NHN
Từ năm
1986, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Khác với các nước Đông Âu và
Liên Xô, ở Việt Nam nhu cầu đổi mới các chính sách xuất phát từ chính lĩnh vực
kinh tế, chứ không phải là hệ quả của những biến động chính trị.
Đổi mới ở Việt Nam diễn ra trong bối
cảnh quốc tế có nhiều biến đổi lớn lao, hầu như tất cả các nước đều có sự điều
chỉnh chính sách của mình. Những kinh nghiệm cải cách của các nước cũng là sự
gợi mở cho Việt Nam trong sự nghiệp tìm tòi con đường đổi mới. Vì vậy, những
quan điểm đổi mới của Việt Nam được hình thành không chỉ đúc kết kinh nghiệm
của nước mình mà còn từ những kinh nghiệm thành công và không thành công của
các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Đổi mới ở Việt Nam
là quá trình thử nghiệm, trong quá trình này cái mới và cái cũ xen kẽ nhau, cái
cũ không mất đi ngay mà lùi dần, có lúc, có nơi còn chiếm ưu thế hơn cái mới,
nhưng xu hướng chung là cái mới dần dần được khẳng định và đưa tới thành công.
Điểm nổi bật của công cuộc đổi mới ở
Việt Nam là luôn luôn lấy sự ổn định chính trị - xã hội làm tiền đề, làm điều
kiện tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới, phát triển và chính sự phát triển đó sẽ
tạo ra sự ổn định mới vững chắc hơn.
Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt
Nam đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay Việt
Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm mục tiêu đến năm
2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Một đặc điểm khác đáng chú ý nữa là sự
nghiệp đổi mới ở Việt Nam đã xác định đổi mới kinh tế là trọng tâm, trước hết
phải đổi mới tư duy về kinh tế. Nhờ định hướng đúng đắn mà những yêu cầu cấp
thiết của nhân dân ta về sản xuất và đời sống được giải quyết, đem lại sự tin
tưởng của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, tự nó trở thành động lực thúc đẩy
công cuộc đổi mới giành nhiều thắng lợi. Song song với đổi mới kinh tế,
từng bước đổi mới về chính trị, xã hội, văn hóa với mục tiêu phát huy quyền làm
chủ thực sự của nhân dân, xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn
bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Khoa học - công
nghệ cùng với giáo dục - đào tạo được Nhà nước hết sức chăm lo. Nhà nước coi chính sách phát
triển khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhờ vậy, trong
những năm vừa qua, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo
đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2000, Việt Nam đã hoàn
thành phổ cập giáo dục tiểu học, hiện nay chương trình đào tạo sau đại học với
hai học vị thạc sĩ và tiến sĩ đang được thực hiện ở hầu hết các ngành học thuộc
khoa học tự nhiên và công nghệ cũng như khoa học xã hội và nhân văn.
Trong lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam thực
hiện chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa,
đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.
Trên cơ sở đường lối đó, Việt Nam đã kiên trì phấn đấu đẩy lùi và làm thất bại
chính sách bao vây cấm vận, cô lập Việt Nam của các thế lực thù địch, tạo được
môi trường quốc tế, khu vực thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đổi mới ở Việt Nam đã kết hợp được nội
lực và ngoại lực. Tháng 12-1987, Việt Nam đã ban hành Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ thời
gian ấy đến nay, đất nước ta đã thu được hàng chục tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài
với hàng nghìn dự án, trong số đó đã thực hiện khoảng 21 tỷ USD. Có thể nói
rằng, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ một vị trí quan trọng trong nền
kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, Việt Nam còn tranh thủ được nguồn
viện trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng cao.
Những thành tựu đổi mới trên bắt nguồn
từ đổi mới tư duy. Việc đổi mới tư duy mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI
(12-1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra rất khái quát, nhưng hết sức cơ bản
và có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới về sau. Khi công cuộc đổi
mới được triển khai và đi vào chiều sâu thì đổi mới tư duy càng được đẩy mạnh.
Bất cứ một sự ngưng trệ nào trong tư duy cũng đều làm ngưng trệ sự đổi mới trên
tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực tiễn đổi mới về kinh tế, chính
trị, xã hội vừa là kết quả đổi mới tư duy, lại vừa đặt ra những yêu cầu mới cho
việc tiếp tục đổi mới tư duy ở trình độ cao hơn.
Ở Việt Nam, đổi mới không phải là từ bỏ mục
tiêu chủ nghĩa xã hội, mà làm cho chủ nghĩa xã hội đi tới thắng lợi. Đổi mới
không phải là phủ định quá khứ mà khẳng định những gì hiểu đúng, làm đúng, loại
bỏ những gì hiểu sai, làm sai, bổ sung những nhận thức mới, đáp ứng yêu cầu của
tình hình nhiệm vụ mới.
Thành
tựu đổi mới ở Việt Nam đã được thể hiện rõ nét trên một số vấn đề sau:
Thứ nhất,
chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung chỉ có hai thành phần
kinh tế (nhà nước và tập thể) sang mô hình mới - kinh tế hàng hóa nhiều thành
phần (nhà nước, tập thể, cá thể tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, có
vốn đầu tư nước ngoài), trong đó kinh tế nhà nước giữ vai
trò chủ đạo trong sự thống nhất biện chứng với tính đa dạng các hình thức sở
hữu, đa dạng các hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và
hiệu quả kinh tế là chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất.
Thứ hai, từ mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung
chuyển sang mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Điểm nổi bật trong
đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp,
hình thành tương đối đồng bộ cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo
định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba,
đổi mới hệ thống chính trị từ chế độ tập trung quan liêu, với phương thức quản
lý kinh tế hành chính mệnh lệnh sang dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã
hội, thực hiện dân chủ gắn liền với tôn trọng luật pháp, kỷ cương xã hội, phát
huy quyền làm chủ của nhân dân. Đổi mới trong lĩnh vực này đã góp phần quan
trọng vào việc tháo gỡ những lực cản đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển
văn hóa xã hội, nảy sinh ra những nhân tố mới, động lực mới, thúc đẩy công cuộc
đổi mới ở Việt Nam giành được nhiều thành quả.
Hệ thống chính trị ở Việt Nam
gồm ba phần cấu thành: Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Nói
đổi mới hệ thống chính trị thực chất là đổi mới tổ chức, cán bộ và phương thức
hoạt động của các tổ chức chính trị đó. Cụ thể là:
- Đảng Cộng sản Việt Nam “lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ
phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của
nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính
trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức
nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết
thống nhất trong Đảng... Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống
chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái”1.
- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì
dân. Nhà nước thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, định ra pháp
luật, tổ chức quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, kế hoạch và các
chính sách cụ thể. Lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân,
nhờ vậy đã có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và chống tệ nạn quan
liêu, tham nhũng, lộng quyền, vô trách nhiệm, xâm phạm quyền và lợi ích của
nhân dân.
- Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức
chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu
biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và
người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Công cuộc
đổi mới đã tạo ra bầu không khí dân chủ và cởi mở trong xã hội, đã thiết lập
được các cơ chế và chính sách để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Tất cả
những điều vừa trình bày trên đây đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn
định chính trị - xã hội, tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
Thành tựu này được các nước trong khu vực cũng như các đối tác có quan hệ với
Việt Nam thừa nhận và xem đây là một thuận lợi trong xu thế hội nhập tế quốc tế
toàn diện của Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét