Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

NGÀY ẤY CHƯA XA



                                                         Nguyễn Hữu Nghị
               Khoa Văn hóa Ngoại ngữ Trường Đại học Chính trị
   
       Với kinh nghiệm gần 20 năm làm công tác giảng dạy, khoác trên mình bộ quân phục nhà binh tôi luôn tự hào mình là “thầy giáo – chiến sĩ”, bây giờ tôi đã được coi là “lão làng” trong con mắt các giảng viên trẻ của Khoa Văn hóa Ngoại ngữ. Ấy vậy mà mỗi lần ngồi phía cuối lớp dự giờ, kiểm tra giảng những tiết lên lớp đầu tiên của các giảng viên trẻ mới về Khoa công tác, trong lòng tôi vẫn dấy lên cảm xúc bồi hồi, khó tả. Dường như khi tôi lắng nghe, chăm chú theo dõi những gương mặt tươi trẻ căng tràn nhiệt huyết ấy, tôi lại bắt gặp hình ảnh của chính mình gần 20 năm về trước của một kỷ niệm luôn sống mãi trong tôi: buổi lên lớp đầu tiên trước đối tượng học viên Hệ 3 (hoàn thiện cao đẳng 18 tháng những năm 1996- 1998).
       Tốt nghiệp Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1995, đáng lí ra tôi phải là thầy giáo của những cô cậu cấp 3 mới đúng, vậy mà cơ duyên lại đưa cuộc đời tôi trở thành người “lái đò” của những sinh viên mặc áo lính. Vẫn ngày ngày lên lớp với bảng đen, phấn trắng nhưng đối tượng thì hoàn toàn khác với những gì tôi hình dung trước khi vào quân ngũ. Không phải là những cô cậu học trò tuổi mới lớn hồn nhiên, trong trẻo, tinh nghịch chỉ nhường lại hai vị trí đầu cho “nhất quỷ nhì ma”.
       Sau những tuần đầu bỡ ngỡ, tôi đã từng bước thích nghi, hòa nhập với đặc thù công việc, lần lượt được thủ trưởng Khoa cho “thử sức” trước các đối tượng học viên như d1 (cử tuyển dân tộc ít người), d2, d3, d5… (học viên đào tạo cán bộ chính trị bậc đại học có nguồn đầu vào từ học sinh phổ thông và quân nhân, CM – chuyển loại chuyên môn kỹ thuật, BT – chuyển loại trung đội trưởng).
       Trung tuần tháng 11 năm 1998, tôi được thủ trưởng giao nhiệm vụ huấn luyện mới: tham gia giảng dạy 2 lớp Hệ 3 hoàn thiện cao đẳng 18 tháng. Đối tượng học viên của 2 lớp này, đa phần là những cán bộ đã trải qua thực tế công tác nhiều năm, quân hàm từ thượng úy đến thượng tá, trải qua nhiều cương vị khác nhau, tuổi thanh xuân đã nhiệt thành cống hiến cho đất nước và mới chỉ học qua các lớp sơ cấp, trung cấp nay mới có điều kiện để học tiếp. Về tuổi tác, họ đáng bậc cha chú của tôi; về kinh nghiệm thực tiễn, họ giàu vốn sống và trải nghiệm, nhiều đồng chí trong lớp có lẽ tuổi quân còn nhiều hơn tuổi đời của tôi. Nhận nhiệm vụ, tôi mang tâm trạng bất an với cảm giác lo lắng dường như có một áp lực vô hình đang đè nặng, liệu mình có đủ tự tin, bản lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ trong khi chỉ có bầu nhiệt huyết  tuổi trẻ và kinh nghiệm giảng dạy hơn 1 năm đứng lớp.     
       Đêm trước hôm lên lớp đối tượng Hệ 3, mặc dù đã chuẩn bị hồ sơ giáo án đầy đủ, đã tập giảng, thông qua bài khá trơn tru ở Khoa nhưng sao vẫn thấy chộn rộn trong lòng, một cảm giác hồi hộp, lo âu, thắp thỏm – một tâm trạng khó diễn đạt thành lời. Tôi vốn là người rất dễ ngủ, vậy mà không sao chợp mắt được. Cứ nhắm mắt vào là những dòng giáo án, những tình huống sư phạm của bài giảng ngày mai lại hiện lên trong tâm trí tôi, tiến trình bài giảng như được tua lại nhiều lần…Tôi chỉ mong sao cho trời chóng sáng để được lên lớp “công diễn” với không nhiều tự tin.
       6g30 phút, kẻng báo vào lớp, tôi bước lên bục giảng với tâm trạng khá hồi hộp, trống ngực đập thình thịch, nhịp tim có lẽ phải lên đến 150 lần/phút. Tôi đưa mắt nhìn một lượt xuống lớp học với những ấn tượng mạnh: 2/3 học viên trong lớp đeo kính lão, đa số mái đầu điểm bạc và quân hàm thấp nhất là thượng úy…Mất mấy phút sau tôi mới lấy lại được cảm giác thăng bằng. Sau vài lời giới thiệu làm quen của buổi đầu lên lớp, tôi nghe có tiếng xì xào: “thầy giáo trẻ thế, hơn con gái út của tôi một tuổi” tôi làm như không nghe thấy và bắt đầu bài giảng. Tiết đầu tiên của chủ đề 3 học phần Lịch sử dân tộc: “Khái quát lịch sử văn hóa Việt Nam” chủ yếu là giải quyết các khái niệm văn hóa, văn minh, văn hóa học, cơ sở văn hóa, bản sắc văn hóa, văn hóa cổ truyền…có những khái niệm rất trừu tượng, không dễ cắt nghĩa, nhất là phải lấy ví dụ thực tiễn để minh chứng, mà tôi thì vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn còn ít ỏi. Một số học viên trong lớp còn kiểm tra kiến thức của thầy giáo trẻ bằng cách đưa ra một số câu hỏi có thể không khó nhưng mang yếu tố bất ngờ như “Nhờ thầy giải thích cho ‎ý nghĩa của nhà mồ, tượng nhà mồ và lễ bỏ mả của một số dân tộc ở Tây Nguyên”; “Vì sao trong thế giới hiện đại khoa học kỹ thuật phát triển, con người có sự hiểu biết sâu sắc về thế giới nhưng dòng người gia nhập các tôn giáo vẫn không ngừng gia tăng?”…Trong những trường hợp này, đối với đa số giáo viên trẻ nếu không bình tĩnh xử l‎ý các tình huống “phát sinh ngoài kịch bản” sẽ “toát mồ hôi hột”, loay hoay dẫn tới cháy giáo án và có thể tiết học sẽ đi theo một hướng rất khác. Tôi thầm nghĩ “có lẽ mình bị nắn gân đây”, nhưng mình sẽ biến thách thức này thành cơ hội để khẳng định thương hiệu của Khoa Văn hóa Ngoại ngữ, thương hiệu của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trước khi trả lời câu hỏi của các đồng chí học viên, tôi thường đặt các câu hỏi ngược lại để cả lớp cùng suy nghĩ, trả lời như: “các đồng chí có biết điểm khác nhau rất đặc biệt của đồ cúng đồng bào Tây nguyên trong lễ Bỏ mả với đồ cúng của đồng bào Kinh?”; “Mối liên hệ giữa người sống và người chết trước và sau khi làm lễ Bỏ mả”; “Những áp lực của cuộc sống hiện đại và nhu cầu tinh thần của con người?”…rồi tôi cố gắng vận dụng hết kiến thức, khả năng diễn đạt để làm sao có câu trả lời thuyết phục nhất trước cả lớp. Tiết học trở nên sôi nổi, khoảng cách tuổi tác giữa giáo viên và học viên dường như không còn nữa, tôi đã cảm nhận được những ánh mắt hài lòng, thân thiện, thái độ tôn trọng của lớp học dành cho mình.
       Tiếng kẻng báo hiệu giờ học kết thúc. Tôi thở phào nhẹ nhõm, một cảm giác sảng khoái, nhẹ nhõm ngập tràn, những lo lắng, mệt mỏi bởi một đêm mất ngủ dường như tan biến. Về đến Khoa, đồng chí Chủ nhiệm Khoa bắt tay thân mật hỏi “thế nào con trai? Hôm nay dạy ổn chứ”, tôi đứng nghiêm giơ tay thực hiện động tác chào: “Báo cáo thủ trưởng, tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!”.
 

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

THẾ GIỚI NHẬN THỨC VỀ KHỦNG BỐ, CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ



                                          Th.s  Nguyễn Hữu Nghị, Học viện Chính trị quân sự
                                       (Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Châu Âu số tháng 10/2006) 
        Khái niệm khủng bố (Terror) xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII, nhưng trong lịch sử nhân loại, khủng bố đã hoành hành từ hàng ngàn năm qua. Trong phần lớn lịch sử của nó, cho đến trước những năm 60 của thế kỷ XX, khủng bố chủ yếu liên quan đến các cuộc nổi dậy của lực lượng đối lập nhằm gây sức ép, lật đổ nhóm cầm quyền (hay thống trị) ở một nước hay khu vực nào đó. Từ cuối những năm 60 thế kỷ XX, các hoạt động khủng bố bắt đầu mở rộng ra khỏi phạm vi một nước hay khu vực và hiện tượng bắt cóc máy bay trở thành thủ đoạn phổ biến trên toàn cầu. Những năm 70, 80 của thế kỷ XX chiến thuật khủng bố được áp dụng nhiều là hành động bắt cóc con tin. Đến những năm 90 xuất hiện những nhóm khủng bố mới theo chủ nghĩa “Jihad” (thánh chiến Hồi giáo) của các nhóm Hồi giáo cực đoan với những hành động khủng bố tàn bạo hơn, do đó con số thương vong, sự tàn phá về vật chất là vô cùng nặng nề.
       Vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ XX và XXI, khủng bố lại mang sắc thái mới, đã trở thành một trong những yếu tố cốt lõi của quan hệ quốc tế hiện đại. Một hiện tượng đặc biệt của khủng bố đã xuất hiện, không liên quan đến một nhà nước cụ thể nào, các tổ chức khủng bố với thành phần đa quốc gia có căn cứ bí mật ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Các tổ chức khủng bố này có những mục đích chính trị và cơ sở tư tưởng nhất định, trong đó nổi trội nhất là trào lưu tư tưởng của chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan, và chính trào lưu tư tưởng này đã làm nảy sinh một dạng vũ khí khủng bố mới – vũ khí “người – bom” và một dạng khủng bố mới cực kỳ nguy hiểm: khủng bố liều chết. Ngày 11/9/2001 thế giới đã hết sức bàng hoàng, chấn động bởi vụ khủng bố kinh hoàng nhất từ trước đến nay: vụ tấn công khủng bố vào trung tâm thương mại thế giới và Lầu năm góc ở Mỹ. Đây là một điển hình của hoạt động phá hoại quy mô lớn do khủng bố gây ra. Tiếp đó tại một số nước như Ấn Độ , Indonesia, Philippines, Pakixtan, Arập Xêút, Nga, Tây Ban Nha, Anh…cũng đã xảy ra những vụ khủng bố ở nhiều quy mô, mức độ khác nhau.
       Tính chất nguy hiểm đối với hoà bình, an ninh thế giới và sự mở rộng quy mô hoạt động khủng bố quốc tế những năm gần đây làm thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế về chủ nghĩa khủng bố cũng như cách thức chống lại nó. Các nhà lãnh đạo các quốc gia và các lực lượng hoà bình dân chủ trên thế giới trong khi khẳng định chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế là cuộc đấu tranh lâu dài, gay go phức tạp, đã nhấn mạnh rằng chỉ có tiến hành hợp tác trên phạm vi rộng rãi mới có thể chống khủng bố một cách có hiệu quả.
      Tuy nhiên cho đến nay, xung quanh việc xác định thế nào là khủng bố, chủ nghĩa khủng bố, hành động nào bị coi là khủng bố…lại chưa có sự thống nhất quan điểm, chưa có sự định nghĩa thống nhất không chỉ giữa các nước mà ngay cả trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách của nhiều nước. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt xét cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn, bởi vì không thể chống khủng bố một cách hiệu quả và loại bỏ nó triệt để tận gốc rễ nếu không đạt tới sự nhận thức toàn diện, thống nhất về khủng bố, chủ nghĩa khủng bố.
       Cho đến nay, thế giới đã có hàng trăm định nghĩa khác nhau về khủng bố, chủ nghĩa khủng bố. Văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên về chủ nghĩa khủng bố là “ Bản Công ước Giơnevơ” ký ngày 16/11/1937 trong đó các hành động khủng bố được xác định chung là “những việc làm phạm tội ác nhằm chống lại một nhà nước mà mục đích hoặc bản chất là gây ra sự khủng khiếp đối với các nhân vật nhất định, đối với nhóm người, hay đối với dân chúng”(1).
       Từ điển “ Nhà ngoại giao” (The Diplommats Dictionary) của Charler W. Frêman, mô tả khủng bố như sau: khủng bố là “ Sự sử dụng bạo lực chống những người không chiến đấu, những thường dân và những người khác (thông thường được xem như là những mục tiêu không hợp pháp của hoạt động quân sự) vì mục đích thu hút sự chú ý về một sự nghiệp chính trị, buộc những người lãnh đạo cuộc đấu tranh nào đó phải từ bỏ sự tham gia của họ, hay hăm doạ các đối thủ phải nhượng bộ” (2).
       Theo “Từ điển quốc tế mới bộ thứ ba của hãng Webster” (Webster’s Third New International Dictionary): “Khủng bố là sự đe dọa làm cho ai sợ, gây nên sự sợ hãi đột ngột và chủ nghĩa khủng bố là sử dụng các thủ đoạn gây ra sự sợ hãi một cách có hệ thống hoặc là tạo ra bầu không khí khủng bố hoặc bạo lực” (3).
        Bách khoa toàn thư chính trị học Praikhơuylơ đưa ra giải thích rằng có thể định nghĩa ngắn gọn: “chủ nghĩa khủng bố là sự đe doạ mang tính cưỡng chế”, còn nếu định nghĩa toàn diện thì chủ nghĩa khủng bố  “là sự sử dụng một cách hệ thống các thủ đoạn ám sát, sát thương hoặc phá hoại, thông qua các thủ đoạn trên để gây ra sự hoảng sợ nhằm cưỡng bức nhiều người phục tùng một ý đồ nào đó. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế là chủ nghĩa khủng bố vượt qua biên giới quốc gia” (4).
       Theo quan niệm của chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố Paolo Uygơchinsơn (Anh), “chủ nghĩa khủng bố có tính chất chính trị rất rõ ràng, tức là sử dụng hoặc đe doạ sử dụng một cách có hệ thống các thủ đoạn ám sát, phá hoại nhằm hăm doạ hoặc cưỡng bức cá nhân, đoàn thể, tổ chức, chính phủ chấp nhận yêu sách chính trị hoặc phần tử khủng bố” (5).
        Bộ ngoại giao Mỹ đưa ra định nghĩa về hoạt động khủng bố là “ một hành động bạo lực có mưu tính trước, nhằm những mục đích chính trị và hướng vào những mục tiêu không tham chiến (dân thường, nhân viên quân sự không vũ trang, những cuộc tấn công nhân viên có vũ trang và các cơ sở quân sự không trong tình trạng đối đầu về quân sự) do các nhóm thiểu số trong nội bộ dân tộc hoặc những nhân viên mật tiến hành để tác động đến dân chúng” (6).
       Tại Pháp, hoạt động khủng bố được xác định là “ một hoạt động có chủ định, sử dụng hăm doạ hoặc bạo lực nhằm lật đổ các định chế dân chủ hoặc tách một bộ phận lãnh thổ quốc gia khỏi quyền lực nhà nước” (7).
       Theo học giả Alex P. Schmid: “ chủ nghĩa khủng bố là thủ đoạn do cá nhân, đoàn thể hoặc người hành động của nhà nước sử dụng hành động bạo lực để gây sự sợ hãi, lo âu, mất ổn định. Các phần tử khủng bố thông thường chọn đối tượng trực tiếp bị hại mà không có mục tiêu hoặc tìm đối tượng trong quần chúng một cách có lựa chọn, người trực tiếp bị hại trong hành động khủng bố không phải là mục tiêu hành động chính mà là trung gian truyền tin, mục đích cần đạt tới của chủ nghĩa khủng bố sẽ quyết định phưưng thức hành động khủng bố mà đoàn thể đó sử dụng” (8).
        Theo P.E. Abramôvich, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về bài ngoại và phòng ngừa chủ nghĩa cực đoan, Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ): “ chủ nghĩa khủng bố là một biến dạng của chủ nghĩa cực đoan chính trị trong phương án bạo lực thái quá của chủ nghĩa nào đó. Đó là một hiện tượng hẹp về cơ sở xã hội do một nhóm thực hiện, thậm chí do một người cụ thể thực hiện” (9).
        Cuốn Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc viết: “ Chủ nghĩa khủng bố quốc tế là hành vi của cá nhân hoặc tổ chức sử dụng bạo lực có ý thức gây hoảng sợ và dùng các thủ đoạn giết hại hoặc uy hiếp tính mạng cá nhân hoặc nhóm người, phá hoại tài sản công tư để thực hiện một mục đích chính trị nào đó hoặc mục đích khác trong phạm vi quốc tế. Đó là hành vi của một số cá nhân hoặc tập thể có mục đích chính trị và xã hội nào đó, sử dụng bạo lực hoặc phi bạo lực tiến công và đe doạ các cơ quan hoặc cá nhân, hoặc dể tạo ra bầu không khí hoảng sợ, đã giết hại bừa bãi những người dân vô tội, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” (10).  
        Đại từ điển tiếng Việt (1999) định nghĩa khủng bố: “ Dùng bạo lực đàn áp gây nhiều tổn thương, làm cho khiếp sợ hòng khuất phục” (11).
       Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002) định nghĩa khủng bố quốc tế: “ Loại khủng bố nhằm vào cá nhân, tổ chức hoặc mục tiêu được pháp luật quốc tế bảo vệ: giết người đứng đầu nhà nước, chính phủ, đại diện ngoại giao và các đại diện khác; phá huỷ đại sứ quán, trụ sở của phái đoàn đại diện các tổ chức, dân tộc, các tổ chức quốc tế, phá hoại hệ thống giao thông quốc tế…với mục đích gây sức ép đối với chính sách đối nội, đối ngoại của các quốc gia. Khủng bố quốc tế là một loại tội ác có tính chất quốc tế” (12).
        Khủng bố theo từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam (2004): “là hành động bạo lực tàn ác của cá nhân, của một tổ chức, một nhà nước nhằm phá hoại, đe doạ, gây sợ hãi hoặc cưỡng bức, buộc đối phương “khuất phục” hay thực hiện những yêu sách nhất định; một loại tội phạm quốc tế”. Hình thức khủng bố: bắt cóc, ám sát, đánh bom, tàn sát man rợ…khủng bố được một số nước và các thế lực “phản động”, các phần tử cực đoan, lực lượng ly khai trên thế giới sử dụng như một quốc sách hoặc một chiến lược để thực hiện những mục đích nhất định” (13).
        Qua một số khái niệm về khủng bố nêu trên, ta thấy giữa chúng có điểm chung là: khẳng định khủng bố là hành động dã man nhằm gây khiếp sợ cho chính phủ và thường dân để đạt mục tiêu chính trị, xã hội nào đó, song nói chung là chưa đưa ra được những tiêu chí cụ thể để có thể nhận diện một cách rõ ràng khủng bố. Ngoại trừ định nghĩa của “ Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc” định nghĩa này đã đưa ra một số tiêu chí cụ thể:
       Phạm vi chủ nghĩa khủng bố mang tính quốc tế, liên quan trực tiếp đến công dân của hai quốc gia trở lên, hoặc những phần tử khủng bố không có quốc tịch nước chúng phạm tội, bao gồm cả việc công dân các nước thứ 3 thông qua hoặc xúi dục công dân nước sở tại phạm tội.
       Mở rộng mục đích phạm tội của chủ nghĩa khủng bố từ chính trị sang xã hội hoặc các phương diện khác, tức là nhân tố phi chính trị đã gia tăng tương đối. Có lúc cũng xuất hiện một số chủ nghĩa khủng bố mang tính thể hiện, chúng không còn là những phe phái có “chủ nghĩa” hoặc “lý tưởng”, cũng không có hành động mang tính tổ chức, giết người hàng loạt chỉ để là trút đi nỗi thống khổ, phẫn nộ và thất bại đã tích tụ lâu trong lòng các thành viên, hoặc chỉ để chứng minh sự tồn tại của bản thân.
         Ngày nay, chủ nghĩa khủng bố quốc tế có thêm thủ đoạn “ không sử dụng bạo lực”. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm cho đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nhân loại ngày càng tiện lợi, nhưng lại vô cùng yếu đuối. Kỹ thuật thông tin trong đó có mạng Internet mang lại lợi ích to lớn cho kinh tế và xã hội, nhưng cũng đồng thời làm cho rất nhiều hoạt động của nhân loại phải dựa vào sự vận hành của mạng Internet. Cách mạng khoa học kỹ thuật sinh học, tiêu biểu là công nghệ gien bên cạnh việc đem lại hạnh phúc cho nhân loại cũng có thể đưa đến một loạt vấn đề nan giải. Để đạt được hiệu quả gây sức ép tâm lý lớn, chủ nghĩa khủng bố quốc tế rất có thể sẽ hoạt động phá hoại trong các lĩnh vực kỹ thuật như thông tin, sinh học, quá trình đó có lẽ rất “văn minh” hoặc rất “khoa học”, hậu quả lại là tai hoạ huỷ diệt toàn thế giới.
        Việc giết hại bừa bãi người dân vô tội được xem là một tiêu chuẩn vô cùng  quan trọng để xác định đây chính là hoạt động khủng bố. Dù những kẻ khủng bố sử dụng bạo lực hay phi bạo lực có lý tưởng “vĩ đại” hay “cao cả” đến đâu, chỉ cần trực tiếp giết hại bừa bãi những người dân vô tội đều là hành động khủng bố, phạm tội.
        Hiện nay trên thực tế cũng có quan niệm quá rộng về chủ nghĩa khủng bố. Đó là quan niệm cho rằng mọi hành vi bạo lực nhằm đạt được mục đích chính trị đều bị coi là khủng bố, bất kể là các hành vi bạo lực đó nhằm vào mục tiêu quân sự hay dân sự, và bất kể đó    những cuộc đấu tranh đòi độc lập cho một dân tộc
(như cuộc đấu  tranh của người  Kurd ở Thổ  Nhĩ  Kỳ,  của  Quân  đội  cộng  hoà
Ai Len ở Bắc Ai Len thuộc Anh, hay phong trào đòi độc lập cho xứ Basque ở Tây  Ban Nha…) cũng như cuộc đấu tranh của một số tổ chức chính trị – xã hội (như Mặt trận cứu nguy Hồi giáo Angiêri). Đây là quan điểm phản chính thống của các chính phủ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia đa dân tộc. Hoặc cuộc đấu tranh chính nghĩa của một dân tộc, trong đó có đấu tranh vũ trang – chẳng hạn như cuộc đấu tranh của nhân dân Palextin từ trước đến nay có thể coi là khủng bố không ?. Vấn đề  này có nguồn  gốc lịch  sử của hai dân tộc Do thái và
Ả rập ở xứ  Palextin. Do vậy cuộc đấu tranh của người Palextin được cả thế giới công nhận, ủng hộ. Tuy nhiên nhiều năm qua, các phần tử cực đoan trong phong trào kháng chiến của người Palextin đã gây ra nhiều vụ khủng bố nhằm vào dân thường khiến dư luận thế giới không thể đồng tình.
       Ở một góc độ khác: Hoa Kỳ gọi Osama Bin Ladel là “trùm khủng bố số 1 quốc tế”, Bin Laden và Taliban lại lên án nhà nước Hoa Kỳ là trùm khủng bố thế giới, kẻ diệt chủng; Ixaraen tố cáo chính quyền  Palextin là nuôi dưỡng các phần tử khủng bố, nhưng nhà nước Palextin lại lên án nhà nước Ixaraen là nhà nước khủng bố…tất cả những điều đó cho thấy vấn đề nhận thức về chủ nghĩa khủng bố của nhân loại cho đến nay còn hết sức khó khăn để có thể đi đến một định nghĩa thống nhất. Ngày nay, mọi quốc gia trên thế giới đều tán thành chống khủng bố “nhưng do người ta chưa nhất trí được với nhau thế nào là “khủng bố” – hoặc tất cả mọi người đều hiểu “thế nào là khủng bố mặc dù không nói ra được “khủng bố là thế nào” – cho nên đôi khi có người miệng nói là chống khủng bố nhưng hành động lại gần như là khủng bố” (14).
        Như vậy, qua một vài quan niệm trên về chủ nghĩa khủng bố, chúng ta có thể đi tới nhận thức rằng hoạt động khủng bố là những hành động bạo lực hoặc đe doạ dùng bạo lực một cách có tổ chức nhằm vào các cá nhân, các thiết chế hoắc các tổ chức xã hội nào đó gây ra sự thiệt hại về vật chất, con người và tinh thần đối với dân thường vô tội, ảnh hưởng và tạo ra sự lo ngại đối với xã hội để đạt được mục đích chính trị cụ thể. Trên thực tế, do xuất phát từ động cơ, mục đích khác nhau nên nhận thức về nội hàm và ngoại diên khái niệm chủ nghĩa khủng bố cũng được hiểu không đồng nhất. Nhận thức về khủng bố sở dĩ rất khác nhau và gây tranh cãi gay gắt trên trường quốc tế là do nhiều nhân tố: nguồn gốc lịch sử của vấn đề, lợi ích chính trị của giai cấp cầm quyền, những khác biệt về hoàn cảnh chính trị – xã hội, lịch sử, văn hoá, tôn giáo của mỗi nước. Một định nghĩa chung thống nhất được chấp nhận rộng rãi trên thế giới là khó đạt được.
         Hoạt động khủng bố là phi nhân đạo, bị cả thế giới lên án cực lực. Hành động khủng bố nhất thiết phải loại trừ ra khỏi xã hội văn minh, như lời Chủ tịch Phidel Castro đã nói “Dù nguồn gốc sâu xa của chủ nghĩa khủng bố như thế nào, dù các yếu tố kinh tê và chính trị có ảnh hưởng đến nó như thế nào, và dù ai đó phải chịu trách nhiệm đã mang nó đến với thế giới này, thì cũng không một ai có thể phủ nhận rằng chủ nghĩa khủng bố ngày nay là một hiện tượng nguy hiểm không thể bào chữa được về mặt đạo lý và phải bị loại trừ” (15).

*CHÚ THÍCH:
          (1), (2):  Bộ Quốc Phòng – Trung tâm thông tin khoa học công nghệ môi trường (2002), Khủng bố, nhận diện và đối phó, Hà Nội. Trang 7 – 8.
         (3): Báo cáo trình Quốc Hội – Cơ quan nghiên cứu của Quốc Hội Việt Nam  (2003), Chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á, Hà Nội. Trang 8.
        (4), (5): Tổng cục Chính trị - Thư viện Quân đội (2004), Về chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện nay, Tài liệu nghiên cứu phục vụ lãnh đạo tháng 7, Hà Nội. Trang 11, 12, 13.
        (6), (7): Pascal Boniface (2002), Những cuộc chiến tranh trong tương lai, NXB Thông tấn, Hà Nội. Trang 18 – 19.
        (8): Lý Vĩnh Long, Cố Trường Vĩnh (2004), “Về chủ nghĩa khủng bố ở Đông      Nam Á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, (1), trang 28.
        (9): Tổng cục Chính trị - Thư viện Quân đội (2004), Về chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện nay, Tài liệu nghiên cứu phục vụ lãnh đạo tháng 7, Hà Nội. Trang  13.
        (10):  Bộ Quốc Phòng – Trung tâm thông tin khoa học công nghệ môi trường (2002), Khủng bố, nhận diện và đối phó, Hà Nội. Trang 8.    
         (11): Nguyễn Như Ý cb (1999), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội. Trang 927.
         (12):  Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển Bách khoa Việt Nam (2002), Từ điển Bách khoa Việt Nam tập 2, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội. Trang 543.
         (13): Bộ Quốc Phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự (2004), Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội. Trang 572.
         (14): Nam Hồng, Quang Lợi, Lê Huy Hòa (2003), Khủng bố và chống khủng bố (STK) tập 3 Cuộc chiến không giới hạn, NXB Lao động, Hà Nội. Trang 130.
         (15): Về chủ nghĩa khủng bố (2002), NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội. Trang 45.

         



ASEAN 40 NĂM HỢP TÁC AN NINH CHÍNH TRỊ NHỮNG THÀNH TỰU, THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG



                  Th.s Nguyễn Hữu Nghị, Học viện Chính trị quân sự
                  Th.s Lý Thị Yến, Trường THPT Chương Mỹ A Hà Tây
                 (Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số tháng 8/2007)
Trải qua 40 năm tồn tại và phát triển (8/8/1967 - 8/8/2007), ngày nay không ai có thể phủ nhận được những thành công mà ASEAN đạt được trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Mục đích của việc thành lập ASEAN là nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới thì sự ổn định an ninh chính trị lại là mối quan tâm cơ bản của những nước sáng lập ra tổ chức này. Mục tiêu chính trị cơ bản của ASEAN là nhằm đảm bảo ổn định an ninh và phát triển cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á và từng nước thành viên ASEAN. Lịch sử 40 năm hợp tác, phát triển của ASEAN cho thấy hợp tác an ninh chính trị đã và đang đóng vai trò quan trọng và là thành tựu nổi bật nhất, thành công lớn nhất của ASEAN. Với những hình thái phát triển, những nguyên tắc và sáng kiến của tổ chức này được biết đến với tên gọi “phương thức ASEAN ” (ASEAN way) đã đem lại những đóng góp to lớn cho hòa bình và ổn định của một khu vực tiềm ẩn nhiều căng thẳng trong các mối quan hệ song phương và đa phương.
1. Những thành tựu nổi bật:
Thứ nhất:  Chấm dứt sự phân chia Đông Nam Á thành hai khối đối lập nhau, tạo điều kiện xây dựng một ASEAN thống nhất
Sau khi giành được độc lập dân tộc, các nước Đông Nam Á đã lựa chọn những con đường phát triển khác nhau. Việc lựa chọn những con đường phát triển khác nhau trong bối cảnh chiến tranh lạnh đã làm cho khu vực Đông Nam Á hình thành hai nhóm nước đối lập nhau: một bên là Việt Nam, Lào đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa và bên kia là các nước ASEAN phát triển theo con đường Tư bản chủ nghĩa. Chính sự chia cắt này đã tạo điều kiện để các nước bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực, đồng thời tăng cường ảnh hưởng của mình ở đây.
Nhận thức được mối nguy hiểm của việc chia cắt Đông Nam Á cho nên trong Tuyên bố Băng Cốc năm 1967, các nhà sáng lập ASEAN đã bày tỏ mong muốn tổ chức này sẽ lôi cuốn được các nước khác trong khu vực tham gia. Trong Tuyên bố  Băng Cốc năm 1967 và tiếp đó là Hiệp ước Bali năm 1976, các nhà sáng lập ASEAN đều bày tỏ mong muốn xoá bỏ tình trạng Đông Nam Á bị chia cắt về kinh tế, chính trị tiến tới xây dựng ASEAN thành một tổ chức thống nhất bao gồm tất cả các quốc gia trong khu vực.
Mười bảy năm sau Tuyên bố Băng Cốc, Brunei - quốc gia  có diện tích nhỏ nhất trong khu vực đã gia nhập ASEAN - mở đầu cho quá trình mở rộng tổ chức khu vực. Tuy nhiên, do sự chi phối của chiến tranh lạnh, nên phải tới đầu những năm 90 cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, trước những thách thức mới của quá trình toàn cầu hoá, khu vực hoá đang phát triển mạnh mẽ thì mong muốn của các nhà sáng lập ASEAN mới trở thành hiện thực. Lúc này, mỗi quốc gia nói riêng và khu vực nói chung cần có cơ hội để phát triển nên cần thiết phải chấm dứt tình trạng chia cắt Đông Nam Á. Sự trùng hợp về lợi ích giữa ASEAN và Đông Dương đã khiến cả hai quyết tâm gạt bỏ những nghi kỵ, đối đầu trên con đường tiến tới một Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng. Này 28/7/1995, cánh cửa của ASEAN đã mở rộng để đón nhận Việt Nam trở thành  thành viên thứ 7 của Hiệp hội. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó là “biểu hiện của một kỷ nguyên mới đã bắt đầu trong lịch sử Đông Nam Á. Đó là kỷ nguyên của sự hoà hợp và hợp tác khu vực. Và nó sẽ đưa lại những lợi ích chân chính, thiết thực và to lớn cho từng nước và toàn khu vực” (1). Sự tham gia của Việt Nam, đã tạo điều kiện cho ba nước Lào, Mianma (1997) và Campuchia (1999) gia nhập ASEAN.
Có thể nói việc mở rộng các thành viên ra toàn khu vực là một thắng lợi của tinh thần đoàn kết hợp tác, tạo ra một nhân tố mới trong ASEAN. Với ASEAN 10, tình trạng hai Đông Nam Á khác nhau về kinh tế - chính trị xã hội tồn tại trong một Đông Nam Á về phương diện địa lý đã chấm dứt. Một  Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng, ở đó sức bật của mỗi quốc gia sẽ được liên kết thành sức bật của toàn khu vực. Chính sức bật này là đảm bảo quan trọng nhất cho an ninh của mỗi quốc gia cũng như an ninh của toàn Hiệp hội.
       Thứ hai:  Xây dựng được một số khung pháp lý để giải quyết những  mâu thuẫn, xung đột về an ninh chính trị
Đông Nam Á là một khu vực rất đa dạng về dân tộc, văn hoá, tôn giáo, lại chênh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế. Sự đa dạng đó tất yếu sẽ dẫn tới những bất đồng, mâu thuẫn. Do vậy, mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo ASEAN là làm sao có thể hạn chế hoặc “xoá nhoà” những mâu thuẫn, bất đồng đó để tạo nên một môi trường hoà bình, ổn định để phát triển.
Có thể nói, thành công lớn nhất của Hiệp hội trong 30 năm đầu tồn tại và phát triển của mình (1967 - 1997) là đã dàn xếp, giải quyết ổn thoả những bất đồng, mâu thuẫn giữa các nước thành viên với nhau, không để dẫn đến xung đột - chiến tranh. Chính khả năng này khiến ASEAN trở nên cần thiết đối với các nước thành viên của mình. Tuy nhiên, cho tới năm 1976, quan hệ giữa các nước ASEAN chưa có một nền tảng pháp lý vững chắc. Sự hoà giải giữa họ rất dễ bị phá vỡ, một khi một nước thành viên nào đó bị kích động bởi các thế lực bên ngoài.... Do vậy tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ nhất (năm 1976), đã quyết định đưa ra những nguyên tắc làm cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên với nhau. Không chỉ xây dựng các nguyên tắc ứng xử giữa các nước thành viên với nhau mà trong hợp tác an ninh chính trị, ASEAN còn quyết định tạo ra một cơ chế giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng biện pháp hoà bình - một công cụ ngoại giao hữu hiệu của ASEAN. Tại các cuộc họp Thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia, các cuộc họp cấp Bộ trưởng... diễn ra luân phiên ở từng nước ASEAN không chỉ đơn thuần là để bàn luận những vấn đề đưa ra và đi đến giải pháp mà quan trọng là nó nói lên đoàn kết quốc gia, hoà bình theo nguyên tắc và các biện pháp nhất trí trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp. Trong chiến tranh lạnh, bằng nỗ lực chung, trong hợp tác an ninh chính trị, ASEAN đã dàn xếp, hoà hoãn, giải quyết được mâu thuẫn giữa các nước. Đặc biệt nó đã đưa đến giải pháp về vấn đề Campuchia sau 10 năm căng thẳng - Đây là vấn đề quan trọng nhất.
Thành công trong việc giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng đã thúc đẩy ASEAN cần thiết phải đưa ra những văn bản pháp chế quan trọng nhằm duy trì hoà bình và thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên với nhau như Hiệp ước về khu vực hoà bình, tự do và trung lập (ZOPFAN - 1971); Hiệp ước Bali (1976); Tuyên bố hoà hợp ASEAN I, II; Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF - 1994) và Hiệp ước về khu vực không có vũ khí hạt nhân - (SEANWFZ - 1995).
Để đối phó với những thách thức ở thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, tại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức ASEAN lần thứ III họp ở Manila ngày 28/11/1999 đã quyết định thành lập một cơ quan gọi là Bộ ba ASEAN (ASEAN Troika) mục đích nhằm “giải quyết kịp thời những vấn đề chính trị, an ninh khu vực...” (2).
Đến đây, ASEAN đã xây dựng được những văn bản pháp lý cơ bản nhằm giải quyết những vấn đề an ninh chính trị nảy sinh từ quan hệ giữa các nước thành viên. Những văn bản này được cộng đồng quốc tế công nhận đã trở thành chuẩn mực trong quan hệ ứng xử giữa các nước thành viên với nhau và giữa ASEAN với các nước bên ngoài. Trong lĩnh vực hợp tác an ninh chính trị, đáng chú ý là ASEAN đã thông qua Quy chế hoạt động của Hội đồng tối cao  Hiệp ước TAC (2001). Để giải quyết các tranh chấp trong khu vực, ASEAN đã tiến thêm một bước trong việc vận động 5 cường quốc có vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) với việc tiến hành cuộc đối thoại đầu tiên giữa ASEAN với 5 nước tại Hà Nội (2001). Tất cả những cố gắng của ASEAN cho thấy, bằng việc áp dụng hướng giải quyết xung đột giữa ngoại giao truyền thống với các Hội nghị Thượng đỉnh, Hội nghị Ngoại trưởng, Diễn đàn khu vực... vừa dựa vào những cuộc gặp gỡ không chính thức giữa các bên, những thành quả mà ASEAN đạt được trong lĩnh vực an ninh - chính trị ngày càng làm tăng thêm vị trí của tổ chức này trên trường quốc tế.
        Thứ ba:  Xây dựng thành công cơ chế hợp tác an ninh đa phương (ARF)
Trước những thách thức của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, các nước ASEAN nhận thấy rằng an ninh của Hiệp hội sẽ không được đảm bảo nếu thiếu đi sự tham gia của các nước lớn, đặc biệt là của 4 cường quốc hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga. Vì vậy, muốn có hoà  bình, an ninh ổn định ở Đông Nam Á cần phải xây dựng được nền hoà bình và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương bởi “Để đạt được nền hoà bình vĩnh viễn và thịnh vượng, những người Đông Nam Á chúng ta không chỉ phải thúc đẩy tình hữu nghị giữa chúng ta mà còn phải dệt nên màng lưới hợp tác vượt ra ngoài biên giới của chúng ta. Một bộ phận sống còn trong sự hợp tác như vậy là trong lĩnh vực an ninh” (3) - Ngoại trưởng Thái Lan, ông Prasong Soosiri đã khẳng định như vậy tại AMM 26 tổ chức tại Xingapo 23/7/1993. Và “mạng lưới an ninh” đó chính là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được thành lập năm 1994. Sáng kiến thành lập ARF là một trong những bước ngoặt quan trọng trong chính sách của ASEAN để giải quyết những vấn đề an ninh chính trị của khu vực.
Đến nay, sau ngót 13 năm hoạt động, ARF đã đạt được những kết quả rất lớn, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực, giảm căng thẳng, thúc đẩy hợp tác. Thông qua Diễn đàn này, ASEAN đã phối hợp đưa ra được nhiều sáng kiến nhằm duy trì an ninh khu vực như: “Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông”; Hiệp ước về khu vực không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ); Chống tội phạm. Tổ chức ASEAN với vai trò là động lực chính của ARF, điều hoà các quan điểm khác biệt giữa các nước thành viên, góp phần dàn xếp những xung đột, tăng cường sự hiểu biết nhằm mục tiêu duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thành công của ARF sau 13 năm tồn tại đã chứng tỏ “ARF thực sự là một diễn đàn lớn để các nước thành viên, dù lớn hay nhỏ, dù còn có nhiều khác biệt về mặt này hay mặt khác đều có cơ hội ngồi lại với nhau thảo luận những biện pháp củng cố hoà bình ổn định và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương” (4).
Bên cạnh ARF, ASEAN còn tiến hành đối thoại về các vấn đề an ninh, chính trị, khu vực thế giới cùng quan tâm với tất cả các nước đối thoại tại Diễn đàn Hội nghị sau Hội nghị ngoại trưởng ASEAN hàng năm (AMM - PMC) và trong cơ chế đối thoại cấp thứ trưởng ngoại giao (SOM) giữa ASEAN với Mỹ, Trung Quốc… ASEAN còn đưa ra sáng kiến về hợp tác Á - Âu (ASEM) hoặc Hợp tác  Đông Á (ASEAN + 3), (ASEAN + 1)…những sáng kiến này đã và đang được hiện thực hoá rất hiệu quả. Những thành tựu trong lĩnh vực hợp tác an ninh chính trị của ASEAN 40 năm qua đã góp phần nâng cao, uy tín vị thế, chính trị của ASEAN trên trường quốc tế.
2. Thách thức của ASEAN:
Mặc dù đã đạt được những thành công to lớn nhưng trên con đường phát triển của mình, các nước thành viên và tổ chức ASEAN nói chung còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. Chính những thách thức đó, nếu không được giải quyết ổn thoả sẽ là nguyên nhân đe doạ tới hoà bình, an ninh và ổn định của Hiệp hội nói riêng và của khu vực nói chung.
Thứ nhất, là quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, mặc dù đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm cách giải quyết cho vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nhưng vấn đề biển Đông vẫn là một ngòi nổ tiềm ẩn nguy cơ xung đột đe doạ hoà bình an ninh của khu vực. Hiện nay, mỗi nước đều muốn tranh thủ hoà bình để tập trung phát triển kinh tế, xã hội trong nước, nhưng do có vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên phong phú... nên biển Đông vẫn là một vấn đề rất nhạy cảm và luôn là điều đáng lo ngại trong tương lai không dễ giải quyết.
Thứ hai, quan hệ giữa ASEAN và Mỹ cũng tồn tại nhiều bất đồng. Khi ASEAN quyết định kết nạp Mianma vào tổ chức, đã gặp phải sự phản đối của nhiều nước phương Tây đặc biệt là Mỹ bởi quan niệm cho rằng Mianma là nước vi phạm nhân quyền lớn nhất thế giới: Vấn đề ma tuý; việc bà Aung San Suu Kyi đấu tranh đòi dân chủ và bị bắt giữ... Trong mối quan hệ này, Mỹ luôn giương cao chiêu bài “dân chủ”, “tự do” và “nhân quyền”... để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Đông Nam Á. Có thể nói vấn đề nhân quyền là một trong những vấn đề thể hiện rõ rệt nhất sự bất đồng giữa ASEAN và Mỹ. Để thực hiện mục đích của mình, chính sách của Mỹ là tập trung vào các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép đối với các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dụng với Mianma là về kinh tế, thương mại; Tăng số lượng quan chức Mianma không được phép nhập cảnh vào Mỹ... Mỹ luôn tự cho mình phải có “sứ mệnh”, bảo vệ nền dân chủ của nước khác. Mitch Mc Connell Nghị sĩ cộng hoà đã nói trước Thượng viện Mỹ như sau: “Những người ủng hộ một nước Mianma tự do biết rằng nước Mỹ phải đi đầu trong việc bảo vệ nền dân chủ ở đất nước đó. Những người này tin rằng phục vụ sự nghiệp tự do là thách thức và là nghĩa vụ của nước Mỹ” (5).
Vấn đề nhân quyền của Inđonexia và Mianma vẫn luôn là vấn đề mà Mỹ nêu ra trong các Hội nghị sau Bộ trưởng ASEAN (PMC). Đây là một chiêu bài của Mỹ. Các nước ASEAN luôn phản đối gay gắt việc Mỹ gắn nhân quyền với vấn đề kinh tế, quân sự để can thiệp vào nội bộ các nước Đông Nam Á. Vì vậy có thể nói nhân quyền vẫn là một vấn đề không nhỏ trong quan hệ giữa Mỹ và ASEAN.
Thứ ba, là những vấn đề nảy sinh từ cơ chế hoạt động và các nguyên tắc hoạt động của ASEAN. Một số nguyên tắc cơ bản vốn được coi là nguyên tắc ra quyết định của ASEAN như nguyên tắc “đồng thuận”, nguyên tắc “không can thiệp” đã bị thách thức. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực, khủng hoảng chính trị ở Campuchia, sự kiện Đông Timo... cộng với sự liên kết kinh tế trong khu vực đang tăng lên làm tăng sự tuỳ thuộc lẫn nhau, đã biến một số vấn đề tưởng chừng như của một nước thành vấn đề liên quan chung đến khu vực, khiến cho các nước phải đặt câu hỏi liệu ASEAN có nên thay đổi nguyên tắc “không can thiệp” bằng nguyên tắc “can thiệp linh hoạt”?. Bên cạnh đó là việc thực hiện nguyên tắc “đồng thuận” bởi nhiều người cho rằng để đi đến sự “đồng thuận” thì nó đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và đương nhiên nó sẽ kìm hãm, làm chậm lại quá trình phát triển của ASEAN.
Thứ tư, là những bất cập của Diễn đàn khu vực ARF. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) thành lập năm 1994 là một thắng lợi của các nước ASEAN. Uy tín của nó được thể hiện ở chỗ nó đã thu hút được sự quan tâm  của nhiều nước lớn trong khu vực tham gia Diễn đàn này. tuy nhiên, ARF là một Diễn đàn không có cơ chế bắt buộc. Hơn nữa có những vấn đề an ninh chỉ ngay trong khu vực Đông Á thôi mà ASEAN cũng không đề cập tới. Nếu ở thời kỳ “chiến tranh lạnh, lúc đó ASEAN chỉ là hành khách của cỗ xe an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, còn người lái là các nước lớn”, thì “ngày nay cỗ xe an ninh là do ASEAN ở vị trí cầm lái” (6). Thế nhưng ARF mới chỉ nhằm giữ gìn an ninh ở khu vực thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin... Vì vậy, bước vào thế kỷ XXI, ARF cần phải trở thành một cơ chế bảo đảm sự ổn định, thực hiện ngoại giao phòng ngừa và thúc đẩy giải quyết xung đột bằng biện pháp hoà bình. Cùng với xu thế tăng cường hợp tác an ninh song phương giữa các nước trong khu vực, thì hợp tác an ninh đa phương cũng được đẩy mạnh dưới hình thức Diễn đàn an ninh ASEAN (ARF). ARF được thành lập do sáng kiến của ASEAN với mục đích là trao đổi các vấn đề an ninh khu vực trên cơ sở hiểu biết và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Đến nay đã trải qua 13 năm tồn tại và phát triển nhưng ARF vẫn chỉ là Diễn đàn để đối thoại, bảy tỏ quan điểm khác nhau của mình, bàn bạc việc hợp tác và hỗ trợ cho việc giải quyết các vấn đề an ninh chính trị của khu vực. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ như hiện nay rất có thể sẽ gây nên sự thất vọng cho một số nước luôn chỉ trích tiến độ chậm chạp của Diễn đàn, đặc biệt là Mỹ, Australia, Canada và EU.  Sự đa dạng về thành viên tham gia và tính phức tạp, nhạy cảm của vấn đề an ninh chính trị đã tạo ra sự khác nhau lớn trong nhận thức về mói đe doạ đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với sự đa dạng đó sẽ có nguy cơ làm lu mờ vai trò của ASEAN động lực chính của Diễn đàn.
Hiện nay một số cường quốc lớn đang chủ trương đẩy mạnh và thể chế hoá ARF. Các nước này cho rằng ARF và ASEAN cần thay đổi nguyên tắc “không can thiệp” vào công việc nội bộ của nhau bằng nguyên tắc “can thiệp tích cực” và chuyển sang giai đoạn 2 - ngoại giao phòng ngừa. Đồng thời họ muốn loại bỏ vai trò lãnh đạo của ASEAN, không muốn duy trì nguyên tắc “đồng thuận” trong ASEAN và ARF. Như vậy, thách thức đặt ra đối với ARF, trong đó ASEAN là động lực chính là làm thế nào để ARF tiến lên phía trước mà vẫn giữ được những nguyên tắc trên.
Sau sự kiện 11/9, với thái độ và hành động đơn phương của Mỹ trên nhiều vấn đề quốc tế, có quan điểm cho rằng ARF có thể sẽ mất vai trò đối với an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trên thực tế đã có một số sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác an ninh khu vực nằm ngoài khuôn khổ ARF được đưa ra. Cụ thể là đề xuất đưa Diễn đàn quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương do Viện nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (JISS) có trụ sở tại Luân Đôn phối hợp với chi nhánh ở Xingapo tổ chức, trở thành một sự kiện thường niên. Rõ ràng nếu cứ thảo luận những vấn đề an ninh một cách chung chung như  hiện nay thì rất có thể ASEAN sẽ mất dần vai trò của mình trong Diễn đàn này.
Như vậy, để thực hiện mục tiêu xây dựng một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển bền vững trong thế kỷ XXI và tầm nhìn ASEAN 2020 là xây dựng “một nhóm hài hoà các dân tộc Đông Nam Á hướng ra bên ngoài sống trong hoà bình, ổn định và thịnh vượng, gắn bó với nhau bằng quan hệ đối tác trong phát triển năng động và trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau” (7) thì ASEAN sẽ phải giải quyết rát nhiều thách thức. Hợp tác an ninh chính trị trong ASEAN ở thế kỷ XXI, cũng như vị trí, vai trò của Hiệp hội đối với khu vực nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung sẽ phụ thuộc rất nhiều  vào khả năng ASEAN xử lý và vượt qua những thách thức đó.
        3. Triển vọng:
        Bước vào thế kỷ XXI, xu thế đối thoại, hoà bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế phát triển chung của thời đại. Đây  là điều kiện khách quan thuận lợi cho hợp tác khu vực của ASEAN nói chung, hợp tác an ninh chính trị nói riêng.
Vào năm cuối cùng của thế kỷ XX, viễn cảnh về một Đông Nam Á bao gồm 10 nước trong khu vực đã trở thành hiện thực với sự kiện Campuchia gia nhập đại gia đình ASEAN năm 1999. Có thể nói việc hội nhập của tất cả 10 nước trong cùng một tổ chức vừa là thách thức song đồng thời cũng là một triển vọng lớn, nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quốc gia Đông Nam Á dù có sự khác nhau về thể chế chính trị, tôn giáo, sắc tộc.... đã thống nhất lại trong một ngôi nhà chung ASEAN, cùng phấn đấu cho hoà bình, ổn định và phát triển.
Mặt khác khi đứng trong cùng một tổ chức, các nước thành viên sẽ phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động chung của Hiệp hội - nguyên tắc “thương lượng” và “nhất trí” (còn gọi là nguyên tắc “đồng thuận”). Dưới sự chỉ đạo của hai nguyên tắc này, bất cứ quyết sách nào của ASEAN cũng mang tính khả thi cao. Việc thực hiện những nguyên tắc trên đã đảm bảo lợi ích của tất cả các nước thành viên, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo. Chính những nguyên tắc đó đã tạo nên “phong cách ASEAN”, “đặc trưng ASEAN” đảm bảo được tính “thống nhất trong đa dạng”, đồng thời tăng cường được sức mạnh của ASEAN trên các diễn đàn quốc tế.
Hoạt động của ASEAN dựa trên nguyên tắc nhất trí, nghĩa là mọi vấn đề chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của tất cả các nước thành viên. Vì thế mà mỗi quốc gia đều có quyền xây dựng những chính sách phù hợp với lợi ích quốc gia để vừa có khả năng hội nhập và tự chủ, giữ vững đường lối độc lập của mình. Việc mở rộng ASEAN ra toàn khu vực đã tạo cho Hiệp hội một ý thức về sự thống nhất và sức mạnh.
Rõ ràng việc mở rộng ASEAN ra toàn khu vực Đông Nam Á không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại của quốc gia mà còn phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa và khu vực hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Với ASEAN 10, ở đó sức bật của mỗi quốc gia được liên kết thành sức bật của toàn khu vực, nó sẽ trở thành lá chắn an toàn nhất cho an ninh chính trị khu vực nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng. Điều đó sẽ đem lại nhiều cơ hội hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để ASEAN có thế phát huy được vị thế của mình trên trường quốc tế.
Về triển vọng của ARF: Sự ra đời của ARF  là phản ứng trước toàn cầu hóa, là sự điều chỉnh chiến lược quan trọng của ASEAN trong quan hệ với các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cho đến nay ARF vẫn là một diễn đàn hợp tác an ninh đa phương lớn nhất ở khu vực.
Bước vào thế kỷ XXI, cơ hội cho sự phát triển của ARF không chỉ tạo nên từ ASEAN mà nó còn được thể hiện từ sự tham gia của chính các nước hành viên ngoài ASEAN. Các nước lớn khi tham gia diễn đàn này, đều nhìn thấy lợi ích của mình trong đó và hơn hết là họ đều muốn có vị trí nhất định trong diễn đàn bởi đó là cơ hội để các nước thể hiện sự ảnh hưởng và quan điểm của mình. Sự tham gia vào ARF của các nước lớn như Mỹ, Trung quốc, Nhật bản... đã chứng tỏ điều đó. Nó vừa tạo ra thách thức đồng thời cũng góp phần mở ra triển vọng cho ARF bởi tranh thủ được sức mạnh cũng như uy tín của các nước lớn.
Cho đến nay, hoạt động của ARF vẫn chủ yếu ở giai đoạn xây dựng lòng tin và chuẩn bị chuyển sang ngoại giao phòng ngừa. Sự đa dạng về thành viên (25 thành viên) và tính phức tạp, nhạy cảm của vấn đề an ninh chính trị đã tạo ra sự khác nhau lớn về nhận thức, quan điểm cách tiếp cận với khả năng hợp tác... Vì thế hiện nay phần lớn các cường quốc muốn đóng vai trò chủ đạo để thao túng nhằm “đốt cháy giai đoạn” chuyển ARF thành một tổ chức, một cơ cấu quyền lực có đủ tư cách và thẩm quyền làm trung gian hòa giải hoặc giải quyết các tranh chấp khu vực theo ý đồ của họ. Thế nhưng đa số các nước thành viên ARF đã không đồng ý chuyển sang giai đoạn tiếp theo của nền ngoại giao phòng ngừa. Hầu hết các nước ASEAN thành viên đều cho rằng ARF cần tiếp tục xây dựng lòng tin để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau nhằm tạo cơ sở vững chắc cho các bước đi tiếp theo.


* Chú thích:
          (1) Bộ ngoại giao: Hội nhập quốc tế và giữ vững bản săc, NXB CTQG, Hà Nội 1995, trang 271.
           (2) Nguyễn Duy Quý, Tiến tới một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển bền vững, NXB KHXH, Hà Nội 2001, trang 322.
           (3) Nguyễn Thu Mỹ: “ASEAN: Những đóng góp đối với hoà bình và an ninh khu vực”, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á  số5/2002, trang 34.
           (4) Ban Tưởng văn hoá Trung ương – Vụ Quốc tế: Những điểm nóng trên thế giới gần đây, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 127.
 (5) Thông tấn xã Việt Nam “ASEAN thách thức và cơ hội”, tài liệu tham khảo số 9/2003, trang 47.
          (6) Vũ Khoan, “Đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển đồng đều”, Tạp chí Cộng sản số24/1988, trang 59.
          (7) Trần Khánh, Liên kết ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hoá, NXB KHXH, Hà Nội 2002, trang 54.