Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

“LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN” – NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ ĐỘC ĐÁO MỞ ĐẦU CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CỦA DÂN TỘC

                                                               NHN
       Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã sản sinh ra một văn hóa giữ nước Việt Nam, rồi đến lượt chính văn hóa giữ nước ấy, góp phần quyết định cho lịch sử dựng nước và giữ nước vẫn là dòng chảy liên tục từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, giữ cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn.

       Lúc gặp chiến tranh, thái độ chung của chúng ta luôn là ngăn chặn xung đột vũ trang, tìm mọi cách trì hoãn chiến tranh toàn cục. Đây là thái độ nhất quán xuyên suốt từ thời Lý, qua thời Trần cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Vì  ta là nước nhỏ, dân ít, tiềm lực kinh tế có hạn mà trước mỗi nguy cơ chiến tranh chúng ta luôn tìm mọi cách tránh, tìm mọi cách hòa hoãn có thể cho đến khi không thể tránh được thì quyết đánh và quyết thắng. Đó vừa là nghệ thuật quân sự, vừa là văn hóa giữ nước.
      Tình thế cách mạng Việt Nam những năm 1945 – 1946, khi chúng ta phải đương đầu cùng một lúc với nhiều kẻ thù đòi hỏi những nhà lãnh đạo đất nước phải vô cùng sáng suốt, tìm ra quy luật về phương pháp để chiến thắng kẻ thù hùng mạnh hơn mình. Trong bối cảnh ấy, con thuyền cách mạng Việt Nam vẫn hiên ngang vượt qua dông bão thác ghềnh, thực tiễn đó chính là sự thể hiện quá trình lãnh đạo cách mạng khôn khéo, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa văn hóa đánh giặc, nghệ thuật giữ nước của cha ông ta từ ngàn xưa.
       Với việc phát động Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ngày 19 tháng 12 năm 1946, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng – nghệ thuật mở đầu cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước. Chúng ta biết rằng, nếu trong khởi nghĩa vũ trang, việc tận dụng thời cơ trở thành một khoa học, một nghệ thuật có ý nghĩa quyết định thắng lợi như Cách mạng tháng Mười Nga, Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam, thì trong chiến tranh cách mạng việc quyết định thời điểm bùng nổ và kết thúc chiến tranh cũng trở thành một khoa học và nghệ thuật có ý nghĩa quyết định giành thắng lợi.
       Trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, muốn lợi dụng và tranh thủ được thời cơ, điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị chu đáo về thực lực cách mạng. Những khó khăn chồng chất, thậm chí vận mệnh đất nước rơi vào tình huống như “ngàn cân treo sợi tóc” sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ ra đời, và tình hình so sánh lực lượng giữa ta và thực dân Pháp những năm 1945 – 1946 chưa cho phép Đảng và Nhà nước ta phát động cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước. Để có thể mở đầu cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc, đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị, xây dựng lực lượng. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của thực lực cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, khôn khéo tạo ra thời kỳ tạm thời hòa hoãn để tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị bước vào cuộc chiến tranh lâu dài mà ta biết khó tránh khỏi.
        Muốn tìm kiếm giải pháp hòa hoãn thì cần phải có ít nhất 2 yếu tố: thứ nhất, cả 2 bên chưa đủ sức lực để loại bỏ nhau; tương quan lực lượng khá cân bằng. Thứ hai: phải có sách lược khôn khéo để tạm thời tránh sự hung hãn và hiếu chiến của kẻ thù. Về phía cách mạng Việt Nam, ngày 2 tháng 9 năm 1945 nước VNDCCH non trẻ ra đời với biết bao khó khăn chồng chất của nạn đói, nạn dốt và đặc biệt là nạn ngoại xâm. Lúc này nếu chấp nhận cuộc chiến đấu ngay với thực dân Pháp thì, một mặt chúng ta chưa chuẩn bị được lực lượng, đồng thời có thể cùng một lúc phải chiến đấu với nhiều kẻ thù, điều này vô cùng bất lợi với chúng ta.
       Về phía Pháp, dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta được thể hiện rõ bằng hành động ngày 23 tháng 9 năm 1945, với sự trợ giúp của đế quốc Anh, và Phát xít Nhật, thực dân Pháp đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn rồi sau đó mở rộng ra các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, dù rất hiếu chiến nhưng thời điểm này thực dân Pháp vẫn chưa đủ sức mở rộng chiến tranh quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thực dân Pháp đánh giá phải đến tháng 1 năm 1947 mới đủ sức tiến hành cuộc chiến tranh trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
      Có thể thấy, cục diện những năm 1945 – 1946 cả ta và Pháp đều chưa đủ lực lượng có thể áp đảo đối phương. Điều đó dẫn đến tình thế tạm thời hòa hoãn. Nhưng muốn duy trì được tình thế hòa hoãn đòi hỏi chúng ta phải có sách lược khôn khéo, mềm dẻo để tránh sự đụng độ có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi sự hiếu chiến cùng dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Lúc này thời gian chính là lực lượng, ai tranh thủ tận dụng tốt thời gian để chuẩn bị, củng cố lực lượng người đó sẽ giành chiến thắng. Trong cuộc chạy đua với thời gian này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ bản lĩnh, tài năng, trí tuệ của mình, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vô vàn khó khăn, cùng một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù hùng mạnh…những kẻ thù ấy tuy có mưu đồ riêng, nhưng đều tập chung vào việc lật đổ, tiêu diệt chính quyền non trẻ của ta. Hơn lúc nào hết, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cần tỉnh táo, sáng suốt tìm ra phương sách đối phó thích hợp. Việc quan trọng hàng đầu có ý nghĩa chiến lược lúc này là phải xác định đúng kẻ thù chính để có sách lược phân hóa nhằm từng bước loại bỏ những kẻ thù của cách mạng.  
      Phân tích tình thế cách mạng, từ trước khi diễn ra Tổng khởi nghĩa Tháng tám, Đảng ta đã nhận định: sự mâu thuẫn giữa Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô có thể làm cho Anh, Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương. Từ đó, Đảng ta xác định kẻ thù chính, trước mắt là thực dân Pháp, phải tập chung ngọn lửa đấu tranh vào chúng, đồng thời tìm mọi cách tạm thời hòa hoãn để loại bỏ những kẻ thù khác và tập chung xây dựng thực lực chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài mà ta biết sẽ không thể tránh khỏi, nhưng chấp nhận chiến đấu vào thời điểm nào lại do tài năng, sự sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
       Cũng cần nói thêm rằng, ngay tại Quốc dân đại hội Tân Trào trước Tổng khởi nghĩa, một số đại biểu đã bày tỏ nguyện vọng muốn chiến đấu ngay chống lại những hành động khiêu khích và xâm lược của thực dân Pháp. Tuy nhiên trong điều kiện đất nước đầy rẫy thù trong, giặc ngoài và ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải triệt để thực hiện chủ trương tìm kiếm bạn “đồng minh” ngay từ trong hàng ngũ kẻ thù, dù rằng “đồng minh” đó là tạm thời, bấp bênh và có điều kiện, đồng thời tìm cách phân hóa nội bộ kẻ thù, tập chung mũi nhọn vào kẻ thù chính và nguy hiểm nhất.
      Những ngày trước và sau khi nhân dân ta giành được chính quyền, chúng ta đã tìm kiếm cơ hội sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ với mục đích Việt Nam có một vị trí trong phe đồng minh chống phát xít, tạo ra thế hợp pháp về mặt quốc tế cho chính quyền cách mạng và triệt để phân hóa hàng ngũ của chủ nghĩa đế quốc, nhất là những người Mỹ đang có mặt ở Việt Nam thời điểm ấy. Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện cho Tổng thống, Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên hiệp quốc đề nghị ủng hộ và công nhận nền độc lập của dân tộc ta. Những hoạt động đó đã mang lại kết quả dù khiêm tốn, thiếu tá L.A Patti đứng đầu nhóm OSS (Office of Strategie Srvices - tổ chức tình báo và thông tin chiến lược Mỹ) đang hoạt động ở Việt Nam lúc bấy giờ, đã có những cố gắng nhất định tạo cầu nối ngoại giao giữa chính phủ Hồ Chí Minh với nước Mỹ, khước từ mọi sự mua chuộc và thúc ép của thực dân Pháp hòng ủng hộ chúng trở lại xâm lược Việt Nam. Về khách quan, thái độ của người Mỹ lúc bấy giờ đã tác động nhất định làm chậm bước tiến xâm lược trở lại của thực dân Pháp với Việt Nam.
      Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự kiến trước, mâu thuẫn giữa Mỹ, Anh, Pháp chỉ là tạm thời. Trước sau do quyền lợi của chủ nghĩa đế quốc, chúng cũng đi tới việc dàn xếp để thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương.
      Ngày 5 tháng 10 năm 1946 Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã gửi cho sứ quán của họ tại Trung Quốc phản ánh thái độ của Mỹ: không phản đối mà cũng không ủng hộ việc thiết lập nền cai trị của người Pháp ở Đông Dương. Từ thái độ lập lờ, quanh co, người Mỹ đã dần dần ngả hẳn sang việc ủng hộ và giúp đỡ thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Đến ngày 5 tháng 12 năm 1946, khi một quan chức người Mỹ tên là Moffat tới Đông Dương thì Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã điện chỉ thị cho ông ta là trong trường hợp có thể gặp gỡ Hồ Chí Minh thì: “Phải luôn luôn nhớ rằng ông Hồ Chí Minh là một tay sai của Quốc tế cộng sản”[1]. Như vậy, cho đến cuối năm 1946, đầu năm 1947 những cố gắng ngoại giao nhằm tìm kiếm, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế, trước hết là đối với Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đây cơ bản chấm dứt.
       Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã biết rõ, trước sau thực dân Pháp sẽ quay trở lại xâm lược nước ta, những hoạt động ngoại giao với Mỹ có tác động nhất định góp phần vào việc tránh đụng độ ngay với thực dân Pháp nhằm tạo thời gian hòa hoãn cho việc chuẩn bị thực lực của nhân dân ta.
      Như đã trình bày ở trên, nếu chúng ta chấp nhận cuộc chiến đấu sớm hơn mốc 19 tháng 12 năm 1946 thì tình thế sẽ vô cùng bất lợi cho ta, nhưng nếu kéo dài thêm thời gian hơn nữa thì chính chúng ta cũng lâm vào thế bị động. Thời điểm cuối tháng 12 năm 1946, đầu tháng 1 năm 1947 tình thế tạm thời hòa hoãn chỉ còn tính từng ngày. Hơn thế nữa, vào tháng 12 năm 1946 thực dân Pháp chưa muốn tiến hành chiến tranh trên quy mô lớn. Chúng vẫn đang chờ viện binh từ Pháp sang với ý đồ dùng một lực lượng lớn, có ưu thế tuyệt đối áp đảo ta, hòng thực hiện ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” (Theo kế hoạch của Chính phủ Pháp, cuối tháng 1 năm 1947, chúng sẽ gửi sang Đông Dương 14 tiểu đoàn). Trong điều kiện đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ngày 19 tháng 12 năm 1946 làm thời điểm quyết định cuộc kháng chiến trên toàn quốc là đúng lúc, không quá sớm, cũng không quá muộn.
       Diễn biến tình hình từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến cuối năm 1946 cho thấy, chúng ta đã chủ động tạo ra tình thế hòa hoãn, và đến nay lại hoàn toàn chủ động bước vào cuộc chiến tranh. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chủ động mở đầu cuộc chiến tranh đúng lúc vừa tạo ra được thắng lợi lớn, vừa tạo đà sức mạnh, tâm thế cho cuộc chiến tranh ở những giai đoạn tiếp theo, còn mở đầu không đúng lúc thì có thể sẽ dẫn tới những bất lợi rất lớn.
Có thể nói, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946 đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ mở đầu đúng lúc, chúng ta đã biến bị động thành chủ động, đã giành được những thắng lợi lớn trong thời gian đầu toàn quốc kháng chiến, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch hai tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Những thắng lợi ban đầu ở Thủ đô và các đô thị khác đã chứng minh một cách sinh động việc chọn thời điểm ngày 19 tháng 12 năm 1946 mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc là hoàn toàn chính xác, đúng lúc và kịp thời. Mặt khác, cuộc  chiến đấu của quân và dân ta ngay giữa lòng thủ đô cùng các đô thị trong những tuần đầu, tháng đầu toàn quốc kháng chiến là một nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, nghệ thuật mở đầu cuộc kháng chiến của Đảng ta và Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Bài học đó đã được vận dụng sáng tạo trong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để dẫn tới Mùa xuân đại thắng 1975.
70 năm đã trôi qua, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn là lời hiệu triệu toàn dân tộc phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, kết nối truyền thống với hiện tại trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay.


[1] L.A. Patti: Tại sao Việt Nam, NXB Đà Nẵng, 1995, tr 382.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét