Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

THẾ GIỚI NHẬN THỨC VỀ KHỦNG BỐ, CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ



                                          Th.s  Nguyễn Hữu Nghị, Học viện Chính trị quân sự
                                       (Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Châu Âu số tháng 10/2006) 
        Khái niệm khủng bố (Terror) xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII, nhưng trong lịch sử nhân loại, khủng bố đã hoành hành từ hàng ngàn năm qua. Trong phần lớn lịch sử của nó, cho đến trước những năm 60 của thế kỷ XX, khủng bố chủ yếu liên quan đến các cuộc nổi dậy của lực lượng đối lập nhằm gây sức ép, lật đổ nhóm cầm quyền (hay thống trị) ở một nước hay khu vực nào đó. Từ cuối những năm 60 thế kỷ XX, các hoạt động khủng bố bắt đầu mở rộng ra khỏi phạm vi một nước hay khu vực và hiện tượng bắt cóc máy bay trở thành thủ đoạn phổ biến trên toàn cầu. Những năm 70, 80 của thế kỷ XX chiến thuật khủng bố được áp dụng nhiều là hành động bắt cóc con tin. Đến những năm 90 xuất hiện những nhóm khủng bố mới theo chủ nghĩa “Jihad” (thánh chiến Hồi giáo) của các nhóm Hồi giáo cực đoan với những hành động khủng bố tàn bạo hơn, do đó con số thương vong, sự tàn phá về vật chất là vô cùng nặng nề.
       Vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ XX và XXI, khủng bố lại mang sắc thái mới, đã trở thành một trong những yếu tố cốt lõi của quan hệ quốc tế hiện đại. Một hiện tượng đặc biệt của khủng bố đã xuất hiện, không liên quan đến một nhà nước cụ thể nào, các tổ chức khủng bố với thành phần đa quốc gia có căn cứ bí mật ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Các tổ chức khủng bố này có những mục đích chính trị và cơ sở tư tưởng nhất định, trong đó nổi trội nhất là trào lưu tư tưởng của chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan, và chính trào lưu tư tưởng này đã làm nảy sinh một dạng vũ khí khủng bố mới – vũ khí “người – bom” và một dạng khủng bố mới cực kỳ nguy hiểm: khủng bố liều chết. Ngày 11/9/2001 thế giới đã hết sức bàng hoàng, chấn động bởi vụ khủng bố kinh hoàng nhất từ trước đến nay: vụ tấn công khủng bố vào trung tâm thương mại thế giới và Lầu năm góc ở Mỹ. Đây là một điển hình của hoạt động phá hoại quy mô lớn do khủng bố gây ra. Tiếp đó tại một số nước như Ấn Độ , Indonesia, Philippines, Pakixtan, Arập Xêút, Nga, Tây Ban Nha, Anh…cũng đã xảy ra những vụ khủng bố ở nhiều quy mô, mức độ khác nhau.
       Tính chất nguy hiểm đối với hoà bình, an ninh thế giới và sự mở rộng quy mô hoạt động khủng bố quốc tế những năm gần đây làm thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế về chủ nghĩa khủng bố cũng như cách thức chống lại nó. Các nhà lãnh đạo các quốc gia và các lực lượng hoà bình dân chủ trên thế giới trong khi khẳng định chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế là cuộc đấu tranh lâu dài, gay go phức tạp, đã nhấn mạnh rằng chỉ có tiến hành hợp tác trên phạm vi rộng rãi mới có thể chống khủng bố một cách có hiệu quả.
      Tuy nhiên cho đến nay, xung quanh việc xác định thế nào là khủng bố, chủ nghĩa khủng bố, hành động nào bị coi là khủng bố…lại chưa có sự thống nhất quan điểm, chưa có sự định nghĩa thống nhất không chỉ giữa các nước mà ngay cả trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách của nhiều nước. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt xét cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn, bởi vì không thể chống khủng bố một cách hiệu quả và loại bỏ nó triệt để tận gốc rễ nếu không đạt tới sự nhận thức toàn diện, thống nhất về khủng bố, chủ nghĩa khủng bố.
       Cho đến nay, thế giới đã có hàng trăm định nghĩa khác nhau về khủng bố, chủ nghĩa khủng bố. Văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên về chủ nghĩa khủng bố là “ Bản Công ước Giơnevơ” ký ngày 16/11/1937 trong đó các hành động khủng bố được xác định chung là “những việc làm phạm tội ác nhằm chống lại một nhà nước mà mục đích hoặc bản chất là gây ra sự khủng khiếp đối với các nhân vật nhất định, đối với nhóm người, hay đối với dân chúng”(1).
       Từ điển “ Nhà ngoại giao” (The Diplommats Dictionary) của Charler W. Frêman, mô tả khủng bố như sau: khủng bố là “ Sự sử dụng bạo lực chống những người không chiến đấu, những thường dân và những người khác (thông thường được xem như là những mục tiêu không hợp pháp của hoạt động quân sự) vì mục đích thu hút sự chú ý về một sự nghiệp chính trị, buộc những người lãnh đạo cuộc đấu tranh nào đó phải từ bỏ sự tham gia của họ, hay hăm doạ các đối thủ phải nhượng bộ” (2).
       Theo “Từ điển quốc tế mới bộ thứ ba của hãng Webster” (Webster’s Third New International Dictionary): “Khủng bố là sự đe dọa làm cho ai sợ, gây nên sự sợ hãi đột ngột và chủ nghĩa khủng bố là sử dụng các thủ đoạn gây ra sự sợ hãi một cách có hệ thống hoặc là tạo ra bầu không khí khủng bố hoặc bạo lực” (3).
        Bách khoa toàn thư chính trị học Praikhơuylơ đưa ra giải thích rằng có thể định nghĩa ngắn gọn: “chủ nghĩa khủng bố là sự đe doạ mang tính cưỡng chế”, còn nếu định nghĩa toàn diện thì chủ nghĩa khủng bố  “là sự sử dụng một cách hệ thống các thủ đoạn ám sát, sát thương hoặc phá hoại, thông qua các thủ đoạn trên để gây ra sự hoảng sợ nhằm cưỡng bức nhiều người phục tùng một ý đồ nào đó. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế là chủ nghĩa khủng bố vượt qua biên giới quốc gia” (4).
       Theo quan niệm của chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố Paolo Uygơchinsơn (Anh), “chủ nghĩa khủng bố có tính chất chính trị rất rõ ràng, tức là sử dụng hoặc đe doạ sử dụng một cách có hệ thống các thủ đoạn ám sát, phá hoại nhằm hăm doạ hoặc cưỡng bức cá nhân, đoàn thể, tổ chức, chính phủ chấp nhận yêu sách chính trị hoặc phần tử khủng bố” (5).
        Bộ ngoại giao Mỹ đưa ra định nghĩa về hoạt động khủng bố là “ một hành động bạo lực có mưu tính trước, nhằm những mục đích chính trị và hướng vào những mục tiêu không tham chiến (dân thường, nhân viên quân sự không vũ trang, những cuộc tấn công nhân viên có vũ trang và các cơ sở quân sự không trong tình trạng đối đầu về quân sự) do các nhóm thiểu số trong nội bộ dân tộc hoặc những nhân viên mật tiến hành để tác động đến dân chúng” (6).
       Tại Pháp, hoạt động khủng bố được xác định là “ một hoạt động có chủ định, sử dụng hăm doạ hoặc bạo lực nhằm lật đổ các định chế dân chủ hoặc tách một bộ phận lãnh thổ quốc gia khỏi quyền lực nhà nước” (7).
       Theo học giả Alex P. Schmid: “ chủ nghĩa khủng bố là thủ đoạn do cá nhân, đoàn thể hoặc người hành động của nhà nước sử dụng hành động bạo lực để gây sự sợ hãi, lo âu, mất ổn định. Các phần tử khủng bố thông thường chọn đối tượng trực tiếp bị hại mà không có mục tiêu hoặc tìm đối tượng trong quần chúng một cách có lựa chọn, người trực tiếp bị hại trong hành động khủng bố không phải là mục tiêu hành động chính mà là trung gian truyền tin, mục đích cần đạt tới của chủ nghĩa khủng bố sẽ quyết định phưưng thức hành động khủng bố mà đoàn thể đó sử dụng” (8).
