NHN
50 năm trước,
ngày 8/8/1967, trên cơ sở Tuyên bố Bangkok, 5 quốc gia Indonesia, Malaysia,
Philippines, Singapore và Thái Lan đã đặt những viên gạch đầu tiên cho
"mái nhà chung" - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN với tư cách
là những thành viên ban đầu.
Với xu thế phát
triển ưu việt của mình, đến năm 1999, ASEAN đã nhanh chóng hội tụ đủ 10 thành
viên sau khi lần lượt kết nạp thêm Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia,
trong đó Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995. Những thập niên 80, 90 của thế
kỷ trước, ASEAN được đánh giá là mô hình tổ chức hợp tác khu vực điển hình, là
khu vực ổn định nhất về chính trị, năng động nhất về kinh tế.
Sau 50 năm phát
triển với không ít thăng trầm và thách thức, ngày nay, ASEAN được thế giới nhìn
nhận như một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị - kinh
tế gắn kết và năng động góp phần thúc đẩy quá trình kết nối toàn cầu. ASEAN đã
tạo lập được vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái
Bình Dương với sức mạnh của tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa - xã
hội.
Một trong những
yếu tố tạo dựng nên hình ảnh và vị thế ngày nay của ASEAN chính là tinh thần
đoàn kết, đề cao đồng thuận, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, cùng quan tâm và kết
hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng. Đó là những nguyên tắc
nền tảng của ASEAN, cũng chính là chìa khóa tạo nên uy tín và mức độ tin cậy
của ASEAN ngày nay.
Nói đến những
thành công trong nửa thế kỷ qua của ASEAN, trước hết phải kể đến ASEAN là nhân
tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp
tác vì phát triển ở khu vực.
Vai trò quan
trọng này được thể hiện sinh động qua nỗ lực to lớn của ASEAN trong việc đẩy
mạnh hợp tác chính trị - an ninh và xây dựng các quy tắc ứng xử, thông qua đó
tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, ngăn ngừa xung đột giữa các quốc gia
ở khu vực.
ASEAN cũng đồng
thời tạo dựng được quan hệ hợp tác nhiều mặt với những đối tác quan trọng trên
thế giới, khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong một số khuôn khổ
hợp tác khu vực, nhất là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) – cơ chế khu vực duy nhất
để đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh ở châu Á - Thái Bình
Dương.
Thông qua đó, ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác quan
trọng ngoài khu vực Đông Nam Á tham gia và đóng góp xây dựng vào việc xử lý
những thách thức an ninh chung, góp phần củng cố hòa bình và an ninh ở khu vực.
Có thể dễ dàng
nhận thấy, ngày nay nhiều cường quốc lớn trên thế giới đã quan tâm đặc biệt đến
khu vực Đông Nam Á, tạo nên dòng chuyển dịch địa-chính trị mà ASEAN nằm ở vị
trí trung tâm của khu vực đang định hình. Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC)
do ASEAN khởi xướng năm 1976, đến nay đã có tới 35 quốc gia ngoài khu vực ASEAN
tham gia.
Hiệp ước chính là nền tảng để ASEAN và các nước cùng nỗ lực
thúc đẩy hòa bình và ổn định cho khu vực thông qua cơ chế đối thoại, sự tôn
trọng và hợp tác giữa các thể chế.
ASEAN có vai trò
động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á, nhất
là về kinh tế - thương mại, thể hiện bằng việc khởi xướng và làm nòng cốt tạo
dựng khuôn khổ phù hợp để thúc đẩy hợp tác Đông Á thông qua các cơ chế ASEAN và
các đối tác, Cấp cao Đông Á (EAS)…
Tăng trưởng kinh
tế là một trong những thành công của ASEAN, góp phần tăng thu nhập và sự thịnh
vượng của các quốc gia thành viên, đồng thời khiến ASEAN đã và đang trở thành
một trong những động lực tăng trưởng toàn cầu. Kinh tế toàn khối tăng trưởng
trung bình khoảng 5%/năm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp,
kinh tế ASEAN vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5%/năm trong thập
kỷ tới, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của thế giới.
Một dấu mốc quan
trọng trong quá trình phát triển của ASEAN là sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào
thời điểm 31/12/2015 với 3 trụ cột gồm Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã
hội. ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới vững vàng hơn, được nâng cao cả về
hình thức và cấp độ hợp tác, là sự chuẩn bị nền tảng và khuôn khổ cho ASEAN xây
dựng thành công một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế
và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội. Sau hơn 1 năm từ khi hình thành Cộng đồng,
ASEAN đã triển khai các biện pháp trong lộ trình tiếp tục xây dựng và củng cố
cộng đồng trên cả ba trụ cột, đồng thời thông qua và đi vào triển khai Kế hoạch
tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025 cũng như các kế hoạch hành động giai
đoạn 3 về sáng kiến hội nhập ASEAN.
Tuy nhiên, bối
cảnh thế giới có những sự chuyển biến không ngừng hiện nay cũng đặt ra cho
ASEAN những thách thức cả bên trong và bên ngoài, trong đó một trong những
thách thức lớn nhất là tình hình phức tạp ở Biển Đông cùng sự gia tăng các hoạt
động khủng bố và tư tưởng cực đoan ở khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt
là việc tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang chuyển
dần hoạt động sang khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, trong
bối cảnh ASEAN sẽ mở rộng quan hệ đối ngoại để đóng một vai trò lớn hơn tại các
diễn đàn khu vực, thì nhiều đối tác chính và quan trọng của ASEAN đang trở lại
hoặc trỗi dậy tư tưởng dân tộc cực đoan cũng như chủ nghĩa dân túy. Điều này
cũng đòi hỏi ASEAN phải có những nỗ lực để đa dạng hóa quan hệ đối ngoại cũng
như quan hệ kinh tế đối ngoại…
Thách thức của ASEAN:
Mặc dù đã đạt được những thành công to lớn nhưng trên con đường phát
triển của mình, các nước thành viên và tổ chức ASEAN nói chung còn tồn tại
nhiều vấn đề cần khắc phục. Chính những thách thức đó, nếu không được giải
quyết ổn thoả sẽ là nguyên nhân đe doạ tới hoà bình, an ninh và ổn định của
Hiệp hội nói riêng và của khu vực nói chung.
Thứ nhất, là quan hệ giữa
ASEAN và Trung Quốc, mặc dù đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm cách
giải quyết cho vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nhưng vấn đề biển Đông
vẫn là một ngòi nổ tiềm ẩn nguy cơ xung đột đe doạ hoà bình an ninh của khu
vực. Hiện nay, mỗi nước đều muốn tranh thủ hoà bình để tập trung phát triển
kinh tế, xã hội trong nước, nhưng do có vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên
phong phú... nên biển Đông vẫn là một vấn đề rất nhạy cảm và luôn là điều đáng
lo ngại trong tương lai không dễ giải quyết.
Thứ hai, quan hệ giữa
ASEAN và Mỹ cũng tồn tại nhiều bất đồng. Khi ASEAN quyết định kết nạp Mianma
vào tổ chức, đã gặp phải sự phản đối của nhiều nước phương Tây đặc biệt là Mỹ
bởi quan niệm cho rằng Mianma là nước vi phạm nhân quyền lớn nhất thế giới: Vấn
đề ma tuý. Trong mối quan hệ này, Mỹ luôn giương cao chiêu bài “dân chủ”, “tự do” và “nhân quyền”...
để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Đông Nam Á. Có thể nói vấn đề
nhân quyền là một trong những vấn đề thể hiện rõ rệt nhất sự bất đồng giữa
ASEAN và Mỹ. Để thực hiện mục đích của mình, chính sách của Mỹ là tập trung vào
các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép đối với các nước châu Á, đặc biệt là
Đông Nam Á. Mỹ luôn tự cho mình phải có “sứ
mệnh”, bảo vệ nền dân chủ của nước khác.
Thứ ba, là những vấn đề
nảy sinh từ cơ chế hoạt động và các nguyên tắc hoạt động của ASEAN. Một số
nguyên tắc cơ bản vốn được coi là nguyên tắc ra quyết định của ASEAN như nguyên
tắc “đồng thuận”, nguyên tắc “không can thiệp” đã bị thách thức. Cuộc
khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực, sự kiện Đông Timo tách ra thành một nước
độc lập từ In đô nê xi a... cộng với sự liên kết kinh tế trong khu vực đang
tăng lên làm tăng sự tuỳ thuộc lẫn nhau, đã biến một số vấn đề tưởng chừng như
của một nước thành vấn đề liên quan chung đến khu vực, khiến cho các nước phải
đặt câu hỏi liệu ASEAN có nên thay đổi nguyên tắc “không can thiệp” bằng nguyên tắc “can thiệp linh hoạt”?. Bên cạnh đó là việc thực hiện nguyên tắc “đồng thuận” bởi nhiều người cho rằng để
đi đến sự “đồng thuận” thì nó đòi hỏi
phải mất nhiều thời gian và đương nhiên nó sẽ kìm hãm, làm chậm lại quá trình
phát triển của ASEAN.
Thứ tư, là những bất
cập của Diễn đàn khu vực ARF. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) thành lập năm 1994
là một thắng lợi của các nước ASEAN. Uy tín của nó được thể hiện ở chỗ nó đã
thu hút được sự quan tâm của nhiều nước
lớn trong khu vực tham gia Diễn đàn này. tuy nhiên, ARF là một Diễn đàn không
có cơ chế bắt buộc. Hơn nữa có những vấn đề an ninh chỉ ngay trong khu vực Đông
Á thôi mà ASEAN cũng không đề cập tới, điển hình là Hội nghị cấp cao ASEAN lần
thứ 30 họp tại Cam Pu Chia đã không đưa ra được tuyên bố chung vì những bất
đồng về vấn đề Biển Đông. Nếu ở thời kỳ “chiến
tranh lạnh, lúc đó ASEAN chỉ là hành khách của cỗ xe an ninh ở châu Á - Thái
Bình Dương, còn người lái là các nước lớn”, thì “ngày nay cỗ xe an ninh là do ASEAN ở vị trí cầm lái”. Thế nhưng ARF
mới chỉ nhằm giữ gìn an ninh ở khu vực thông qua các biện pháp xây dựng lòng
tin... Vì vậy, giờ đây, ARF cần phải trở thành một cơ chế bảo đảm sự ổn định,
thực hiện ngoại giao phòng ngừa và thúc đẩy giải quyết xung đột bằng biện pháp
hoà bình. Cùng với xu thế tăng cường hợp tác an ninh song phương giữa các nước
trong khu vực, thì hợp tác an ninh đa phương cũng được đẩy mạnh dưới hình thức
Diễn đàn an ninh ASEAN (ARF). ARF được thành lập do sáng kiến của ASEAN với mục
đích là trao đổi các vấn đề an ninh khu vực trên cơ sở hiểu biết và tăng cường
sự tin cậy lẫn nhau. Đến nay đã trải qua 23 năm tồn tại và phát triển nhưng ARF
vẫn chỉ là Diễn đàn để đối thoại, bảy tỏ quan điểm khác nhau của mình, bàn bạc
việc hợp tác và hỗ trợ cho việc giải quyết các vấn đề an ninh chính trị của khu
vực. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ như hiện nay rất có thể sẽ gây nên sự thất vọng
cho một số nước luôn chỉ trích tiến độ chậm chạp của Diễn đàn, đặc biệt là Mỹ,
Australia, Canada và EU. Sự đa dạng về
thành viên tham gia và tính phức tạp, nhạy cảm của vấn đề an ninh chính trị đã
tạo ra sự khác nhau lớn trong nhận thức về mói đe doạ đối với an ninh khu vực
châu Á - Thái Bình Dương. Với sự đa dạng đó sẽ có nguy cơ làm lu mờ vai trò của
ASEAN động lực chính của Diễn đàn.
Như vậy, để thực hiện mục tiêu xây dựng một ASEAN hoà bình, ổn định và
phát triển bền vững trong thế kỷ XXI và tầm nhìn ASEAN 2020 là xây dựng “một nhóm hài hoà các dân tộc Đông Nam Á
hướng ra bên ngoài sống trong hoà bình, ổn định và thịnh vượng, gắn bó với nhau
bằng quan hệ đối tác trong phát triển năng động và trong một cộng đồng các xã
hội đùm bọc lẫn nhau” thì ASEAN sẽ
phải giải quyết rát nhiều thách thức. Hợp tác an ninh chính trị trong ASEAN ở
thế kỷ XXI, cũng như vị trí, vai trò của Hiệp hội đối với khu vực nói riêng và
châu Á - Thái Bình Dương nói chung sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ASEAN xử lý và vượt qua những
thách thức đó.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, hơn
bao giờ hết, ASEAN đang tăng cường hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực
chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa..., xây dựng lòng tin chiến lược, nhằm
đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh ổn định trong khu vực và trên thế giới,
đồng thời củng cố, nâng cao vị thế của một tổ chức hợp tác khu vực gắn kết,
năng động và thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét