Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

9/5, NGÀY CHIẾN THẮNG!



                                                                           NHN
      Ngày 9/5/1945 đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của chủ nghĩa phát xít Đức, sự toàn thắng của nhân dân Liên Xô, chiến thắng đó là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là hòa bình, tiến bộ tất thắng. Ngày hôm nay, nước Nga tưng bừng và hào hùng tổ chức kỷ niệm 72 năm ngày toàn thắng
. Để có được chiến thắng đó, tổn thất về sức người, sức của là vô cùng to lớn, biết bao anh hùng đã ngã xuống, bao người dân đã mất mạng, hàng ngàn thành phố, làng mạc, nhà máy bị phá hủy. Tội ác ấy của Phát xít Đức Liên Xô mà giờ nước Nga sẽ không bao giờ quên. Cùng với nhân dân Nga kỷ niệm ngày chiến thắng, chúng ta cùng nhìn lại cuộc chiến ấy, thấy rõ hơn vai trò đặc biệt của nước Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống lại các thế lực bạo tàn:
       Sau khi chiếm được 11 nước châu Âu với diện tích gần 2 triệu km2 và số dân là 142 triệu người, sức mạnh được tăng lên gấp bội, vào 3 giờ 30 phút sáng ngày 22-6-1941, phát-xít Đức không tuyên chiến, bất ngờ mở cuộc tấn công trên khắp biên giới phía Tây của Liên Xô từ Biển Đen đến biển Ban-tích. Mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất của Đức quốc xã là độc chiếm kho tài nguyên vô tận của Liên Xô và tiêu diệt chế độ xã hội chủ nghĩa - kẻ thù số l của chủ nghĩa phát-xít.
       Phát động chiến dịch chiến tranh chớp nhoáng, hòng nhanh chóng đánh bại Hồng quân Liên Xô trên chiến trường châu Âu, phát-xít Đức đã tập trung trên mặt trận Xô - Đức một lực lượng đông nhất, mạnh nhất, tinh nhuệ nhất, được trang bị hiện đại nhất, gồm 190 sư đoàn (5,5 triệu quân), 4,3 nghìn xe tăng - thiết giáp, 47 nghìn pháo, gần 5 nghìn máy bay, 192 tàu chiến. Để đối phó với việc đánh nhanh, thắng nhanh của phát-xít Đức, Liên Xô đã tổng động viên toàn bộ tiềm lực và thực hiện nhiều chiến dịch chiến lược, từng bước đánh bại và cuối cùng tiến công đập tan sức kháng cự của phát-xít Đức ngay tại sào huyệt của chúng ở Béc-lin, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 08-5-1945. Trong đó nổi bật là chiến dịch Mát-xcơ-va (từ ngày 30-9-1941 đến ngày 20-4-1942), chiến dịch Cuốc-xcơ (từ ngày 04-7 đến ngày 13-8-1943), chiến dịch Xta-lin-grát (từ ngày 17-7-1942 đến ngày 02-02-1943), chiến dịch Béc-lin (từ ngày 16-4 đến ngày 08-5-1945). Ở châu Á, Hồng quân Liên Xô đã tiến hành thắng lợi chiến dịch Mãn Châu (từ tháng 02 tới tháng 9-1945), góp phần quyết định buộc quân phiệt Nhật Bản đầu hàng, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Á vào ngày 02-9-1945. 
       Chiến dịch Mát-xcơ-va là chiến dịch chiến lược phòng ngự lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai, về sau chuyển thành chiến dịch phản công - tiến công của Hồng quân Liên Xô ở ngoại ô Mát-xcơ-va. Tháng 9-1941, quân Đức sử dụng cụm Tập đoàn quân trung tâm, gồm 3 tập đoàn quân dã chiến và 3 tập đoàn quân xe tăng (gồm 1,8 triệu quân, 1,7 nghìn xe tăng, 14 nghìn pháo, cối, 1,39 nghìn máy bay) mở cuộc tiến công lớn mang mật danh “Giông tố”, tiến về khu vực Mát-xcơ-va. 
Trong giai đoạn phòng ngự (từ ngày 30-9 đến 05-12-1941), Hồng quân Liên Xô đã tập trung 4 phương diện quân tổ chức đánh trả quyết liệt các mũi tiến công của quân Đức. Ngày 07-11-1941, Liên Xô đã tổ chức cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, sau đó các lực lượng tham gia cuộc duyệt binh này đã tiến thẳng ra mặt trận. Đến cuối tháng 11 đầu tháng 12-1941, Hồng quân Liên Xô đã đẩy lùi các mũi tiến công của quân Đức và chuyển sang phản công. 
       Từ ngày 05-12-1941 đến ngày 20-4-1942, Hồng quân Liên Xô, được sự yểm trợ của không quân, đã chuyển sang thế chủ động phản công kết hợp với tiến công, đẩy quân Đức về phía tây 100 km - 350 km và gây tổn thất nặng cho 38 sư đoàn Đức (trong đó có 15 sư đoàn xe tăng và cơ giới). Kết cục của chiến dịch này, quân Đức bị thiệt hại 500 nghìn quân, 1,3 nghìn xe tăng, 2,5 nghìn pháo, trên 15 nghìn xe và các khí tài khác. Thắng lợi trong chiến dịch Mát-xcơ-va mở đầu bước ngoặt cơ bản trong tiến trình Chiến tranh thế giới thứ hai, làm phá sản huyền thoại bất khả chiến bại của quân Đức và củng cố khối liên minh chống phát-xít. 
       Chiến dịch Cuốc-xcơ là chiến dịch chiến lược phòng ngự sau chuyển sang phản công - tiến công của Hồng quân Liên Xô trên địa bàn chiến lược bao gồm 4 tỉnh Ô-ri-ôn, Cuốc-xcơ, Ben-gô-rớt và Khác-cốp. Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô đã tiến hành cuộc đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới với quân Đức và đã đánh tan 30 sư đoàn Đức, trong đó có 7 sư đoàn xe tăng (500 nghìn quân, 1,5 nghìn xe tăng, 3 nghìn pháo, 3,7 nghìn máy bay), tạo điều kiện để chuyển sang thế chủ động chiến lược, tạo điều kiện chuyển sang tổng tiến công. 
        Chiến dịch Xta-lin-grát là chiến dịch chiến lược phòng ngự sau chuyển sang phản công - tiến công lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai của Hồng quân Liên Xô. Mùa hè năm 1942, lợi dụng thời cơ quân đồng minh Anh - Mỹ - Pháp chưa mở mặt trận thứ hai ở châu Âu, phát-xít Đức mở cuộc tiến công lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm đánh chiếm khu vực dầu mỏ ở nam Cáp-ca và những dải đất phì nhiêu vùng Sông Đông, sông Cu-ban và Vôn-ga.
       Trận quyết chiến chiến lược Xta-lin-grát diễn ra trên địa bàn rộng tới 38,4 nghìn dặm vuông, với tổng cộng 2,1 triệu quân, thậm chí có lúc lên tới 3 triệu quân, cùng rất nhiều loại vũ khí hiện đại, kéo dài trong 200 ngày đêm (từ tháng 7-1941 đến tháng 2-1943). Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô đánh tan lực lượng quân Đức với khoảng hơn 1,2 triệu quân (gồm bị chết, bị thương, bị bắt làm tù binh và mất tích), chiếm gần 1/4 lực lượng trên toàn mặt trận Xô - Đức. Số lượng xe tăng và xe quân sự của Đức vị phá hủy trong trận Xta-lin-grát ngang số lượng mà ngành công nghiệp Đức có thể sản xuất trong 6 tháng.
       Thất bại của Hít-le trong trận Xta-lin-grát tác động rất lớn tới tinh thần quân đội Đức, trong hàng ngũ binh lính Đức bắt đầu hình thành tâm lý lo lắng bị đánh tạt sườn và bị bao vây tương tự như trong trận Xta-lin-grát. Thậm chí, một số sĩ quan cấp cao của quân đội phát-xít bắt đầu tính đến chuyện đảo chính lật đổ Hít-le.         Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch Xta-lin-grát góp phần quyết định tạo ra bước ngoặt cơ bản trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô và trong Chiến tranh thế giới thứ hai, có ý nghĩa quân sự và chính trị to lớn, gây chấn động toàn nước Đức, góp phần đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở những nước bị Đức chiếm đóng, buộc Nhật Bản phải tạm thời từ bỏ kế hoạch tấn công Liên Xô.