        Theo P.E. Abramôvich, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về bài ngoại và phòng ngừa chủ nghĩa cực đoan, Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ): “ chủ nghĩa khủng bố là một biến dạng của chủ nghĩa cực đoan chính trị trong phương án bạo lực thái quá của chủ nghĩa nào đó. Đó là một hiện tượng hẹp về cơ sở xã hội do một nhóm thực hiện, thậm chí do một người cụ thể thực hiện” (9).
        Cuốn Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc viết: “ Chủ nghĩa khủng bố quốc tế là hành vi của cá nhân hoặc tổ chức sử dụng bạo lực có ý thức gây hoảng sợ và dùng các thủ đoạn giết hại hoặc uy hiếp tính mạng cá nhân hoặc nhóm người, phá hoại tài sản công tư để thực hiện một mục đích chính trị nào đó hoặc mục đích khác trong phạm vi quốc tế. Đó là hành vi của một số cá nhân hoặc tập thể có mục đích chính trị và xã hội nào đó, sử dụng bạo lực hoặc phi bạo lực tiến công và đe doạ các cơ quan hoặc cá nhân, hoặc dể tạo ra bầu không khí hoảng sợ, đã giết hại bừa bãi những người dân vô tội, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” (10).  
        Đại từ điển tiếng Việt (1999) định nghĩa khủng bố: “ Dùng bạo lực đàn áp gây nhiều tổn thương, làm cho khiếp sợ hòng khuất phục” (11).
       Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002) định nghĩa khủng bố quốc tế: “ Loại khủng bố nhằm vào cá nhân, tổ chức hoặc mục tiêu được pháp luật quốc tế bảo vệ: giết người đứng đầu nhà nước, chính phủ, đại diện ngoại giao và các đại diện khác; phá huỷ đại sứ quán, trụ sở của phái đoàn đại diện các tổ chức, dân tộc, các tổ chức quốc tế, phá hoại hệ thống giao thông quốc tế…với mục đích gây sức ép đối với chính sách đối nội, đối ngoại của các quốc gia. Khủng bố quốc tế là một loại tội ác có tính chất quốc tế” (12).
        Khủng bố theo từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam (2004): “là hành động bạo lực tàn ác của cá nhân, của một tổ chức, một nhà nước nhằm phá hoại, đe doạ, gây sợ hãi hoặc cưỡng bức, buộc đối phương “khuất phục” hay thực hiện những yêu sách nhất định; một loại tội phạm quốc tế”. Hình thức khủng bố: bắt cóc, ám sát, đánh bom, tàn sát man rợ…khủng bố được một số nước và các thế lực “phản động”, các phần tử cực đoan, lực lượng ly khai trên thế giới sử dụng như một quốc sách hoặc một chiến lược để thực hiện những mục đích nhất định” (13).
        Qua một số khái niệm về khủng bố nêu trên, ta thấy giữa chúng có điểm chung là: khẳng định khủng bố là hành động dã man nhằm gây khiếp sợ cho chính phủ và thường dân để đạt mục tiêu chính trị, xã hội nào đó, song nói chung là chưa đưa ra được những tiêu chí cụ thể để có thể nhận diện một cách rõ ràng khủng bố. Ngoại trừ định nghĩa của “ Đại Bách khoa toàn thư Trung Quốc” định nghĩa này đã đưa ra một số tiêu chí cụ thể:
       Phạm vi chủ nghĩa khủng bố mang tính quốc tế, liên quan trực tiếp đến công dân của hai quốc gia trở lên, hoặc những phần tử khủng bố không có quốc tịch nước chúng phạm tội, bao gồm cả việc công dân các nước thứ 3 thông qua hoặc xúi dục công dân nước sở tại phạm tội.
       Mở rộng mục đích phạm tội của chủ nghĩa khủng bố từ chính trị sang xã hội hoặc các phương diện khác, tức là nhân tố phi chính trị đã gia tăng tương đối. Có lúc cũng xuất hiện một số chủ nghĩa khủng bố mang tính thể hiện, chúng không còn là những phe phái có “chủ nghĩa” hoặc “lý tưởng”, cũng không có hành động mang tính tổ chức, giết người hàng loạt chỉ để là trút đi nỗi thống khổ, phẫn nộ và thất bại đã tích tụ lâu trong lòng các thành viên, hoặc chỉ để chứng minh sự tồn tại của bản thân.
         Ngày nay, chủ nghĩa khủng bố quốc tế có thêm thủ đoạn “ không sử dụng bạo lực”. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật làm cho đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nhân loại ngày càng tiện lợi, nhưng lại vô cùng yếu đuối. Kỹ thuật thông tin trong đó có mạng Internet mang lại lợi ích to lớn cho kinh tế và xã hội, nhưng cũng đồng thời làm cho rất nhiều hoạt động của nhân loại phải dựa vào sự vận hành của mạng Internet. Cách mạng khoa học kỹ thuật sinh học, tiêu biểu là công nghệ gien bên cạnh việc đem lại hạnh phúc cho nhân loại cũng có thể đưa đến một loạt vấn đề nan giải. Để đạt được hiệu quả gây sức ép tâm lý lớn, chủ nghĩa khủng bố quốc tế rất có thể sẽ hoạt động phá hoại trong các lĩnh vực kỹ thuật như thông tin, sinh học, quá trình đó có lẽ rất “văn minh” hoặc rất “khoa học”, hậu quả lại là tai hoạ huỷ diệt toàn thế giới.
        Việc giết hại bừa bãi người dân vô tội được xem là một tiêu chuẩn vô cùng  quan trọng để xác định đây chính là hoạt động khủng bố. Dù những kẻ khủng bố sử dụng bạo lực hay phi bạo lực có lý tưởng “vĩ đại” hay “cao cả” đến đâu, chỉ cần trực tiếp giết hại bừa bãi những người dân vô tội đều là hành động khủng bố, phạm tội.
        Hiện nay trên thực tế cũng có quan niệm quá rộng về chủ nghĩa khủng bố. Đó là quan niệm cho rằng mọi hành vi bạo lực nhằm đạt được mục đích chính trị đều bị coi là khủng bố, bất kể là các hành vi bạo lực đó nhằm vào mục tiêu quân sự hay dân sự, và bất kể đó    những cuộc đấu tranh đòi độc lập cho một dân tộc
(như cuộc đấu  tranh của người  Kurd ở Thổ  Nhĩ  Kỳ,  của  Quân  đội  cộng  hoà
Ai Len ở Bắc Ai Len thuộc Anh, hay phong trào đòi độc lập cho xứ Basque ở Tây  Ban Nha…) cũng như cuộc đấu tranh của một số tổ chức chính trị – xã hội (như Mặt trận cứu nguy Hồi giáo Angiêri). Đây là quan điểm phản chính thống của các chính phủ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia đa dân tộc. Hoặc cuộc đấu tranh chính nghĩa của một dân tộc, trong đó có đấu tranh vũ trang – chẳng hạn như cuộc đấu tranh của nhân dân Palextin từ trước đến nay có thể coi là khủng bố không ?. Vấn đề  này có nguồn  gốc lịch  sử của hai dân tộc Do thái và
Ả rập ở xứ  Palextin. Do vậy cuộc đấu tranh của người Palextin được cả thế giới công nhận, ủng hộ. Tuy nhiên nhiều năm qua, các phần tử cực đoan trong phong trào kháng chiến của người Palextin đã gây ra nhiều vụ khủng bố nhằm vào dân thường khiến dư luận thế giới không thể đồng tình.
       Ở một góc độ khác: Hoa Kỳ gọi Osama Bin Ladel là “trùm khủng bố số 1 quốc tế”, Bin Laden và Taliban lại lên án nhà nước Hoa Kỳ là trùm khủng bố thế giới, kẻ diệt chủng; Ixaraen tố cáo chính quyền  Palextin là nuôi dưỡng các phần tử khủng bố, nhưng nhà nước Palextin lại lên án nhà nước Ixaraen là nhà nước khủng bố…tất cả những điều đó cho thấy vấn đề nhận thức về chủ nghĩa khủng bố của nhân loại cho đến nay còn hết sức khó khăn để có thể đi đến một định nghĩa thống nhất. Ngày nay, mọi quốc gia trên thế giới đều tán thành chống khủng bố “nhưng do người ta chưa nhất trí được với nhau thế nào là “khủng bố” – hoặc tất cả mọi người đều hiểu “thế nào là khủng bố mặc dù không nói ra được “khủng bố là thế nào” – cho nên đôi khi có người miệng nói là chống khủng bố nhưng hành động lại gần như là khủng bố” (14).
        Như vậy, qua một vài quan niệm trên về chủ nghĩa khủng bố, chúng ta có thể đi tới nhận thức rằng hoạt động khủng bố là những hành động bạo lực hoặc đe doạ dùng bạo lực một cách có tổ chức nhằm vào các cá nhân, các thiết chế hoắc các tổ chức xã hội nào đó gây ra sự thiệt hại về vật chất, con người và tinh thần đối với dân thường vô tội, ảnh hưởng và tạo ra sự lo ngại đối với xã hội để đạt được mục đích chính trị cụ thể. Trên thực tế, do xuất phát từ động cơ, mục đích khác nhau nên nhận thức về nội hàm và ngoại diên khái niệm chủ nghĩa khủng bố cũng được hiểu không đồng nhất. Nhận thức về khủng bố sở dĩ rất khác nhau và gây tranh cãi gay gắt trên trường quốc tế là do nhiều nhân tố: nguồn gốc lịch sử của vấn đề, lợi ích chính trị của giai cấp cầm quyền, những khác biệt về hoàn cảnh chính trị – xã hội, lịch sử, văn hoá, tôn giáo của mỗi nước. Một định nghĩa chung thống nhất được chấp nhận rộng rãi trên thế giới là khó đạt được.
         Hoạt động khủng bố là phi nhân đạo, bị cả thế giới lên án cực lực. Hành động khủng bố nhất thiết phải loại trừ ra khỏi xã hội văn minh, như lời Chủ tịch Phidel Castro đã nói “Dù nguồn gốc sâu xa của chủ nghĩa khủng bố như thế nào, dù các yếu tố kinh tê và chính trị có ảnh hưởng đến nó như thế nào, và dù ai đó phải chịu trách nhiệm đã mang nó đến với thế giới này, thì cũng không một ai có thể phủ nhận rằng chủ nghĩa khủng bố ngày nay là một hiện tượng nguy hiểm không thể bào chữa được về mặt đạo lý và phải bị loại trừ” (15).

*CHÚ THÍCH:
          (1), (2):  Bộ Quốc Phòng – Trung tâm thông tin khoa học công nghệ môi trường (2002), Khủng bố, nhận diện và đối phó, Hà Nội. Trang 7 – 8.
         (3): Báo cáo trình Quốc Hội – Cơ quan nghiên cứu của Quốc Hội Việt Nam  (2003), Chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á, Hà Nội. Trang 8.
        (4), (5): Tổng cục Chính trị - Thư viện Quân đội (2004), Về chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện nay, Tài liệu nghiên cứu phục vụ lãnh đạo tháng 7, Hà Nội. Trang 11, 12, 13.
        (6), (7): Pascal Boniface (2002), Những cuộc chiến tranh trong tương lai, NXB Thông tấn, Hà Nội. Trang 18 – 19.
        (8): Lý Vĩnh Long, Cố Trường Vĩnh (2004), “Về chủ nghĩa khủng bố ở Đông      Nam Á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, (1), trang 28.
        (9): Tổng cục Chính trị - Thư viện Quân đội (2004), Về chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện nay, Tài liệu nghiên cứu phục vụ lãnh đạo tháng 7, Hà Nội. Trang  13.
        (10):  Bộ Quốc Phòng – Trung tâm thông tin khoa học công nghệ môi trường (2002), Khủng bố, nhận diện và đối phó, Hà Nội. Trang 8.    
         (11): Nguyễn Như Ý cb (1999), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội. Trang 927.
         (12):  Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển Bách khoa Việt Nam (2002), Từ điển Bách khoa Việt Nam tập 2, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội. Trang 543.
         (13): Bộ Quốc Phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự (2004), Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội. Trang 572.
         (14): Nam Hồng, Quang Lợi, Lê Huy Hòa (2003), Khủng bố và chống khủng bố (STK) tập 3 Cuộc chiến không giới hạn, NXB Lao động, Hà Nội. Trang 130.
         (15): Về chủ nghĩa khủng bố (2002), NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội. Trang 45.

         



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét