Nguyễn
Hữu Nghị - Trường Đại học Chính trị
(Bài đăng trên tạp chí Dạy và học ngày nay số tháng 10/2012)
Vài năm trở lại đây, vấn đề dạy và học
lịch sử ở trường phổ thông được dư luận
xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt, với kết quả kỳ thi đại học môn Lịch sử năm
2011 đã như giọt nước tràn ly gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nhận thức về kiến
thức lịch sử và dạy học lịch sử cho thế hệ tương lai. Vậy đâu là nguyên nhân và
giải pháp khắc phục tình trạng này?
Trước hết chúng ta phải khẳng định bộ sách
giáo khoa lịch sử hiện tại là thành quả trí tuệ của những nhà khoa học giáo dục
lịch sử nước nhà qua nhiều lần cải cách, tuy nhiên qua thời gian đã bộc lộ những
hạn chế, bất cập như khô khan, nặng về sự kiện. Nên chăng các nhà viết sách giáo khoa lịch sử
cần tính tới những phát triển mới của dân tộc, thời đại và lựa chọn những sự kiện
tiêu biểu nhất trong lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc, đồng thời chú trọng
phân tích vị trí, ý nghĩa, cống hiến của sự kiện lịch sử ấy vào tiến trình phát
triển của nhân loại và đất nước. Trên thực tế, kiến thức lịch sử không hề khô
khan, “cũ kỹ” mà hết sức hấp dẫn, lôi cuốn nếu biết cách dạy và hướng dẫn học
sinh nhận thức lịch sử một cách nhiệt tình và sáng tạo.
Thực
trạng dạy học môn lịch sử nhà trường phổ thông cho thấy về nhận thức, môn lịch
sử được coi là môn học “phụ” bởi phân phối
chương trình chỉ có 1,5 tiết/tuần trong khi các môn toán, văn ít nhất là 4 tiết
trên tuần (ở một số nước phát triển như Mỹ, Pháp…môn lịch sử được phân bổ 4,5
tiết/ tuần, hơn thế nữa ở những nước này môn lịch sử là môn thi bắt buộc ở những
kỳ thi quan trọng còn ở ta thì có năm thi tốt nghiệp, có năm không thi. Vì vậy,
giáo viên dạy lịch sử cũng được coi như những giáo viên dạy môn phụ.
Về
xu thế xã hội và nhu cầu của phụ huynh học sinh, ngay từ cuối bậc tiểu học (lớp
4, 5) hay đầu bậc trung học cơ sở (lớp 6), các gia đình đã hướng con em mình tập
trung vào học các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ để sau khi tốt nghiệp phổ
thông sẽ dự thi vào các trường đại học nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân
hàng, thương mại, công nghệ thông tin… với các khối thi A, B, D ra trường dễ
xin việc làm, thu nhập cao còn khối C với chuyên ngành khoa học xã hội nói
chung, lịch sử nói riêng ra trường rất khó xin việc, nếu xin được thì thu nhập
cũng rất thấp, ít có cơ hội thăng tiến.
Thực tiễn ở các trường phổ thông hiện
nay cho thấy: trừ lớp 12 chuyên sử ở trường chuyên các tỉnh, nơi tập trung những
em thực sự có năng khiếu và yêu thích môn lịch sử sẽ dự kỳ thi học sinh giỏi quốc
gia, còn lại ở đội tuyển từ khối lớp 6 đến khối lớp 11 của các trường còn lại dự
kỳ thi học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở xuống thường khó lấy đủ tuyển thủ, những
em được gọi vào đội tuyển hầu như không có đam mê và quyết tâm giành giải trong kỳ thi. Một số phụ huynh còn “thiết tha” xin cho con em mình rút khỏi
đội tuyển. Thực trạng này đã tác động đến tâm tư, lòng yêu nghề của đội ngũ
giáo viên dạy lịch sử ở các trường phổ thông.
Về phân phối chương trình: thường là một
giai đoạn lịch sử dài hàng thế kỷ, thậm chí là cả một nền văn minh thời cổ đại
của một khu vực với 4-5 quốc gia lớn mà chỉ giảng trong 1 tiết (45 phút), chưa
kể 45 phút đó còn giành cho kiểm tra bài cũ, dặn dò, củng cố. Hết nội dung này
cũng không hề có tiết bài tập, thực hành, trao đổi hay kiểm tra đánh giá. Học
sinh không kịp nhớ dẫn tới tư tưởng bỏ qua, không cần biết, “chưa kịp thích”
chưa đọng lại chút kiến thức nào đã lại chuyển sang nội dung khác và chăm chú
vào môn học khác. Mỗi học kỳ các em có một tiết học ngoại khóa nhưng hầu như
các trường đều không thực hiện được vì không có kinh phí, phương tiện. Phần lịch
sử địa phương phân bố thời gian ít nên kiến thức sơ sài, không gây được hứng
thú với học sinh.
Vấn đề phương tiện, đồ dùng dạy học:
chưa được đầu tư đúng mức như các môn học khác, ngay cả ở các trường chuyên nằm
trên địa bàn các đô thị lớn cũng chưa có đủ chứ chưa nói tới các trường ở vùng
sâu, vùng xa. Trong khi đầu tư dụng cụ thí nghiệm cho các môn tự nhiên đều rất
đắt tiền còn một mô hình lịch sử, một bản đồ đơn giản và rẻ hơn rất nhiều nhưng
lại không được quan tâm đầy đủ.
Để có một sự tiến bộ thật sự trong dạy
học lịch sử ở trường phổ thông và kiến thức lịch sử trở thành nhu cầu của lớp
trẻ, cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức và hành động cùng với các giải
pháp đồng bộ của ngành giáo dục, từ khâu đổi mới sách giáo khoa, phân phối
chương trình, phương pháp dạy học, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, đầu tư
cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, các hình thức ngoại khóa phù hợp với bậc học,
với lứa tuổi, với điều kiện lịch sử truyền thống của từng trường, từng địa
phương. Hơn hết ngay trong mỗi gia đình, phụ huynh học sinh là môi trường giáo
dục lịch sử thường xuyên hữu hiệu nhất. Mỗi bậc cha mẹ học sinh phải là một tấm
gương yêu lịch sử, hiểu lịch sử và là một người thày dạy sử nhiệt thành đối với
con em mình – Chứ không chỉ giành sứ mệnh này cho nhà trường và cho xã hội. Làm
được như vậy mới thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt
Nam”
Thích Bài viết của Thày
Trả lờiXóa