       Đồng thời, chiến bại của Hít-le ở Xta-lin-grát còn làm rung chuyển và gây chia rẽ cả khối phát-xít. Lo ngại kết cục thê thảm tại Xta-lin-grát, lãnh đạo các nước đi theo Đức Quốc xã như I-ta-li-a, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri và Phần Lan bắt đầu tìm cớ rút khỏi cuộc chiến tranh, không gửi thêm quân tới mặt trận Xô - Đức. Diễn biến tại Xta-lin-grát còn khiến nước Đức bị cô lập thêm trên trường quốc tế. Khi cuộc chiến bước vào giai đoạn cuối với tương quan lực lượng nghiêng về Liên Xô, sáng 06-6-1944, Mỹ và Anh mở mặt trận thứ hai, đổ bộ lên Bắc Pháp. 
       Chiến dịch Béc-lin là chiến dịch tiến công chiến lược của Hồng quân Liên Xô diễn ra ngay tại sào huyệt cuối cùng của phát-xít Đức, giải phóng Béc-lin, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai trên chiến trường châu Âu. Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt của quân Đức 70 sư đoàn bộ binh, 23 sư đoàn xe tăng, bắt 480 nghìn tù binh và thu chiến lợi phẩm gồm 1,5 nghìn xe tăng, 5,6 nghìn pháo và súng cối, 4,5 nghìn máy bay. Ngày 09-5-1945, trước đại diện Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và Bộ Tổng chỉ huy quân Đồng minh, Thống chế Tổng tư lệnh quân đội Đức đã ký vào văn bản đầu hàng không điều kiện.
        Chiến dịch Mãn Châu là chiến dịch tiến công chiến lược của Hồng quân Liên Xô phối hợp với lực lượng kháng chiến của Mông Cổ, Trung Quốc và Triều Tiên chống quân phiệt Nhật. Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt đội quân Quan Đông của Nhật Bản, giải phóng đông bắc Trung Quốc (Mãn Châu) và Bắc Triều Tiên, phá tan căn cứ kinh tế quân sự của Nhật Bản trên lục địa châu Á, buộc quân Nhật phải ký kết hiệp ước đầu hàng vô điều kiện, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong chiến dịch này, Hồng quân Liên Xô và đồng minh đã đánh bại đạo quân của Nhật Bản gồm 1 triệu quân, 1,155 nghìn xe tăng, 5,360 nghìn pháo và súng cối, 1,8 nghìn máy bay, 25 tàu chiến.
       Như vậy có thể thấy Liên Xô đóng vai trò quan trọng có tính quyết định đối với chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
      Chiến thắng phát-xít Đức và trục phát-xít là chiến thắng của nhân dân các nước đồng minh, của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình, là chiến thắng của nhân dân Liên Xô - nhân dân của 16 nước thuộc Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết đã kề vai sát cánh bên nhau, chung một chiến hào, dưới cùng một lá cờ, với một tinh thần “địa chỉ của chúng tôi không có phố, không có số nhà, địa chỉ của chúng tôi là Liên bang Xô-viết”.
       Giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, nhưng Liên Xô cũng phải chịu những tổn thất vô cùng to lớn về người và của. Vì thế, ở Liên Xô, Ngày chiến thắng còn được gọi là “ngày hội lớn lệ tràn mi” - như lời một bài hát Xô-viết nổi tiếng "Ngày chiến thắng". Nước mắt của niềm vui, tự hào của chiến thắng vinh quang và kiêu hãnh, nhưng cũng là nước mắt của nỗi đau mất mát, hy sinh. 27 triệu người dân Liên Xô (bằng 16,2% dân số Liên Xô vào năm 1939) đã ngã xuống. 

        Nước Nga kỷ niệm 72 năm chiến thắng phát-xít không chỉ là dịp để nhân loại tự hào về chiến thắng, nhớ tới những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người, tri ân những người đã mang lại nền hòa bình cho thế giới, mà còn nhắc nhở loài người về tội ác của chủ nghĩa phát-xít, hãy cảnh giác, loại trừ nguồn gốc làm nảy sinh và dung dưỡng sự phát triển của tư tưởng phát-xít trong thế giới hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét