Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

QUÁ TRÌNH TIẾP THU, VIỆT HÓA YẾU TỐ VĂN HOÁ PHƯƠNG BẮC TRONG LỊCH SỬ

                                                       NHN
Năm 210 tcn Tần Thuỷ Hoàng chết, con là Tần Nhị Thế lên thay, đế chế Tần suy yếu dần. Những quận mới lập được ở phía Nam Trung Quốc, trên thực tế, thoát dần khỏi sự quản lý và kiểm soát của chính quyền nhà Tần. Lợi dụng cơ hội đó, Nhâm Ngao và Triệu Đà chiếm Nam Hải, xây dựng một vương quốc riêng chống lại nhà Tần. Nhâm Ngao chết, Triệu Đà thay thế đã thực hiện mưu đồ cát cứ.


Năm 206 tcn, nhà Tần đổ, Triệu Đà nhân đó ly khai thành lập nước Nam Việt, tự xưng là Việt Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung. Từ đó Nam Việt của nhà Triệu chính thức ra đời, Triệu Đà lập nước Nam Việt tiến hành xâm lược Âu Lạc, sau nhiều lần thất bại phải dùng kế hôn nhân. Trọng Thuỷ nắm được các bí mật quân sự, dùng tiền mua chuộc các lạc tướng, lạc hầu, ly gián nội bộ Âu Lạc. An Dương Vương mất cảnh giác nên thất bại. Năm 179 tcn Âu Lạc rơi vào tay đô hộ của Triệu Đà.
Cuộc kháng chiến chống Triệu thất bại không những làm cơ đồ Âu Lạc bị chìm đắm, mà còn đưa đất nước vào thảm hoạ nghìn năm Bắc thuộc - thời kỳ đen tối đầy đau thương, uất hận trong lịch sử Việt Nam kéo dài hơn 1000 năm.
Sau nhà Triệu dân tộc ta lần lượt bị các triều đại phong kiến phương Bắc như Hán, Ngô, Tấn, Tống, Lương, Trần, Tuỳ, Đường. Các triều đại phong kiến phương Bắc thi hành các chính sách nhất quán để cai trị đất nước ta với âm mưu biến nước ta thành quận, huyện sát nhập nước ta vào lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng nguy hiểm hơn đó là chính sách đồng hoá dân tộc ta. Để thực hiện chính sách này các triều đại phong kiến Trung Quốc đã đưa Nho giáo chữ Hán, tiếng Hán, văn hoá Hán… vào nước ta một cách cưỡng bức để bắt nhân dân ta thay đổi phong tục tập quán theo người Hán và trở thành người Hán.
Tiếng Hán và chữ Hán cũng được chính quyền đô hộ phổ biến ở Giao Châu làm công cụ thực hiện chính sách đồng hoá người Việt thành người Hán. Song kết cục hơn 1000 năm, nó cũng không thể tiêu diệt được tiếng nói dân tộc Việt, bởi lẽ chỉ có một bộ phận thuộc tầng lớp trên học nó, còn nhân dân lao động trong các làng xã Việt cổ vẫn duy trì tiếng nói của tổ tiên mình.
Tuy nhiên, dưới ách thống trị lâu năm của phương Bắc, trong cuộc sống đã xảy ra những biến đổi về vật chất và tinh thần, đã nảy sinh những nhu cầu mới. Cho nên tiếng Việt cũng phải biến đổi và phát triển. Trải qua nhiều thế kỷ, tiếng Việt phát triển khác xa với trạng thái ban đầu của nó. Nó đã hấp thu nhiều yếu tố ngôn ngữ Hán. Tiếng Việt có nhiều từ gốc Hán. Người ta thấy những từ gốc Hán ngay cả trong vốn từ vị cơ bản và trong các hư từ. Nhưng nhân dân ta đã hấp thu ảnh hưởng Hán ngữ một cách độc đáo, sáng tạo, đã việt hoá những từ ngữ ấy bằng cách dùng, cách đọc, tạo thành một lớp từ mới mà sau này ta gọi là từ Hán Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng trở lên phong phú.
Từ thời Hùng Vương đã có một nền phong hoá riêng của người Việt cổ tuy còn giản dị, chất phác. Bọn đô hộ cố sức đưa vào xã hội Việt cổ nhiều thứ lễ giáo Trung Hoa (chủ yếu lễ giáo của đạo Nho). Ví như Tích Quang, Nhâm Diêm bắt người Việt phải theo lễ nghĩa Trung Quốc từ cách ăn mặc, lấy vợ, lấy chồng, chế tạo mũ giầy, đến ma chay... Những cái đó cũng ảnh hưởng nhất định đến văn hoá Việt Nam, đó là điều không tránh khỏi. Và nhân dân ta có khả năng thích ứng vô hạn với mọi loại tình thế trong khi những truyền thống dân tộc và dân gian của nền văn hoá Việt Nam vẫn được giữ gìn và phát triển.
Nếu một mặt lễ giáo Trung Hoa ít nhiều đã tăng cường áp chế trong gia đình và củng cố chế độ phụ quyền (từ đầu công nguyên trở về trước tính chất phụ quyền trong gia đình Việt cổ còn mờ nhạt) thì mặt khác nó không thể ngăn cản được sự củng cố ở một mức nhất định những truyền thống tích cực của xã hội làng xóm của ta, ví như lòng tôn kính, biết ơn với cha mẹ, tổ tiên và bất chấp sự ngăn chặn, cấm đoán của bọn đô hộ, các đền thờ vua Hùng, vua Thục, Tản Viên, Hai Bà Trưng và các nữ tướng, Bà Triệu… vẫn được nhân dân ta xây dựng. Nét đặc biệt, là lòng tôn trọng phụ nữ của văn hoá Việt Nam. Lễ giáo Trung Hoa có đặc trưng là sự khinh miệt phụ nữ, cố sức thắt chật họ vào cỗ xe “Tam tòng, tứ đức” nhưng vẫn không ngăn cản được truyền thống dũng cảm đánh giặc và lãnh đạo nhân dân đánh giặc của Bà Trưng, Bà Triệu … Vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội vẫn được đề cao.
Cùng với văn hoá, tư tưởng, tôn giáo cũng được chính quyền thống trị du nhập vào nước ta. Từ thời Hán đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật dần dần được du nhập để phục vụ cho chính sách cai trị và đồng hoá của chúng.
Theo nho giáo mọi người phải thuần phục thiên tử, mọi dân tộc phải quy phục thiên triều (chính quyền phương Bắc). Với tam cương, ngũ thường… thiết lập một trật tự, ràng buộc con người theo lễ giáo phong kiến hà khắc. Vì vậy, ngay từ thời Tây Hán nho giáo đã được du nhập vào nước ta. Về sau, nhiều Nho sĩ người Hán có tài năng được chính quyền phương Bắc cử sang Giao Chỉ để truyền bá Nho giáo và dần dần được cất nhắc lên chức vụ cao. Vào thời Sĩ Nhiếp làm thái thú Giao Chỉ có tới hàng trăm sĩ phu Trung Quốc sang Việt Nam cùng với Sĩ Nhiếp đẩy mạnh việc truyền bá Nho giáo và Hán học ở Giao Châu, học mở trường dậy học ở Luy Lâu, Long Biên và việc học Nho được phổ biến rộng rãi hơn trước trong tầng lớp quý tộc thống trị ở Giao Châu.
Như vậy, trong chừng mực nào đó, Nho giáo và tư tưởng văn học Trung Hoa ít nhiều đã thâm nhập vào xã hội Việt Nam. Nhưng Nho giáo cũng như hệ tư tưởng văn học Trung Hoa nói chung là không thể xem là thịnh hành trên mảnh đất Việt. Số người Việt học hành đỗ đạt chẳng là bao. Nói chung chỉ được phát triển và có ảnh hưởng ở một số vùng trung tâm châu trị và quận trị mà thôi.
Phật giáo bị giai cấp thống trị lợi dụng và biến nó thành một tôn giáo chính thống của nhà nước. Những mặt tích cực của Phật giáo như bình đẳng, bác ái, vi tha, làm điều lành chống điều ác… bị giai cấp thống trị cắt xén, xuyên tạc. Chúng phát triển những mặt tiêu cực của Phật giáo trong việc ru ngủ nhân dân từ bỏ đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Đạo giáo cũng là một luồng tư tưởng và tín ngưỡng từ Trung Quốc truyền bá vào đất nước ta, về thời gian có thể muộn hơn Nho giáo nhưng độ loang và độ thấm thì rộng hơn và sâu hơn.
Đạo giáo có nguồn gốc chủ yếu từ những tín ngưỡng sa man giáo và ma thuật của Trung Quốc và vùng du mục lân cận cổ đại, là một tôn giáo tín ngưỡng hỗn hợp nhiều thứ mê tín dị đoan và phương thuật dân gian và cung đình như: đoán mộng, xem sao, đồng cốt, cầu tiên, chữa bệnh bằng phù phép, bói toán, bùa phép, luyện đan…
Nhà Đường cho nhiều đạo sĩ, phù thuỷ sang nước ta để yểm long mạch, yểm thần thánh, trong đó có Tiết độ sứ Cao Bên là đầu sỏ, cùng với bọn thầy địa để trừ yểm “long mạch” - đó là thủ đoạn gieo rắc dị đoan rằng đất An Nam không còn đất đế vương nữa, không thể là nước độc lập, để làm mai một ý chí giành độc lập hoàn toàn của dân tộc ta. Nhưng nhân dân ta đã sáng tạo ra chuyện thần Tô Lịch dùng phép phá tan nghìn cân đồng sắt yểm cuả Cao Biền, thánh Tản Viên nhổ nước bọt vào giữa đàn tràng của Cao Biền khiến Cao Biền phải kinh hãi kêu lên: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Ôi ! cái vượng khí đời nào hết được”. “ở lâu tất chuốc tai vạ, ta phải mau mau trở về Bắc” (Lĩnh Nam chích quái). Điều đó chứng tỏ không một thứ tôn giáo, phù phép nào làm mờ được lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, là cốt lõi ý thức hệ của nền văn hoá Việt Nam.
Ngoài ra, trong tiến trình lịch sử do chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Bắc, nhiều phong tục tập quán đã thay đổi. Từ tập quán giã gạo bằng chày tay người Việt chuyển sang lối giã gạo bằng cối đạp như loại cối giã gạo hiện nay ở nông thôn miền Bắc. Từ tập tục ở nhà sàn, dần dần người Việt chuyển sang ở nhà đất bằng, tiếp thu cách đặt họ tên của người Trung Quốc. Người Việt trong lịch sử chỉ có tên, đến thế kỷ II xuất hiện họ và tên.…
Kể từ cuộc kháng chiến chống Triệu bị thất bại vào cuối đời An Dương Vương năm 179 tr. CN cho đến chiến thắng Bạch Đằng lịch sử do Ngô Quyền lãnh đạo năm 938, thời Bắc thuộc kéo dài 1117 năm. Phong kiến phương Bắc du nhập văn hoá Hán vào Việt Nam một cách cưỡng bức với âm mưu đồng hoá dân tộc ta. Mặc dù, văn hoá Hán cũng có ảnh hưởng nhất định trọng mọi mặt của đời sống văn hoá Việt. Nhưng dân tộc ta vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá của mình từ nền tảng văn hoá Đông Sơn và hơn nữa dân tộc Việt Nam còn biết tiếp thu, biến đổi văn hoá Hán trở thành văn hóa Việt làm phong phú thêm nền văn hoá Việt – đó là sức sống, bản sắc – phong cách văn hóa Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét