NHN
Một
trái tim vĩ đại
Cuộc đời trong sáng và sự nghiệp bất
tử của Fidel Castro sẽ sống mãi trong sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của nhân dân
Cuba và các dân tộc đang nỗ lực đấu tranh nhằm xây dựng một thế giới công bằng,
văn minh, dân chủ, phồn vinh và hạnh phúc.
Fidel đã tiếp nối xứng đáng sự
nghiệp cao cả của các Anh hùng Simón Bolívar, José Martí và các vị Anh hùng
tiền bối của Cuba và Mỹ Latinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng
cao đẹp, kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc; đi đầu và
lãnh đạo nhân dân Cuba từ Moncada đến Sierra Maestra, đập tan chế độ độc tài
tay sai đế quốc, đưa đất nước và nhân dân Cuba vào kỷ nguyên độc lập, tự do
thực sự kể từ ngày 1 tháng Giêng năm 1959; không ngừng nâng cao vị thế của cách
mạng, cũng như phẩm giá của nhân dân Cuba trên trường quốc tế; đưa đất nước
Cuba từ đói nghèo, lạc hậu trở thành tấm gương của các nước đang phát triển về
giáo dục, y tế, thể thao - văn hoá, công nghệ sinh học và đặc biệt là tinh thần
quốc tế hào hiệp đối với các dân tộc anh em khác ở Mỹ Latinh, cũng như ở Châu
Phi và Châu Á.
Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam
Từ nhiều thập kỷ qua, trong trái tim mỗi người Việt Nam, Cuba và vị lãnh
tụ Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh
thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam luôn
dành cho nhân dân Cuba, cho vị lãnh tụ Fidel Castro niềm tin yêu, sự khâm phục
và đồng cảm sâu sắc.
Trong lịch sử, Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải
phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12/1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn
kết với Việt Nam (tháng 9/1963), là nước đầu tiên và duy nhất lập Sứ quán bên cạnh
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng
7/1967).
Những năm đó, Cuba khó khăn, đời sống nhân dân gặp nhiều thiếu thốn, có
kẻ ác ý tung tin dân Cuba thiếu đường, thiếu sữa là vì có bao nhiêu Fidel gửi cả
cho Việt Nam. Nhưng trong một cuộc míttinh quần chúng với hàng chục vạn người
tham gia tại thủ đô La Habana, Fidel Castro đã nói: “Đáng tiếc là chúng ta – những
người Cuba – không có đủ đường sữa để gửi cho nhân dân Việt Nam, chứ nếu có,
không những đường sữa mà cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân
Việt Nam.”
Năm 1967 được Cuba đặt tên là “Năm Việt Nam Anh hùng.” Năm 1972, đê điều
ở miền Bắc Việt Nam trở thành mục tiêu phá hoại của đế quốc Mỹ, Cuba đã lấy
ngày 28/8/1972 làm “Ngày đê điều” và phát động chiến dịch tuyên truyền mới tố
cáo tội ác đế quốc. Fidel một lần nữa khẳng định: “Tình đoàn kết của chúng ta,
niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô
điều kiện và tuyệt đối.”
Tháng 9/1973, Fidel là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm
vùng giải phóng miền Nam khi chiến tranh chưa kết thúc, đem đến cho chiến sỹ và
nhân dân Việt Nam lời động viên chiến đấu và lời hứa đóng góp thực hiện mong ước
của Bác Hồ xây dựng Việt Nam 10 lần to đẹp hơn. Hình ảnh vị Tổng Tư lệnh với bộ
quân phục màu xanh ôliu đứng trên nóc một lô cốt cũ của địch, phất cao lá cờ của
Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với đồng bào chiến
sĩ ta lúc đó.
"Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" cũng là
câu nói chí tình, chí nghĩa của Fidel trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên
này. Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,
câu nói ấy đã làm rung động bao trái tim của nhân dân Cuba và nhân dân Việt
Nam, cũng như hàng triệu người có lương tri trên thế giới.
Câu nói đó thực sự phát ra từ trái tim của Fidel và nhân dân Cuba, cùng
với sự giúp đỡ hết lòng của Cuba là một nguồn động viên vô cùng to lớn đối với
nhân dân Việt Nam giữa lúc bom đạn ác liệt, khó khăn đủ bề vì cuộc chiến tranh
kéo dài. Càng quý hơn khi chúng ta biết được lúc đó đất nước Cuba đang chịu sự
cấm vận, cũng khó khăn mà vẫn sẵn lòng giúp chúng ta vô điều kiện với một tình
cảm anh em ruột thịt. Fidel và nhân dân Cuba đã xem cuộc kháng chiến chống Mỹ của
Việt Nam như của chính mình.
Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên này của Fidel đến Việt Nam, Cuba đã
tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng
trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh
viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), Đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba
Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để
mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham
gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên
1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ Đại học và cao học và vận động ủng hộ Việt
Nam gia nhập Liên hợp quốc…. Sự nhường cơm sẻ áo chí tình này thật nghĩa hiệp
và đúng lúc.
Tháng 12/1995 và tháng 2/2003, Fidel Castro
có chuyến thăm lần thứ hai và thứ ba đến Việt Nam. Trong những chuyến thăm này,
tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước Việt Nam-Cuba tiếp tục đạt được
nhiều mốc son mới. Qua những chuyến thăm, chủ tịch Fidel luôn khẳng định, nhân
dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của
nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác
toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.
Phát huy những tình cảm quý báu giữa Đảng và nhân dân hai nước, trong
hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp những biến động của tình hình chính trị thế giới,
tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam-Cuba vẫn không ngừng
được củng cố, trở thành mẫu mực của tình cảm thủy chung, trong sáng, là tài sản
vô giá mà hai Ðảng và nhân dân hai nước luôn giữ gìn, vun đắp.
Fidel Castro đã từ trần ở tuổi 90
vào đêm ngày 25-11 giờ La Habana, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng
nhân dân Cuba và bè bạn quốc tế. Fidel Castro đã về cõi vĩnh hằng, nhưng Fidel
Castro sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng Cuba và của các dân tộc anh em
trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét