Th.s
Nguyễn Hữu Nghị, Học viện Chính trị quân sự
(Bài đăng trên
tạp chí Nghiên cứu Châu Âu số 8 năm 2006)
1. Bối cảnh, thực trạng
Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của
thế kỷ XX thế giới chứng kiến sự tan rã của hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô.
Cũng từ đây quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ cùng với làn sóng “dân chủ
hoá” của phương Tây đã dẫn tới những thay đổi sâu sắc cục diện Địa - Chính trị châu Âu. Liên Xô cũ phân rã thành
15 nước cộng hoà, Nam Tư thành 5 thực thể mới, Tiệp Khắc trở thành 2 quốc gia…
Những vấn đề của lịch sử chưa được giải quyết: Phong trào ly khai sứ Basque ở
Tây Ban Nha, vấn đề Bắc Ai len ở Anh, vấn đề đảo Coóc ở Pháp, tranh chấp chủ
quyền đảo Syprus giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ…châu Âu đứng trước những thách thức
to lớn: mâu thuẫn dân tộc, xung đột sắc tộc, tôn giáo, làn sóng ly khai. Đặc
biệt, đằng sau những mâu thuẫn, xung đột đó là những hoạt động khủng bố vô cùng
man rợ, để lại hậu quả vô cùng nặng nề trên khắp châu Âu.
Năm 1996, Tổ chức giải phóng dân tộc
Coóc ở Pháp đã gây hàng loạt các vụ nổ trên đảo Coóc và ngay tại thủ đô Pa ri.
Tại Anh, quân Cộng Hoà Bắc Ai Len liên tục tổ chức các vụ đánh bom ở Luân Đôn,
thậm chí mùa hè năm 1998 ở nước Anh còn được gọi là “mùa hè của chủ nghĩa
khủng bố” với hàng trăm cuộc bạo loạn. ở Tây Ban Nha, tổ chức ly khai sứ
Basque (ETA) đã thay đổi sách lược: tập chung tiến hành các vụ khủng bố ở các
thành phố ven biển. Sau vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 ở Mỹ, châu Âu cũng
liên tiếp phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ hoạt động khủng bố, điển hình như vụ 50 tên
khủng bố Checsnia bắt giữ gần 1000 con tin tại cung văn hoá Vòng Bi ở
Mátxcơva ngày 23/10/2002 làm hơn 150
người chết và bị thương. Vụ 10 quả bom phát nổ liên tiếp trên 4 đoàn tàu ở Tây
Ban Nha làm 200 người chết, 1400 người bị thương diễn ra ngày11/3/2004. Vụ nổ
bom giết chết Tổng thống Checsnia – Akhmad Kadurop ngày 9/5/2004. Vụ 32 tên
khủng bố Checsnia tiến hành bắt cóc hơn
1000 con tin mà chủ yếu là học sinh ở trường trung học cơ sở số 1 Belslan – Bắc
Ôsécchia làm hơn 300 con tin chết và bị thương vào ngày khai trường 1/9/2004. 6
vụ tấn công hệ thống giao thông công cộng ở Luân Đôn – Anh ngày 7/7/2005 làm
nhiều người chết và bị thương, một tổ chức bí mật của Al Qaeda ở châu Âu đã
nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này và chúng đe doạ sẽ thực hiện những vụ tấn
công tương tự ở Ý, Đan Mạch…
2. Quan điểm chống khủng bố
Trước sự phát triển lan tràn của chủ
nghĩa khủng bố, chống khủng bố đã nhanh chóng được coi như một trong những
trọng điểm an ninh hàng đầu của châu Âu. Ngay sau sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ, theo
đề nghị của Thủ tướng Đức và Chủ tịch Nghị viện châu Âu, trong tuyên bố chung,
các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các quyết định khẩn cấp về phản ứng của EU trước nạn khủng
bố với nội dung chủ yếu:
- Liên minh châu Âu cam kết không ngừng
bảo vệ luật pháp và dân chủ trên phạm vi toàn cầu.
- Tăng cường khuôn khổ hợp tác quốc tế
về an ninh.
- Góp phần vào hoạt động khẩn cấp chống
khủng bố trên phạm vi toàn thế giới.
- Nỗ lực xây dựng chính sách an ninh và
quốc phòng chung châu Âu. Nỗ lực tăng cường các hoạt động tình báo chống khủng
bố.
- Thực hiện một khu vực châu Âu với hệ
thống luật pháp thống nhất, trong đó các quy định bắt giữ, dẫn độ các phạm nhân
liên quan tới khủng bố.
Trong cuộc chiến chống khủng bố, EU coi
trọng vị trí của Liên Hợp Quốc (LHQ), tổ chức quốc tế lớn nhất và quan trọng
nhất thế giới. EU ủng hộ và cam kết thực hiện tất cả các công ước, nghị quyết,
tuyên ngôn của LHQ đề ra về chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế như “Tuyên ngôn
về biện pháp thủ tiêu chủ nghĩa khủng bố quốc tế” được thông qua tại phiên
họp 4053 của Hội Đồng Bảo An LHQ ngày 19/10/1999, Nghị quyết 1373 của LHQ thông
qua ngày 28/9/2001 yêu cầu tất cả các
nước và các tổ chức quốc tế cắt đứt mọi nguồn tài trợ cho các băng nhóm, tổ
chức bị coi là khủng bố, Nghị quyết 1624 thông qua ngày 17/9/2005 tại Diễn
đàn Hội nghị thượng đỉnh LHQ với nội dung phòng ngừa sự khởi đầu của chủ
nghĩa khủng bố…EU luôn coi sự hợp tác với LHQ, Mỹ, Nga là ưu tiên hàng đầu
trong cuộc chiến chống khủng bố.
Về hợp tác nội khối: tại cuộc họp bất
thường ngày 21/9/2001 các nhà lãnh đạo hầu hết các nước châu Âu đã nhất trí
thông qua một kế hoạch hành động bao gồm các biện pháp sau:
-
Tăng cường hợp tác tư
pháp và cảnh sát.
-
Cải thiện bộ máy tư
pháp quốc tế.
-
Chống lại việc tài trợ
cho các tổ chức khủng bố.
-
Thắt chặt an ninh hàng
không. (1)
Cuối năm 2001, Bộ trưởng tư pháp và nội
vụ 15 nước EU đã thống nhất văn bản luật về chống khủng bố, đồng thời đề ra
những biện pháp trừng phạt đối với tội danh khủng bố và lệnh bắt giữ trên toàn
châu Âu. Tháng 10 năm 2005 chính phủ Anh đã đề xuất với EU chiến lược chống
khủng bố “4 P”:
Prevetion – ngăn chặn, giải quyết nguồn
gốc gây ra chủ nghĩa khủng bố.
Pursuit – theo đuổi, sử dụng tình báo để
truy bắt các phần tử khủng bố.
Protection – bảo vệ, phòng ngừa an ninh.
Preparedness – sự đáp lại trong tình
huống khẩn cấp.
Tại Hội nghị “Sáng kiến an ninh phổ
biến” diễn ra tại Ba Lan tháng 7 /2006, 70 nước tham dự đã khẳng định phổ
biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và khủng bố là một trong những mối đe doạ nghiêm
trọng nhất đối với loài người, kêu gọi thế giới thường xuyên cảnh giác, tăng
cường hợp tác chống mối đe doạ này. Bằng những biện pháp quyết liệt, tích cực,
từ năm 2001 đến nay, cảnh sát các nước EU đã bắt giữ, tiêu diệt hàng trăm phần
tử khủng bố cực đoan có liên quan đến mạng lưới Al Qaeda của Osama Binladen
hoạt động ở châu Âu.
Tại Nga: sau khi Liên Bang Xô Viết sụp
đổ, Liên Bang Nga cùng các nước cộng hoà Xô Viết cũ trở thành các quốc gia độc
lập nhưng đời sống chính trị luôn bất ổn, kinh tế khủng hoảng, xã hội phân hoá
sâu sắc. Lợi dụng hoàn cảnh, điều kiện này một số phần tử cực đoan đã kích động
tư tưởng dân tộc hẹp hòi, thù địch, bài Nga ở một số nước cộng hoà tự trị như
Đagextan, Igusêtia, đặc biệt là phong trào ly khai dân tộc ở Checsnia. Từ năm
1999 những phiến quân ly khai Checsnia đã tiến hành nhiêù vụ khủng bố đẫm máu
trên khắp nước Nga mà hậu quả khủng khiếp khiến nhiều người dân vô tội phải
gánh chịu. Nước cộng hoà Checsnia dưới thời Đuđaép đặc biệt kỳ thị dân Nga và
những người nói tiếng Nga. Những cư dân này luôn bị đe doạ bằng bạo lực, bị
khống chế và bị buộc phải chạy trốn đến các vùng lãnh thổ khác thuộc Liên Bang
Nga. Chỉ tính riêng trong thời gian từ 1992 đến 1994 đã có hơn 47000 người buộc
phải từ bỏ Checsnia mà 80% trong số người tị nạn này là người Nga (2).
Những vụ tấn công khủng bố của lực lượng
ly khai Checsnia ở Liên Bang Nga không chỉ nhằm mục đích ly khai mà còn nhằm
gây chia rẽ tình đoàn kết của các dân tộc, các tôn giáo của Liên Bang Nga, lôi
kéo người Nga vào cuộc nội chiến hao người tốn của ở khu vực Bắc Cápcadơ. Nhận
thức sâu sắc vấn đề này chính phủ Nga bày tỏ lập trường kiên quyết chống chủ
nghĩa khủng bố đến cùng, quyết không để cho bọn khủng bố có được cơ hội nào và
trong bất cứ trường hợp nào. Điều này đã được khẳng định qua các vụ giải thoát
con tin ở Mátxcơva tháng 10/2002, ở Belslan tháng 9/2004, lực lượng an ninh đã
bắt giữ nhiều phần tử khủng bố, tiêu diệt những tên cầm đầu chủ nghĩa khủng bố
như Đuđaep (1996), Bassayev, Saydullayev (tháng 7/2006). Ngày 18/7/2006 cảnh
sát Nga đã kịp thời ngăn chặn một kế hoạch tấn công phá hoại Hội nghị Thượng
đỉnh các nước công nghiệp phát triển G8 ở Sanh Pêtecbua của những phần tử khủng
bố cực đoan. Cũng trong tháng 7/2006 Hạ viện, Thượng viện Nga đã thông qua
những sửa đổi luật chống khủng bố, trao cho Tổng thống V. Putin quyền được sử
dụng các lực lượng vũ trang và lực lượng đặc biệt ở nước ngoài để chống lại các
mối de doạ khủng bố nhằm vào các lợi ích của Nga và các công dân Nga. Ngày
15/7/2006 hội đàm nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh nhóm G8, Tổng thống hai nước
Nga – Mỹ đã quyết định triển khai “Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt
nhân”. Trong khuôn khổ sáng kiến này, Nga và Mỹ sẽ phối hợp hành động với
những nước đã nắm được công nghệ hạt nhân nhạy cảm để những nước này áp dụng
biện pháp cần thiết bảo vệ an toàn các cơ sở hạt nhân và vật liệu hạt nhân trên
lãnh thổ của mình. Chính phủ Nga cũng chính thức yêu cầu Mỹ đưa các phiến quân
ly khai Checsnia vào danh sách đen các tổ chức khủng bố của họ.
3.
Giải pháp chống khủng bố
Xuất phát từ thực trạng hoạt động
khủng bố, quan điểm đến các hành động chống khủng bố ở châu Âu từ sau chiến
tranh lạnh đến nay, trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những thách thức
phía trước, chúng ta có thể đúc rút ra những bài học từ cuộc chiến chống khủng
bố cũng như một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chống khủng bố ở châu Âu
như sau:
Thứ nhất, chống khủng bố là
cuộc chiến lâu dài, toàn diện, kết hợp với xoá đói, giảm nghèo, thực hiện dân
chủ, công bằng xã hội. Các quốc gia châu Âu cũng như cộng đồng quốc tế đều
chung nhận thức rằng, vấn đề chống khủng bố là một vấn đề mang tính toàn cầu,
không thể nóng vội một sớm một chiều có thể giải quyết được. Nguồn gốc của chủ
nghĩa khủng bố xuất phát từ những bất bình đẳng trong xã hội, đó là sự bất
bình, căm phẫn, hận thù cao độ của những cộng đồng dân cư nhất định, họ phải
gánh chịu những áp bức, bất công, thiệt thòi cả về kinh tế, chính trị và văn
hoá, xã hội. Tình trạng lạc hậu, đói nghèo, chậm phát triển ở những vùng xa
xôi, vùng dân tộc thiểu số là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng lòng hận thù, tư tưởng
phản kháng, xu hướng ly khai đòi độc lập. Ví dụ ở Côsôvô (Nam Tư), sự phát
triển công nghiệp ở khu vực này rất hạn chế, thất nghiệp chiếm 40% đến 60% lực
lượng lao động, mảnh đất này lại hết sức phức tạp về vấn đề tôn giáo, dân tộc,
nơi mà “ba tôn giáo, hai dân tộc và một quần thể Hồi giáo cấu thành”.
Đằng sau mỗi dân tộc, tôn giáo ở đây lại có một lực thế lực bên ngoài hậu thuẫn.
Đây lại là khu vực rất giàu tài nguyên, khoáng sản, các lực lượng ly khai cho
rằng sau khi giành được độc lập có thể nhanh chónh xây dựng quốc gia phát
triển, giàu mạnh. Hay ở Checsnia, mặc dù đã nhận được rất nhiều ưu đãi từ chính
quyền trung ương nhưng nền kinh tế nơi đây vẫn rất yếu kém, đời sống nhân dân
khó khăn…Vì vậy, muốn giải quyết tốt nạn khủng bố từ gốc rễ và chống khủng bố có hiệu quả, cần phải gắn
liền với việc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống và dân
trí ở những vùng hẻo lánh xa chính quyền trung ương, đảm bảo quyền dân chủ,
công bằng xã hội. Tôn trọng và giữ gìn những phong tục, tập quán, tôn giáo, văn
hoá với những bản sắc riêng của cộng đồng các dân tộc địa phương. Tranh thủ sự
ủng hộ và hợp tác quốc tế về kinh tế, xã hội…có như vậy, hiệu quả chống khủng
bố chắc chắn sẽ được nâng cao.
Thứ hai, cần tiếp tục xây dựng,
bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp quốc tế, các công ước, các văn bản quốc
tế về chống khủng bố. Trên cơ sở pháp lý đó, các quốc gia phải tôn trọng, tham
gia đầy đủ, có trách nhiệm và hiệu quả vai trò của mình trong cuộc chiến chống
khủng bố toàn cầu.
Để đấu tranh chống khủng bố, cộng đồng
châu Âu đã sớm tạo lập được những cơ sở pháp lý tương đối toàn diện, đây là một
điều kiện hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, những cơ sở pháp
lý cần phải được thực hiện một cách chặt chẽ, đồng bộ của tất cả các quốc gia
châu Âu, dưới sự điều hành thống nhất của LHQ. Trong cuộc đấu tranh chống khủng
bố, các quốc gia châu Âu cần phải có thái độ rõ ràng và dứt khoát, nhất quán
với chủ nghĩa khủng bố, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình và tăng cường hợp
tác quốc tế ở cả góc độ song phương và đa phương. Tuy nhiên trên thực tế vì
những lợi ích khác nhau mà sự thống nhất quan điểm giữa các quốc gia nhiều khi
còn hạn chế. Như tại Côxôvô Mỹ và nhiều nước Tây Âu bí mật nuôi dưỡng những
phần tử cực đoan Anbani, thành lập lực lượng KLA, xúi dục lực lượng này tiến
hành đấu tranh ly khai gây mất ổn định, chống chính quyền trung ương. Hay vấn
đề Checsnia, một mặt Mỹ và phương Tây kêu gọi Tổng Thống V. Putin sát cánh bên
họ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng mặt khác lại đồng ý cho một trong
những trùm khủng bố Checsnia cư trú chính trị. Công cuộc đấu tranh chống khủng
bố chỉ thực sự có hiệu quả khi các biện pháp chống khủng bố được thực hiện theo
đúng khuôn khổ và trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc
tế, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia, tôn trọng độc lập,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các
quốc gia. Có như vậy, các biện pháp chống khủng bố ở châu Âu nói riêng và trên
thế giới nói chung mới đảm bảo tính hợp pháp và
hiệu quả.
Thứ ba, Cần xây dựng chính sách
tôn giáo, dân tộc phù hợp với đặc điểm và nguyện vọng của người dân bởi những
sai lầm trong chính sách dân tộc luôn là các nguyên nhân trực tiếp bùng nổ xung
đột, ly khai. Thực tế lịch sử cho thấy rất nhiều quốc gia dân tộc châu Âu ngày
nay được hình thành qua các cuộc chiến tranh, khi mà các mâu thuẫn dân tộc đều
được giải quyết bằng vũ lực, quá khứ đó đã để lại những dấu ấn không dễ xoá mờ
trong quan hệ giữa các dân tộc, nhất là trong điều kiện nhiều quốc gia ngày nay
vẫn chưa xây dựng được mối quan hệ mới, hoàn toàn bình đẳng giữa các dân tộc
trong một nước và như vậy, các hành động phân biệt đối xử, đàn áp sắc tộc hay
sự thiếu tôn trọng nếp sống văn hoá, phong tục tập quán, tôn giáo của các dân
tộc thiểu số sẽ rất dễ gợi lại hận thù trong quá khứ, kích động xu hướng ly
khai, khủng bố. Trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Pu tin ngày
11/5/2006 Ông đã viết “Mối đe doạ khủng bố vẫn còn rất hiện thực, nhiều cuộc
xung đột địa phương vẫn là một mảnh đất nuôi dưỡng màu mỡ cho những kẻ khủng
bố, nguồn cung cấp vũ khí của chúng và là nơi chúng có thể thử nghiệm sức mạnh
của chúng trên thực tế. Các cuộc xung đột này thường nảy sinh trên nền tảng
mang tính sắc tộc, thường lôi kéo theo cuộc xung đột giữa các tôn giáo, là cuộc
xung đột bị kích động và thao túng một cách giả tạo bởi các phần tử cực đoan thuộc
đủ nguồn gốc”. (3)
Sự tồn tại của các quốc gia, dân tộc có
chế độ chính trị, xã hội khác nhau là khách quan và lâu dài trong tiến trình
phát triển của lịch sử nhân loại. Các quốc gia, dân tộc ở châu Âu nói riêng,
trên thế giới nói chung có hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế, xã hội cụ
thể khác nhau cho nên sự phát triển
không đồng đều về nhiều mặt giữa các quốc gia cũng là hiện tượng phổ biến và
lâu dài. Trong đời sống chính trị quốc tế, các quốc gia, dân tộc dù lớn hay
nhỏ, giàu hay nghèo đều có quyền được tôn trọng, bình đẳng như nhau không phân
biệt chế độ chính trị, xã hội. Hiện nay, trong quan hệ quốc tế đang có sự bất
bình đẳng, biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã
hội. Một số nước lớn trên thế giới muốn
dùng sức mạnh kinh tế, quân sự của mình để áp đặt những giá trị “dân chủ”,
“nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, hoặc lợi dụng quá
trình toàn cầu hoá để áp đặt sự nô dịch và bóc lột mới một cách tinh vi, dùng
mọi thủ đoạn, biện pháp để duy trì quan hệ bất bình đẳng với các nước đang phát
triển. Từ đó gia tăng mâu thuẫn quốc gia, dân tộc, là nguyên nhân nảy sinh chủ
nghĩa khủng bố quốc tế. Ví dụ một số vụ tấn công khủng bố ở Anh do các tổ chức
Hồi giáo cực đoan tiến hành nhằm trả thù việc Anh ủng hộ và là đồng minh thân
cận của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Ápganixtan, I rắc…
Thứ tư, luôn duy trì, tăng cường
hợp tác, trao đổi thông tin chính xác, kịp thời về hoạt động của bọn khủng bố
và kinh nghiệm chống khủng bố giữa các
quốc gia châu Âu, giữa châu Âu với thế giới.
Các tổ chức khủng bố ở châu Âu đang
tích cực mở rộng căn cứ và địa bàn hoạt
động của chúng với mạng lưới trải rộng khắp châu lục, do đó sẽ rất khó xác định
được mục tiêu, không gian cũng như thời gian tấn công của các vụ khủng bố. Việc
phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin kịp thời về hoạt động khủng bố giữa các
quốc gia châu Âu, cũng như những kinh nghiệm thành công hay thất bại trong quá
trình đấu tranh chống khủng bố sẽ góp
phần hạn chế đáng kể hậu quả từ các vụ khủng bố. Ngoài ra, tăng cường hợp tác
trao đổi và chia sẻ thông tin với các đối tác lớn trong cuộc chiến chống khủng
bố như Mỹ, Australia, Trung Quốc, Đông Nam Á…là điều hết sức cần thiết để có
thể ngăn chặn các hoạt động khủng bố một cách kịp thời và hiệu quả.
Chống khủng bố là nhiệm vụ của tất cả
các nước trên thế giới, mục tiêu, hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố xét
đến cùng là phải đi đến trừng trị, tiêu diệt các phần tử khủng bố, xoá sổ các
tổ chức khủng bố ở các quốc gia, khu vực, và trên toàn thế giới nhằm loại trừ
chủ nghĩa khủng bố ra khỏi đời sống xã hội, tiến tới trừ bỏ tận gốc nguyên nhân
phát sinh khủng bố. Điều cần thiết và quan trọng để đạt được mục tiêu, hiệu quả
là hoạt động chống khủng bố phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp mỗi quốc gia,
các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là
nguyên tắc bình đẳng giữa các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của
mỗi quốc gia.
* Chú thích
(1)
Tổng cục Chính trị –
Thư viện Quân đội, Quan điểm, thái độ của LHQ, và Liên minh châu Âu về chủ
nghĩa khủng bố và đấu tranh chống khủng bố, tài liệu nghiên cứu phục vụ
lãnh đạo tháng 9/2004, trang 58.
(2)
Tổng cục Chính trị – Thư viện Quân đội, Quan
điểm, thái độ của Nga và Trung Quốc về chủ nghĩa khủng bố và đấu tranh chống
khủng bố, tài liệu nghiên cứu phục vụ lãnh đạo tháng 8/2004, trang 26.
(3)
TTXVN, Thông điệp
Liên bang của Tổng thống Nga V. Pu tin, Tài liệu tham khảo số tháng 6/2006,
trang 54.
* Tài liệu tham khảo:
1. Acôlôvep, Các đạo luật chống khủng
bố của nước ngoài, Tạp chí Khoa học quân sự số 6/2000.
2. Vương Dật Châu (cb), An ninh quốc
tế trong thời đại toàn cầu hoá, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
3. Trần Hiệp, Chủ nghĩa khủng bố ở
nước Nga quá khứ, hiện tại và triển vọng của cuộc chiến chống khủng bố, Tạp chí
Nghiên cứu châu Âu số 1/2006.
4. TTXVN, Cuộc chiến chống khủng bố
thế giới năm 2004 và 2005, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 30/12/2004.
5. Khổng Quang Thiệu, Đặc điểm mới của
chủ nghĩa khủng bố quốc tế sau chiến tranh lạnh và nguyên nhân hình thành của
nó, Tạp chí Kiến thức quốc phòng hiện đại số 10/2002.
6. Tình hình khủng bố trên thế giới
và khu vực Đông Nam Á tháng 10/2006, Tạp chí Sự kiện và nhân vật nước ngoài, số
10/2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét