NHN
Chưa bao giờ cụm từ “khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều như những ngày gần
đây. Nó như một sự thôi thúc hành động từ nhu cầu thực tiễn. Năm 2016 cũng đã
được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Đó chính là những tín hiệu tốt
đẹp như những cánh én báo mùa xuân về.
Điểm cốt yếu khi nói đến tinh thần quốc
gia khởi nghiệp và doanh nghiệp hay cá nhân khởi nghiệp là nói đến tư duy sáng
tạo, sáng tạo không ngừng nghỉ của cả một quốc gia dân tộc, cũng như của từng
doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp. Năng lượng sáng tạo liên tục với một ý chí
quật cường chính là một trong những động lực quan trọng để quốc gia, dân tộc,
doanh nghiệp, mỗi cá nhân phát triển mạnh mẽ nếu không muốn “tụt hậu” lại phía
sau.
Quốc gia khởi nghiệp: Tại sao không?
Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại
hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, chiếm gần 97% trong
tổng số doanh nghiệp của cả nước, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp
hơn 40% GDP… Số tiền thuế và phí mà các doanh nghiệp này đã nộp cho Nhà nước đã
tăng 18,4 lần sau 10 năm. Những con số trên đã khẳng định tầm quan trọng và giá
trị mà các doanh nghiệp dân doanh mang lại. Tuy nhiên, theo một thống kê bỏ túi
từ 100 người đã khởi nghiệp trong 02 năm trở lại đây thì 80% đứng trước nguy cơ
giải thể trong năm đầu tiên hoạt động. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc
thiếu vốn (chiếm 40%); thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp vừa
và nhỏ (chiếm 50%), thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh
(chiếm 30%). Rõ ràng, Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ doanh
nhân ngày càng trẻ hơn về tuổi đời. Họ tự tin, quyết liệt, mạnh mẽ để tự tạo ra
việc làm cho bản thân mình và cho nhiều người khác. Dù vậy, để doanh nhân trẻ
khởi nghiệp thành công, họ rất cần sự đồng hành của rất nhiều tổ chức và cá nhân.
Bên
cạnh đó, trong vòng khoảng 4 năm trở lại đây, một “dòng chảy” khởi nghiệp mới
đã thực sự xuất hiện và ghi dấu ấn đậm nét tại Việt Nam. Bất chấp những khó
khăn, thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đứng trong top 3 thị trường khởi
nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Indonesia.
Điều này chứng tỏ thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang có sức sống và tiềm năng
phát triển.
Đó
không chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu kêu gọi suông, hay chỉ là một động thái đi
theo trào lưu đang rất mốt trên thế giới hiện nay. Trên thực tế, số quốc gia có
thể được xem như thành công trong việc trở thành một quốc gia khởi nghiệp trên
thế giới không có nhiều, mà Israel là một ví dụ điển hình. Chỉ với một số dân ít
ỏi là 8 triệu người, nhưng Israel lại đang là một nền kinh tế cực kỳ phát triển
với cốt lõi là thực hiện thành công mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp của
mình.
Mùa xuân cho tinh thần quốc gia khởi
nghiệp
Nói đến Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận
định, chưa lúc nào mà đất nước chúng ta có vận hội phát triển lớn như thời gian
gần đây. Đến nay, đã có gần 50 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền
kinh tế thị trường, trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định
khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần đã được ký
kết.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
được ký kết vào đầu năm 2016 cũng đã mở ra cơ hội vô cùng to lớn cho đất nước
phát triển.
Đại hội Đảng lần thứ 12 thành công tốt
đẹp, khẳng định đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh
tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp
theo hướng hiện đại. Những cơ hội mới, vận hội mới này chính là cánh én mùa
xuân cho doanh nghiệp khởi nghiệp và tinh thần quốc gia khởi nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét