính thức với chính phủ Pháp để tỏ rõ thiện chí của ta. Trong cuộc tiếp xúc này 2/7/1946 giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với thủ tướng Bi đôn, Chỉ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về sự thống nhất của đất nước Việt Nam cũng như sự thống nhất của nước Pháp. Người đã tỏ lòng thực sự muốn có quan hệ tốt với Pháp. Bởi vì, theo Người thì dân tộc Việt Nam và dân tộc Pháp đều yêu chuộng hoà bình.
Cuộc họp báo ngày 12 tháng 7 năm 1946 là một cuộc họp báo quan trọng nhất trong các cuộc tiếp xúc với nhà báo do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Trong cuộc họp báo này, Người đã tuyên bố 6 điểm:
1. Việt Nam đòi quyền độc lập. Độc lập không phải là hoàn toàn tuyệt giao với Pháp, mà ở trong liên hiệp Pháp, vì như thế thì lợi cho cả hai nước về mặt kinh tế và văn hoá. Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp.
2. Việt Nam tán thành liên Bang Đông Dương, nhưng quyết không chấp nhận một chính phủ Liên bang.
3. Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam. Không ai có quyền chia rẽ. Không lực lượng nào có thể chia cắt Nam Bộ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
4. Việt Nam sẽ bảo hộ tài sản của kiều dân Pháp, nhưng người Pháp phải tuân theo pháp luật Việt Nam và Việt Nam giữ quyền mua lại những sản nghiệp có quan hệ với quốc phòng.
5. Nếu cần cố vấn thì người Việt Nam sẽ dùng người Pháp trước.
6. Việt Nam có quyền phái Đại sứ và lãnh sự đi các nước.
Sự có mặt của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trên đất Pháp với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp quả là một sự kiện có ý nghĩa lớn phản ánh sự thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Điều thú vị là trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp lại An be Xa rô (Nguyên toàn quyền Đông Dương hai lần) người mà hơn 20 năm trước đã đe doạ “sẽ không tha thứ cho những người nào từ Pa ri tới Mátxcơva, và từ Mátxcơva đến Quảng Châu, từ Quảng Châu đến Đông Dương gây rối loạn”.
Ngày 4 tháng 7 năm 1946, trong buổi chiêu đãi của Đác giăng li ơ, Xa rô đã gặp lại con người mà mình đã đe doạ và đã “ thực hiện, đúng con đường ông ta đã vạch ra. Xa rô vồn vã bắt tay Người và nói chua chát “ Ồ ồ, anh đấy à? Tên đạo tặc năm xưa; nghĩ lại, Tôi đã trải qua một phần lớn của cuộc đời để chạy theo anh”.
Ngày 6/7/1946, cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện 2 Chính phủ Việt Nam và Pháp đã diễn ra tại Phông tenơ b lô. Cuộc hội đàm đã xoay quanh các vấn đề địa vị của Việt Nam trong khối liên hiệp Pháp, vấn đề ngoại giao của Việt Nam với các nước, vấn đề liên bang Đông Dương, vấn đề thống nhất 3 kỳ, việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ, những vấn đề kinh tế-văn hóa và thảo một dự án hiệp ước. Lập trường của Pháp ở Hội nghị phôngtenơblô không khác gì hội nghị trù bị ở Đà Lạt là đòi đặt lại chế độ Toàn quyền ở Việt Nam, tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, Việt Nam không có ngoại giao riêng…Còn lập trường của Việt Nam là độc lập dân tộc và hợp tác bình đẳng với Pháp. Những điểm cụ thể của lập trường đó là: Việt Nam không chấp nhận bất cứ chính phủ Liên Bang nào, Việt Nam độc lập trong liên hiệp Pháp. Trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Pháp; Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam thống nhất, không thể chia cắt; Việt Nam có quyền đại sứ với tất cả các nước trên thế giới…
Cuộc đàm phán kéo dài hơn hai tháng ( từ 6/7 đến 10/9/1946), cuối cùng không đi đến thoả thuận nào do lập trường hai bên xa nhau. Cuộc đàm phán chấm dứt càng làm cho tình hình bang giao Việt- Pháp thêm căng thẳng. Nguy cơ một cuộc chiến tranh đến gần. Cần có một quyết định nhanh chóng kéo dài thời gian hoà hoãn để xây dựng, củng cố thêm lực lượng cách mạng; làm cho nhân dân Pháp, nhân dân thế giới thấy rõ thiện chí hoà bình của Việt Nam và dã tâm xâm lược của Pháp. Cũng như hồi đầu tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại quyết định tiếp tục khôn khéo thoả hiệp với Pháp, nhượng bộ chúng thêm một bước nữa.
Ngày 14 tháng 9 năm 1946, Hồ Chí Minh gặp lại M. Mu Tê và G. Bi đô. Đêm 14/9/1946 Người lại cùng Mu Tê và Xanh tơ ni xem xét các điều khoản của bản dự thảo và ký kết với Mu Tê bản Tạm ước Việt- Pháp 14/9/1946 với các nội dung chính:
+ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp cam kết tiếp tục chính sách hợp tác như hiệp định sơ bộ đã nêu. Cuộc đàm phán sẽ tiếp tục được triển khai chậm nhất vào tháng Giêng năm 1947.
+ Chính phủ Việt Nam bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, quyền lợi kinh tế, văn hoá của người Pháp ở Việt Nam.
+ Chính phủ Pháp sẽ đình chỉ xung đột ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân.
+ Việt Nam và Pháp thả hết tù chính trị, chấm dứt tuyên truyền không thân thiện.
+ Việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ do 2 bên quy định thời gian và cách thức.
Đây là sự nhân nhượng cuối cùng của ta nhằm cưú vãn tình thế hết sức khó khăn của nước ta lúc đó.
Sau khi ký tạm ước 14/9/1946. ngày 16/9/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pa ri về nước bằng đường biển. Ngày 20/10/1946 Người về đến tổ quốc trong sự chờ đón, tin tưởng của toàn thể dân tộc.
Nói về ý nghĩa bản tạm ước, báo Sự thật của Đảng ta ra ngày 20/09/1946 viết: “Ý nghĩa của Hồ chủ Tịch khi ký bản thoả hiệp tạm thời ngày 06/03/1946 là nhất quyết làm cho cuộc bang giao Việt - Pháp tiến bộ hơn, tình giao hảo giữa hai dân tộc dân chủ thân mật hơn và để thực hiện điều khoản của bản thoả hiệp tạm thời có thể hòa hoãn những gay go giữa Việt - Pháp và giành thêm thời gian để bồi bổ thực học và đón lấy một tình thế tốt hơn, để tỏ cho nhân dân Pháp thấy rằng dân tộc ta rất muốn thoả thuận với nhân dân Pháp, và do đó tăng thêm tình cảm của nhân dân Pháp và các dân tộc tư do khác đối với nước ta”.
Ngày 23/10/1946, các báo đăng bản Tuyên bố với quốc dân của Chủ Tịch Hồ Chí Minh sau khi đi Pháp về, nêu những việc đã làm và công việc sắp tới. Người đã nêu tình cảm tha thiết với nhân dân, cũng là trách nhiệm của Người “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên.”.
Vào những ngày tháng cuối năm 1946 lợi dụng tình hình nước Pháp gần như trong tình trạng không có chính phủ, bọn thực dân hiếu chiến ở Đông Dương đẩy mạnh hoạt động khiêu khích, gây chiến âm mưu đặt chính phủ mới ở Pháp trước việc đã rồi.
Trong tháng 11 và tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp gửi điện cho Chủ tịch Quốc hội Pháp Vanh Xăng Ô ri ôn, kịch liệt tố cáo chính sách vũ lực và phản bội của thực dân Pháp ở Đông Dương, đồng thời khẳng định thiện chí của Chính phủ ta muốn hợp tác với Pháp để phục hồi lại tình hình trước ngày  20/11/1946. những bức điện thiện chí ấy đã không được đáp ứng. Ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, chúng gửi liên tiếp ba tối hậu thư, đòi tước vũ khí các lực lượng của ta. Mặc dù vậy, cho đến tận ngày 01/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ mối liên hệ với đại diện chính phủ Pháp tại Hà Nội. Người còn thúc dục Xanh tơ ni tìm ra giải pháp nhằm “Cải thiện bầu không khí” nhưng Xanh tơ ni đã không làm được gì trong điều kiện khẩn cấp như vậy. Sự nhân nhượng của chúng ta đã vượt quá giới hạn có thể. Ngày 20/12/1946, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi trên cả nước. Kêu gọi cả dân tộc đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do.
Quá trình đấu tranh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam năm 1946 với cuộc hành trình ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trên đất Pháp có ý nghĩa hết sức to lớn. Tuy chưa giải quyết được mục tiêu cơ bản của cuộc đàm phán, nhưng đã làm cho nhân dân Pháp và thế giới hiểu rõ hơn vấn đề Việt Nam và làm cho số đông người Pháp đồng tình, ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Đó là nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong giai đoạn lịch sử mới, một di sản lớn Người để lại cho hành trang dân tộc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét